Không nhập vải Trung Quốc, một doanh nghiệp dệt may muốn tăng xuất khẩu sang Mỹ

(NLĐO)- Dệt may Thành Công đang tổ chức tăng ca, huy động tối đa công suất để rút ngắn tiến độ giao hàng sang Mỹ

Ngày 18-4, tại đại hội đồng cổ đông thường niên, lãnh đạo Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã chứng khoán: TCM) cho biết thị trường Mỹ hiện chiếm khoảng 30% hàng xuất khẩu của doanh nghiệp. Lợi thế của công ty là gần như không nhập khẩu vải và nguyên liệu từ Trung Quốc nên giữ được thế chủ động trước các biến động thuế quan quốc tế.

Theo ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT công ty, hiện nay, mối quan tâm lớn nhất của Mỹ là loại trừ sản phẩm dệt may có nguồn gốc từ Trung Quốc. "Chúng tôi sản xuất khép kín từ bông đến sợi và vải, gần như không nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc, kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu nên hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ và hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu tại Mỹ" – ông Tùng nhấn mạnh.

Không nhập vải Trung Quốc, một doanh nghiệp dệt may muốn tăng xuất khẩu sang Mỹ- Ảnh 1.

Ban lãnh đạo TCM giải đáp các thắc mắc của cổ đông tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025

Theo ông Tùng, nhu cầu tìm kiếm nhà cung cấp từ Việt Nam đang tăng lên khi nhiều đối tác quốc tế lo ngại nguồn hàng Trung Quốc bị áp thuế cao, một số doanh nghiệp đã chuyển đơn hàng sang Việt Nam. "Đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam, nếu chủ động nắm bắt, có thể lấy được 20-30% thị phần của Trung Quốc tại Mỹ" - ông Tùng nhìn nhận. 

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT công ty, thông tin với cổ đông về tình hình xuất khẩu

Bản thân dệt may Thành Công đang chuẩn bị cho kế hoạch này bằng cách tập trung phát triển sản phẩm giá trị cao hơn, chuyển đổi số nhanh hơn trong nhà máy, bằng cách sử dụng công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo (AI), thông minh hơn và nhanh hơn. 

"Một số khách hàng từng có ý định hủy đơn sau thời điểm Chính phủ Mỹ công bố thuế đối ứng lên đến 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam đã thay đổi quyết định khi Việt Nam được tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày. Một số đối tác gia tăng đặt hàng, đẩy tiến độ giao hàng lên sớm hơn để bảo đảm hàng đến Mỹ trong khoảng "thời gian vàng" trước khi kết thúc hoãn thuế" - ông Tùng tiết lộ. 

Trước diễn biến này, công ty đang gấp rút đẩy nhanh đơn hàng để xuất trước ngày thứ 90. "Các nhà máy của chúng tôi đang tăng công suất để tận dụng 90 ngày này bởi sau đó, mức thuế đối với hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam chắc chắn sẽ tăng so với hiện tại" – ông Tùng nói.

Thông tin tại đại hội, lãnh đạo công ty cho hay doanh thu năm 2024 đạt 3.810 tỉ đồng, tăng 14,6%; lợi nhuận sau thuế 278 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2023. Với kết quả tích cực, công ty đã điều chỉnh cổ tức từ 12% lên 15%, trong đó tạm ứng 5% tiền mặt vào ngày 4-4 và phát hành 10% cổ phiếu thưởng. Công ty cũng dự kiến phát hành thêm hơn 10,2 triệu cổ phiếu, nâng vốn điều lệ lên 1.121 tỉ đồng vào tháng 7-8 tới.

Theo kế hoạch, năm 2025, TCM đặt mục tiêu doanh thu thuần hơn 4.525 tỉ đồng, tăng 19% so với năm 2024. Lợi nhuận dự kiến ổn định ở mức 279 tỉ đồng. 

Cũng tại đại hội, công ty này công bố kết quả kinh doanh quý I/2025 với doanh thu tăng 8%, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 25% so với cùng kỳ năm trước. Đây được xem là tín hiệu tích cực trong bối cảnh ngành dệt may Việt Nam đang chịu nhiều áp lực từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ.