Suy nghĩ trúng, hành động đúng
Công đoàn cần linh hoạt trong việc tuyên truyền, giáo dục sao cho phù hợp trình độ, nhận thức của công nhân
Ba năm trước, do thiếu hiểu biết, chị N.T.P.N, công nhân (CN) Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (phường Tân Tạo, TP HCM), đã trở thành nạn nhân của tín dụng đen. Suốt 1 năm sau đó, gia đình chị trượt dài trong nợ nần.
Giúp công nhân tự bảo vệ
Theo chị N., khi ấy, chồng chị bị bệnh nặng, chạy chữa thời gian dài, bao nhiêu tiền tích lũy của gia đình đều cạn kiệt. Chị N. chạy vạy khắp nơi để vay 70 triệu đồng giúp chồng trị bệnh nhưng anh vẫn ra đi không lâu sau đó.
Không chỉ đau đớn vì mất chồng, chị N. buộc phải đối mặt với hiện thực là một mình phải gánh vác gia đình 6 người cùng khoản nợ với lãi suất cao (5% - 10%/tháng). Mỗi tháng chị phải trả khoảng 3,5 triệu đồng tiền lãi trong khi thu nhập của chị chỉ 8 - 9 triệu đồng/tháng. Ban ngày chị làm việc tại nhà máy, tối đi làm thêm đến 2 giờ. Mỗi ngày chỉ ngủ hơn 2 giờ, thế nhưng nợ vẫn không giảm.
Trong lúc lo lắng, bế tắc, chị được Công đoàn Công ty giới thiệu vay ngân hàng để trả nợ. "Khi đó, tôi đã được các cán bộ Công đoàn phân tích cụ thể tình huống và biết mình đã rơi vào vòng xoáy tín dụng đen. Giờ thì tôi hiểu dù giàu hay nghèo, bản thân mỗi người cần biết cách quản lý tài chính cá nhân" - chị nói.

Công nhân tại phường Bình Phú, TP HCM được tư vấn pháp luật miễn phí
Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, cho biết từ các bài học thực tiễn, những năm qua, Công ty và Công đoàn xác định công tác tuyên truyền, giáo dục người lao động (NLĐ) là nhiệm vụ quan trọng, luôn được ưu tiên. Đặc biệt, DN dành riêng thời gian học tập được trả lương vào mỗi cuối tuần để tổ chức các lớp tuyên truyền, thậm chí mở lớp cấp chứng chỉ, lớp đại học cho những CN có nhu cầu nâng cao trình độ.
Từ các lớp học, Công đoàn mời các chuyên gia, báo cáo viên uy tín tuyên truyền những kỹ năng cần thiết như: phòng ngừa tín dụng đen; phổ biến thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao; kiến thức quốc phòng an ninh; xây dựng gia đình hạnh phúc, kỹ năng kiềm chế cảm xúc, cập nhật các kiến thức pháp luật… giúp họ tự bảo vệ và sắp xếp ổn thỏa cuộc sống gia đình. Cũng từ đó, nhận thức của CN dần thay đổi, tiến bộ hơn. Họ tuân thủ pháp luật, tập trung học tập, nâng cao tay nghề, năng suất.
"Trước đây, mỗi tháng công ty sản xuất hơn 3 triệu đôi giày nhưng hiện tại con số đã tăng lên 7 triệu đôi, lương CN cũng cải thiện hơn trước" - ông Nghiệp cho hay. Để CN an tâm, Công đoàn còn nỗ lực thương lượng cùng ban giám đốc cải thiện tiền lương, ngoài điều chỉnh lương tối thiểu vùng thì mỗi năm công ty đều tăng lương định kỳ (5%), giúp họ giảm bớt lo toan trong cuộc sống.
Linh hoạt, gần gũi
Nhiều cán bộ Công đoàn cho biết trong giai đoạn hiện nay, với sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội, NLĐ dễ dàng tiếp cận các nguồn tin nhưng điều này có mặt trái và không tốt. Do vậy, công tác tuyên truyền phải linh hoạt, phù hợp, kết hợp nhiều hình thức khác nhau.
Ông Huỳnh Đức Thành, Phó Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, thẳng thắn cho biết thời gian gần đây, tình trạng lừa đảo xảy ra ngày càng nhiều, nhất là liên quan đến các lĩnh vực đặc thù như điện, nước… Nắm bắt thông tin đó, Công đoàn tổng công ty đẩy mạnh tuyên truyền nhằm giúp NLĐ và khách hàng cảnh giác, phòng tránh những sự cố đáng tiếc, thông qua đăng tải thông tin và cách xử lý tình huống trên Fanpage; tổ chức chương trình "Rung Chuông Vàng" nhân Ngày Pháp luật Việt Nam, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, gắn kết với đời sống đoàn viên - lao động.
Còn ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng (KCN An Hạ, TP HCM), cho hay khi CN mới vào làm việc sẽ được tham gia vào khóa đào tạo hòa nhập để hiểu về văn hóa DN, quy định của công ty cũng như các quyền lợi của mình. Họ cũng được mời tham gia vào các group (Facebook, Zalo) của công ty, Công đoàn ngay từ đầu. Mọi vấn đề thắc mắc và các thông tin cần thiết sẽ được thông báo qua các kênh thông tin này.
"Việc thông tin nhanh chóng, 2 chiều giúp NLĐ sớm tiếp cận thông tin, không gây ra bức xúc dẫn đến tình huống tranh chấp" - ông Hùng nói. Ngoài ra, DN cũng sẵn sàng hỗ trợ chi phí để cán bộ Công đoàn học tập, nâng cao trình độ, nhất là về kiến thức pháp luật để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ hiệu quả.
Về phía LĐLĐ TP HCM thời gian qua đã triển khai nhiều mô hình hay, hiệu quả như xây dựng chuyên mục "Hỏi đáp pháp luật" trên Trang thông tin điện tử của LĐLĐ thành phố, thường xuyên cập nhật những thông tin, quy định pháp luật và tiếp nhận, giải đáp những ý kiến thắc mắc của CNVC-LĐ; Bên cạnh đó, chuyên mục "Nhận diện sự thật" trên các trang mạng xã hội của Công đoàn cũng đã góp phần trong việc đấu tranh trên không gian mạng, định hướng cũng như nâng cao nhận thức chính trị cho CNVC-LĐ.
Ngoài ra, hoạt động thiết thực, hiệu quả của Trung tâm Công tác xã hội Công đoàn; Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ thành phố, Tổ CN tự quản khu nhà trọ… đã kịp thời tuyên truyền, tư vấn pháp luật, giải đáp những thắc mắc của NLĐ. Các chương trình đã tiếp cận hơn 1 triệu lao động hằng năm, trong đó có 85% CN tại các KCN-KCX tham gia các khóa học về kỹ năng xã hội, an toàn lao động và pháp luật.
Nâng cao năng lực, bản lĩnh
Theo bà Nguyễn Kim Loan, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, việc tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, pháp luật cho CN rất quan trọng. Khi họ hiểu thông thì sẽ giải quyết được các vấn đề như ổn định việc làm, đời sống, an ninh, an toàn trật tự xã hội... Để tuyên truyền hiệu quả, các cấp Công đoàn cần linh hoạt, kết hợp nhiều hình thức cho phù hợp trình độ, nhận thức của CN. Bên cạnh đó, cán bộ Công đoàn cần có năng lực, bản lĩnh nhiệt huyết, ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong công tác tuyên truyền.