Trẻ bị dị tật bẩm sinh hiếm gặp được phẫu thuật thành công

(NLĐO)-Một cháu bé ở TPHCM bị dị tật bẩm sinh hốc mắt xa và bất sản xương cánh mũi đã được Bệnh viện Trung ương Huế phẫu thuật đưa hai mắt trẻ lại gần nhau và tái tạo xương cánh mũi.

Đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế và GS McKay McKinnon thuộc ĐH Y khoa Chicago - Mỹ đã phẫu thuật thành công cho cháu bé Lê Lam P., (7 tuổi, ở Quận 12, TP HCM) bị dị tật bẩm sinh hốc mắt xa và bất sản xương cánh mũi hiếm gặp.

Cuộc phẫu thuật kéo dài 8 giờ đồng hồ vào ngày 26-10. Các bác sĩ phải tiến hành hàng loạt kỹ thuật y khoa cao cấp như khoan sọ, mổ cơ thái dương, tách các cân cơ, cắt xương gò má ổ mắt hai bên... và di chuyển khối xương ổ mắt vào trong. Sau đó, ê kíp các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng và răng hàm mặt tiến hành tạo xương cánh mũi cho trẻ.

Trẻ bị dị tật bẩm sinh hiếm gặp được phẫu thuật thành công - Ảnh 1.

GS-TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế (đứng giữa) với GS McKay McKinnon đến thăm bé P. sau phẫu thuật

Sau ca phẫu thuật, khuôn mặt của cháu P. đã được tái tạo đẹp hơn, sức khỏe hồi phục nhanh. Trong thời gian tới, cháu P. sẽ tiếp tục được tái tạo tiếp xương cánh mũi để có một khuôn mặt như bao đứa trẻ bình thường.

Cha mẹ cháu P. cho biết từ khi sinh ra, bệnh nhân đã bị dị tật hai mắt xa, bất sản xương cánh mũi và hở hàm ếch. Trẻ đã được khâu hở hàm ếch từ lúc 7 tháng tuổi. Họ khát khao chữa bệnh cho mình nên đã đưa cháu đến nhiều bệnh viện ở TP HCM nhưng tiếc thay các bệnh viện vẫn chưa thể làm gì cho cháu.

Sau khi tiếp nhận bệnh nhân nhập viện vào ngày 19-9, Ban Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế đã yêu cầu các bác sĩ điều trị làm đầy đủ các xét nghiệm và hội chẩn với GS McKay McKinnon và được ông đồng ý giúp đỡ. Đây là một chuyên gia đầu ngành về phẫu thuật tạo hình, ông đã đến làm việc tại Bệnh viện Trung ương Huế nhiều lần, giúp phẫu thuật các ca u khó và phức tạp.

Dị tật bẩm sinh hốc mắt xa và bất sản xương cánh mũi là một chứng bệnh hiếm gặp ở trẻ em. Theo các y văn trên thế giới, tỉ lệ mắc bệnh rất thấp (dưới 0,1%) và hiện chỉ có báo cáo từng ca riêng lẻ, chưa có tỉ lệ thống kê nhất định. Điều trị cho dị tật bẩm sinh này đòi hỏi được thực hiện bởi các bác sĩ có kinh nghiệm để đưa hai mắt trẻ lại gần nhau và tái tạo xương cánh mũi.