Tái cấu trúc thị trường lao động
Để giải bài toán mất cân đối cung - cầu lao động ngày càng rõ nét, TP HCM cần làm tốt vai trò điều phối, kết nối liên vùng, tạo hệ sinh thái lao động lành mạnh.
Tại talkshow "Kênh tuyển dụng hiệu quả, nhanh chóng cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất có nhu cầu tuyển số lượng lớn" do Báo Người Lao Động tổ chức sáng 3-7, với sự phối hợp của nền tảng Việc Làm Tốt và Ban Quản lý các KCX-CN TP HCM, nhiều DN cho biết đã liên tục mở rộng sản xuất - kinh doanh nhưng gặp khó khăn khi tuyển lao động.
Việc mất cân đối cung - cầu lao động không phải là vấn đề mới, nhất là ở các vùng kinh tế trọng điểm, song cơ quan quản lý nhà nước về lao động lẫn các DN vẫn loay hoay chưa thể tháo gỡ. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này, như DN cần lao động có tay nghề, kỹ năng chuyên môn, trong khi phần lớn người thất nghiệp thuộc nhóm không được đào tạo bài bản, thiếu kỹ năng mềm. Một số ngành thiếu lao động chất lượng cao nghiêm trọng, trong khi nguồn cung lại dồi dào ở các ngành thâm dụng lao động.
Bên cạnh đó, mức lương giữa TP HCM và các tỉnh chênh lệch không lớn, giúp người lao động (NLĐ) có nhiều lựa chọn hơn khi tìm việc thay vì trụ lại thành phố, vốn có chi phí sinh hoạt đắt đỏ. Không ít NLĐ sau khi mất việc thường chọn công việc tạm bợ để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Một bộ phận lao động hiện nay, nhất là giới trẻ, thích làm nghề tự do để chủ động thời gian, tránh ràng buộc về giờ giấc, nội quy. Nguyên nhân khác là thị trường lao động thiếu sàn giao dịch việc làm hiệu quả để gắn kết người tìm việc với nơi tuyển dụng.
Khảo sát của Việc Làm Tốt cho thấy 77% DN sẽ tiếp tục giữ nguyên kế hoạch hoặc gia tăng tuyển dụng nhân sự trong 6 tháng cuối năm 2025; 51% mở rộng cơ sở sản xuất - kinh doanh ở các địa phương mới được sáp nhập để tận dụng nguồn lao động tại chỗ.
Để giải bài toán mất cân đối cung - cầu lao động đang ngày càng rõ nét, TP HCM cần làm tốt vai trò điều phối, kết nối liên vùng, tạo ra hệ sinh thái lao động lành mạnh. Cần có một chiến lược tổng thể, liên ngành, liên vùng, tập trung vào 2 vấn đề cốt lõi: Dự báo chính xác nhu cầu và kết nối hiệu quả giữa người tìm việc với DN. Trước hết, cần liên thông dữ liệu từ BHXH, trung tâm dịch vụ việc làm, DN… để nắm bắt chính xác số lượng, ngành nghề, khu vực lao động thừa/thiếu; xây dựng sàn giao dịch việc làm hiện đại để hỗ trợ kết nối cung - cầu.
TP HCM cũng cần tính đến phương án tái cấu trúc hệ thống đào tạo và nâng cao chất lượng lao động, theo hướng gắn kết đào tạo với nhu cầu thực tế của DN; tăng cường hỗ trợ NLĐ mất việc, thất nghiệp chuyển sang ngành nghề mới; hoàn thiện chính sách hỗ trợ nhà ở, y tế, giáo dục cho NLĐ, giúp họ ổn định cuộc sống. Về phía DN, ngoài việc thay đổi cách tiếp cận lao động theo hướng mở rộng địa bàn và đa dạng nguồn cung, cần chú trọng cải thiện điều kiện làm việc, chế độ lương thưởng, phúc lợi để giữ chân NLĐ.
Để duy trì vai trò đầu tàu kinh tế, TP HCM cần giải quyết tận gốc vấn đề "nghịch lý lao động", bằng cách chuyển từ phát triển số lượng sang chất lượng, tạo ra thị trường lao động linh hoạt, công bằng và hấp dẫn. Thị trường lao động ấy không chỉ có việc làm, mà phải là việc làm tốt, bền vững và nhân văn.