Nâng chất lượng nguồn nhân lực
Nguồn nhân lực cần được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng để thích ứng với yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế hiện đại và hội nhập
Việt Nam đang trong giai đoạn "cơ cấu dân số vàng" với lực lượng lao động trẻ và dồi dào, khi mỗi năm có khoảng 500.000 người gia nhập thị trường lao động. Đây là một lợi thế lớn cho nền kinh tế, tạo ra nguồn nhân lực phong phú và tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Nhưng chất lượng nguồn nhân lực lại đang thiếu hụt kỹ năng chuyên môn, trình độ đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp (DN).
Còn nhiều hạn chế
Theo báo cáo mới công bố của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), trong quý I/2025, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 52,9 triệu người. So với quý trước, con số này giảm nhẹ 230.700 người nhưng vẫn tăng 532.000 người so với cùng kỳ năm 2024. Qua đó, cho thấy xu hướng phục hồi của thị trường lao động sau giai đoạn nhiều biến động.
Tuy nhiên, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ trong quý I chỉ đạt 28,8%, dù đã tăng 0,2% so với quý trước và tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Điều này phản ánh thực tế phần lớn lao động hiện nay vẫn chưa được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để thích ứng với yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế hiện đại và hội nhập.
Ông Nguyễn Huy Minh, Phó trưởng Ban Thống kê Dân số và Lao động (Cục Thống kê), nhận định thị trường lao động tiếp tục phục hồi tích cực nhưng chất lượng cung lao động còn nhiều hạn chế. "Nguồn nhân lực không chỉ thiếu về số lượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật mà còn yếu về năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển của một thị trường linh hoạt, bền vững" - ông Minh nói.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP HCM, tình trạng thiếu hụt kỹ năng lao động đang trở thành rào cản nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trước hết, năng suất lao động thấp do người lao động (NLĐ) không đáp ứng được yêu cầu của công nghệ và thiết bị hiện đại, khiến việc vận hành máy móc và dây chuyền sản xuất chưa hiệu quả, làm tăng chi phí và giảm sức cạnh tranh.
Bên cạnh đó, thiếu hụt lao động có tay nghề cao khiến Việt Nam gặp khó khăn trong thu hút các nhà đầu tư chất lượng. Tình trạng này cũng là rào cản lớn đối với quá trình chuyển đổi số và xanh hóa sản xuất, khi phần lớn NLĐ chưa được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết về công nghệ số, tự động hóa hay các tiêu chuẩn phát triển bền vững.
"Đáng lo ngại hơn, NLĐ còn đối mặt với nguy cơ bị đào thải khi thiếu kỹ năng mềm và khả năng học hỏi, thích nghi liên tục trong môi trường làm việc luôn thay đổi. Những yếu tố này không chỉ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế mà còn làm gia tăng nguy cơ thất nghiệp và bất bình đẳng trong xã hội" - ông Tuấn phân tích.

Tăng tỉ lệ lao động qua đào tạo là nền tảng để phát triển nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng yêu cầu kinh tế hiện đại
Xóa bỏ khoảng cách
Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 5-2-2021, đặt mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động hiện đại và hội nhập quốc tế.
Một trong những chỉ tiêu quan trọng là nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ từ mức hiện tại lên 35% - 40% vào năm 2030, một bước tiến quan trọng nhằm chuyên nghiệp hóa lực lượng lao động Việt Nam. Song, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, một cảnh báo từ Diễn đàn Kinh tế thế giới chỉ ra rằng rào cản lớn nhất trong quá trình chuyển đổi tổ chức giai đoạn 2025 - 2030 chính là khoảng cách kỹ năng.
Hiện nay, dù nhiều NLĐ thể hiện mong muốn học hỏi và nâng cao kỹ năng, nhưng thực tế cho thấy phần lớn vẫn chưa chủ động trong việc phát triển bản thân. Theo báo cáo của LinkedIn Learning Workplace Report, có 64% NLĐ mong muốn học thêm kỹ năng mới nhưng chỉ có 26% duy trì việc học đều đặn mỗi tuần. Dù các DN ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của đào tạo trong chiến lược phát triển nhân sự, mức độ đầu tư thực tế vẫn còn hạn chế.
Theo bà Thanh Nguyễn, Giám đốc Điều hành - Truyền cảm hứng Hạnh phúc Công ty CP Anphabe (TP HCM), trong bối cảnh thị trường nhân sự đang trải qua sự biến động lớn với làn sóng tái cấu trúc và dịch chuyển lao động mạnh mẽ, DN không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thay đổi để tồn tại và phát triển. Trong đó, "kỹ năng chính là đơn vị tiền tệ mới", trở thành yếu tố quyết định hiệu suất công việc và tiềm năng phát triển sự nghiệp của mỗi cá nhân.
Trước làn sóng thay đổi này, các DN tiên phong không còn chạy theo mô hình "làm nhiều hơn với ít nguồn lực hơn", mà chuyển sang chiến lược "làm thông minh hơn với nhân lực giỏi hơn". Họ tập trung vào những khóa đào tạo ngắn hạn, xây dựng văn hóa học tập liên tục, nuôi dưỡng tinh thần làm chủ năng lực, và phát triển khả năng tự học, tự thích nghi của từng cá nhân trong tổ chức.
"Chính sự chuyển dịch này sẽ tạo nền tảng vững chắc giúp DN xây dựng đội ngũ linh hoạt, bền bỉ và có khả năng phát triển lâu dài trong một thế giới công việc luôn vận động và thay đổi" - bà Thanh Nguyễn nhấn mạnh.
Trong quý I/2025, có 64,3% lao động làm việc trong khu vực phi chính thức, thường là những công việc bấp bênh, thiếu ổn định, thu nhập thấp. Tỉ lệ này tăng 0,7% so với quý trước.
Phải học tập liên tục
Một khảo sát của LinkedIn đầu năm 2025 cho thấy nhờ sở hữu nhiều kỹ năng hơn và khả năng thích ứng nhanh chóng, NLĐ hiện nay có thể đảm đương khối lượng công việc gấp đôi so với 15 năm trước. Nhưng kỹ năng không còn là tài sản cố định mà đang thay đổi không ngừng, nhất là dưới tác động mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ.
Dự báo đến năm 2030, 70% kỹ năng trong các công việc hiện tại sẽ thay đổi, với AI là yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ sự chuyển dịch này. LinkedIn cũng chỉ ra rằng tốc độ cập nhật kỹ năng của người dùng đã tăng trung bình 140% mỗi năm kể từ 2022, minh chứng rõ ràng cho nhu cầu học tập liên tục là điều không thể thiếu trong thời đại hiện nay.