Nam thanh niên khổ sở vì ngực to bất thường

(NLĐO) - Bị phì đại tuyến vú khiến ngực to như nữ giới, nam thanh niên giấu kín suốt hơn 10 năm, phải bó ngực, sống khép kín, không dám yêu.

Nam thanh niên 26 tuổi cho biết anh phát hiện bản thân có ngực to từ năm 13 tuổi, ban đầu chỉ nghĩ do béo phì. Đến năm 17 tuổi, dù người gầy ốm nhưng ngực anh vẫn phát triển to bất thường, thậm chí lộ rõ dưới áo phông.

Nam thanh niên khổ sở vì ngực to bất thường- Ảnh 1.

Nam bệnh nhân có tình trạng phì đại tuyến vú trước và sau điều trị. Ảnh: Nguyên Hà

"Tôi luôn mặc áo rộng, bó ngực chặt. Không dám đi bơi, chơi thể thao, càng không dám yêu ai. Ánh mắt kỳ thị của người khác khiến tôi sống khép kín"- anh kể. Gần đây, anh mới đi khám và được chẩn đoán bị phì đại tuyến vú.

Theo bác sĩ Tạ Thị Hồng Thúy, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai, phì đại tuyến vú ở nam giới là tình trạng tuyến vú phát triển bất thường, có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, từ sơ sinh đến người già.

Tình trạng tuyến vú to đàn ông có thể xuất hiện thoáng qua khi sinh. Quá trình này có thể do tăng tuần hoàn của estrogen ở người mẹ. Sau khi sinh, mức estrogen giảm và chứng vú to thường sẽ biến mất.

Bệnh hiện diện trong gần 66% trẻ nam ở tuổi vị thành niên do sự mất cân bằng estradiol và testosterone. Tỉ lệ vú to đàn ông tăng lên ở người cao tuổi (lớn hơn 65 tuổi) do suy giảm testosterone và sự thay đổi sự mất cân bằng hormone.

Ngoài ra, một số loại thuốc, bệnh lý gan, tuyến giáp, thận, u tuyến yên, thượng thận… cũng có thể gây ra tình trạng này. Người béo phì, dùng hormone, steroid tăng cơ hoặc có khối u nội tiết cũng là yếu tố nguy cơ.

Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng ngoại hình mà còn gây đau, nhạy cảm vùng ngực, ảnh hưởng tâm lý, khiến nhiều người rơi vào mặc cảm, trầm cảm.

Nam thanh niên khổ sở vì ngực to bất thường- Ảnh 2.

Phì đại tuyến vú ở một bệnh nhân nam trước và sau điều trị

Bác sĩ Thúy khuyến cáo, khi nam giới thấy tuyến vú phát triển bất thường, cần đi khám sớm. Việc chẩn đoán không phức tạp, chủ yếu dựa vào khám lâm sàng, siêu âm, xét nghiệm hormone và đánh giá bệnh lý liên quan.

Về điều trị, tùy theo nguyên nhân và mức độ, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc nội tiết, điều chỉnh chế độ ăn, tập luyện, mặc áo nịt ngực hỗ trợ. Trường hợp nặng cần phẫu thuật để loại bỏ tuyến vú, mô mỡ và tạo hình lại ngực.

Nam giới không nên ngại ngùng giấu bệnh, nên đi khám khi thấy ngực to bất thường, sưng đau hoặc tiết dịch, kể cả chỉ ở một bên. Việc kiểm tra sớm giúp loại trừ ung thư vú (hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra ở nam giới), đồng thời có hướng xử lý phù hợp.