Lao động tự do: Lựa chọn may rủi
Không muốn bị gò bó bởi giờ hành chính hay áp lực công việc, nhiều người trẻ chọn làm việc tự do vì sự linh hoạt và tự chủ, song họ đối mặt hàng loạt rủi ro
Không ràng buộc, không giới hạn, không cam kết và cũng không bảo đảm - đó là thế giới việc làm của những người chọn con đường lao động tự do. Nhóm lao động này ngày càng đông đảo trong bối cảnh kinh tế số hiện nay.
Tăng gấp đôi trong 5 năm
Ngồi gõ laptop bên quán cà phê yên tĩnh, Phan Thị Trà My (26 tuổi; ở phường An Nhơn, TP HCM) cho biết cô đang hoàn tất bản dịch tài liệu cho một công ty khởi nghiệp ở Singapore. Không hợp đồng dài hạn, không đến văn phòng, không chấm công - đó là cách cô làm việc suốt 3 năm qua.

Nhiều bạn trẻ làm việc tự do chọn quán cà phê là “văn phòng” làm việc. Ảnh: GIANG NAM
"Tôi là dịch giả tự do, khách hàng từ khắp nơi tìm đến thông qua nền tảng Upwork hoặc Fiverr. Có tháng tôi thu nhập hơn 25 triệu đồng, nhưng cũng có tháng chỉ đủ tiền cà phê vì khách ngưng dự án đột ngột. Cũng vài lần tôi bị "xù" lương mà không thể khiếu nại" - My thừa nhận.
Không riêng My, hàng ngàn bạn trẻ hiện nay đã chọn những công việc tự do (freelancer) như viết nội dung số (content creator), thiết kế, chụp ảnh, dựng phim, quản lý fanpage, tư vấn SEO... hay làm nghề liên quan kỹ thuật số (lập trình viên, chuyên gia quảng cáo online, AI trainer, tester phần mềm).
Dù tốt nghiệp đại học ngành quản trị kinh doanh nhưng Ngô Ngọc Quang Sáng (25 tuổi, quê Gia Lai) lại chọn công việc chạy xe ôm công nghệ. "Tôi chạy được gần 2 năm rồi, thu nhập đủ sống, có dư chút đỉnh. Tuy nhiên, sức khỏe đang có dấu hiệu đi xuống. Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ việc nguy hiểm nên tôi đang tính có nên tiếp tục nghề này hay không" - Sáng băn khoăn.
Chị Nguyễn Thị Nghiên (38 tuổi, quê Lâm Đồng) từng làm việc văn phòng ổn định tại TP HCM. Sau khi sinh con thứ hai, không thể cân bằng giữa công việc và gia đình, chị quyết định nghỉ việc, đưa cả nhà về quê và chuyển sang làm nghề tự do: chụp ảnh, quay video, bán đặc sản online và làm tiếp thị liên kết. Dù tận dụng tốt mạng xã hội, chị vẫn gặp nhiều khó khăn.
"Đôi khi đó là sự lựa chọn duy nhất để tôi vừa có thể chăm con vừa có thêm thu nhập" - chị Nghiên giải thích. Chị khẳng định làm nghề tự do không dễ, phải kiên trì, linh hoạt và chịu được áp lực mới trụ nổi.
Một khảo sát mới đây của nền tảng FreelancerVN cho thấy nước ta hiện có khoảng 2 triệu người làm việc tự do toàn thời gian hoặc bán thời gian - tăng gấp đôi so với 5 năm trước. Trong đó, người từ 22 - 35 tuổi chiếm hơn 70%. Theo báo cáo của FreelancerVN, làm việc tự do đáp ứng được nhu cầu linh hoạt, không lệ thuộc và chủ động thu nhập của giới trẻ. Song, sự tự do này cũng song hành với những bất ổn. Phần lớn người lao động (NLĐ) tự do không ký hợp đồng chính thức, không đóng BHXH, không có pháp lý bảo vệ nếu bị đối tác hủy kèo, quỵt tiền...
