Nên nhớ, mạo hiểm khác nguy hiểm

Thông tin về một nữ du khách thiệt mạng do tai nạn xe địa hình ở khu du lịch Bàu Trắng (Bình Thuận) khiến dư luận không khỏi ám ảnh những ngày qua.

Tôi cũng bị ám ảnh bởi đã từng trải nghiệm loại hình du lịch mạo hiểm này. Lần đó, chúng tôi đến Bàu Trắng, mua vé để được chở lên đồi Trinh Nữ. Từ những mỏm cát cao chon von, du khách trả tiền để ngồi lên chiếc jeep mui trần, đai an toàn hời hợt, rồi tài xế nhấn ga lao vút xuống với "tốc độ bàn thờ"! Những tiếng la thất thanh dậy cả một vùng. Xe vừa đáp đất, khách chưa hoàn hồn thì tài xế tiếp tục tăng ga phóng bạt mạng, đánh vòng cung trên triền cát, ven hồ nước. Co quắp, nghẹt thở, tim như rớt ra ngoài. Tôi hớt hải hỏi tài xế "có bằng lái không", "xe có kiểm định thường xuyên không"…, anh ta nói gọn: "Chủ lo!". Chúng tôi nghe mà rùng mình, nghĩ tới tình huống xấu và tởn đến già! Ai cũng bảo cứ trải nghiệm thế này thì chết có ngày! Và cuối tuần qua, thảm kịch đã xảy ra, một xe lao xuống hồ Bàu Trắng...

Chưa có thông tin nhóm du khách gặp nạn đó, nhất là nạn nhân đã tử vong, có được bảo hiểm du lịch hay không, có được bảo vệ quyền lợi (đền bù vật chất chẳng hạn) hay không…, nhưng có gì bù đắp được tính mạng? Mạng sống quý nhất, mất rồi mọi thứ đắp đổi đều vô nghĩa. Điều duy nhất có ích và phải trăn trở nhất lúc này là: Làm thế nào để du khách không mất mạng một cách vô lý?

Câu trả lời, thật ra, rất đơn giản: Du lịch mà không an toàn thì lập tức chấn chỉnh hoặc phải dẹp! Việc này tùy thuộc vào ý chí và hành động của chính quyền sở tại cùng ngành du lịch từ trung ương đến địa phương. Trên thực tế còn có nhiều trường hợp thương tâm không kém, du khách giữ được tính mạng nhưng bị chấn thương nặng ở đầu, cổ, cột sống, phải sống thực vật đến cuối đời. Họ chi tiền để được phục vụ, để được khám phá, trải nghiệm, hưởng thụ, sung sướng…, nhưng tại sao ngành du lịch lại để cho "thượng đế" của mình đối mặt nhiều mối gian nguy đến vậy?

Tình trạng làm du lịch bát nháo và kém an toàn đã diễn ra trong thời gian dài, công luận phản ánh rất nhiều nhưng ngành chức năng chưa ngăn chặn, chấm dứt triệt để được. Tháng trước, mô tô nước phóng trên biển Hòn Khô (Bình Định) tông chết 1 bé gái; một nữ du khách quê Hà Nội bị đánh thủng màng nhĩ trên bãi biển Ninh Hải (Ninh Thuận); nhóm thanh niên tấn công du khách nước ngoài ở phố đi bộ Bùi Viện (quận 1, TP HCM) mới đây… Rồi tình trạng "chặt chém" thực khách vẫn còn nhức nhối ở các điểm đến danh tiếng. Chỉ cần dăm ba chuyện xấu như vậy cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh du lịch nước ta, kéo lùi những thành tích rất đáng ghi nhận của toàn ngành.

Thái Lan vừa ban hành chính sách bảo vệ an toàn cho du khách ngay khi vừa đặt chân đến nước này. Nhiều quốc gia trên thế giới và Đông Nam Á đã thành lập lực lượng Cảnh sát Du lịch từ lâu. Việt Nam đặt mục tiêu năm 2030, du lịch được định hướng là ngành kinh tế mũi nhọn, đón 35 triệu lượt khách quốc tế, 160 triệu lượt khách nội địa, đóng góp trực tiếp 10%-13% GDP. Để đạt được mục tiêu này, nhất thiết những hoạt động du lịch kém an toàn phải lập tức xử nghiêm hoặc loại bỏ.