Nghề "3 không"
Đầu quân cho nhóm sản xuất nội dung YouTube từ năm 2022, Nguyễn Quốc Duy (28 tuổi; ngụ phường Bình Quới, TP HCM) từng nghĩ mình "trúng số" với mức thu nhập ổn định gần 30 triệu đồng/tháng từ công việc quay - dựng video cho nhiều kênh lớn.
Thế nhưng, đến năm 2024, khi một số kênh YouTube giảm ngân sách quảng cáo, Duy bị ngưng hợp tác. "Tôi không có hợp đồng nên không được trợ cấp thôi việc. Tụi tôi gọi vui đây là nghề 3 không: không cam kết, không bảo hiểm, không ngày nghỉ. Nếu không xoay xở nhanh, tôi có thể rơi vào cảnh trắng tay bất cứ lúc nào" - anh bày tỏ.
Khác với Duy, Nguyễn Thị Khánh Linh (24 tuổi, chuyên viết nội dung quảng cáo) lại xem đây là "nghề tạm" để chị tích lũy kinh nghiệm và chờ cơ hội khởi nghiệp. "Freelance giúp tôi rèn kỹ năng làm việc với khách hàng, quản lý thời gian và cả việc chịu áp lực. Tôi đang học thêm về quản trị thương hiệu để sau này mở studio riêng" - chị ấp ủ.
Không ít NLĐ tự do đang tận dụng nền tảng số để phát triển sự nghiệp độc lập. Họ xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội, làm việc với đối tác nước ngoài qua các nền tảng như Freelancer, Toptal, 99Designs… Tuy nhiên, để đi đường dài, họ phải học cách quản lý dòng tiền, liên tục đầu tư kỹ năng mới và nhất là tìm phương án bảo vệ an sinh cho chính mình.
"Chúng tôi mong có một hệ sinh thái hỗ trợ NLĐ tự do: từ pháp lý, đào tạo kỹ năng, BHYT tự nguyện cho đến quỹ dự phòng thất nghiệp. Đó là cách để công việc tự do không còn là cuộc chơi may rủi mà là lựa chọn bền vững" - bà Phạm Lan Khanh, sáng lập FreelancerViet, nhìn nhận.
Lao động tự do không còn là cá biệt mà đang trở thành cấu phần quan trọng của thị trường lao động hiện đại. Theo bà Khanh, nhiều quốc gia đã có chính sách cụ thể hỗ trợ lực lượng này. Ở Pháp, chính phủ hỗ trợ người làm nghề tự do đăng ký mã số thuế riêng, cấp BHXH tối thiểu. Tại Hàn Quốc, người làm việc trên nền tảng số như tài xế gọi xe hay shipper được xem là "NLĐ đặc thù", được đóng bảo hiểm tai nạn bắt buộc.
Trong khi đó, tại Việt Nam, lao động tự do hiện chưa được định danh rõ trong các văn bản pháp luật về lao động, bảo hiểm hay thuế. Do đó, họ khó tiếp cận các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ vay vốn hoặc chuyển đổi nghề khi cần.
Luật sư Nguyễn Minh Tâm, Trưởng Văn phòng Luật sư Đắc Nhân Tâm, cho rằng Việt Nam cần nhanh chóng cập nhật định nghĩa và khung pháp lý cho người làm việc tự do. Cần có cơ chế cho phép họ đăng ký hành nghề, có hợp đồng mẫu, có bảo hiểm tự nguyện gắn với nền tảng công nghệ. Điều này không chỉ bảo vệ quyền lợi cá nhân mà còn giúp nhà nước quản lý tốt hơn dòng thu nhập phi truyền thống.
(Còn tiếp)
Cần có chính sách phù hợp
Theo luật sư Nguyễn Minh Tâm, trong bối cảnh nền kinh tế gig (việc làm ngắn hạn) và kinh tế nền tảng số phát triển mạnh, việc bảo vệ quyền lợi NLĐ tự do không chỉ là chuyện cá nhân mà còn là trách nhiệm chung của xã hội. Bởi lẽ, nếu không có chính sách phù hợp, một bộ phận lớn người trẻ năng động sẽ mãi loay hoay trong vòng xoáy "tự do - bất ổn".