TP HCM chuẩn bị nguồn nhân lực trình độ quốc tế
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ, TP HCM đang đặt nền móng giáo dục hiện đại để tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế.
Một trong những chương trình trọng điểm của TP HCM là đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế trong 8 lĩnh vực mũi nhọn: công nghệ thông tin (IT) - truyền thông, cơ khí - tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), quản trị doanh nghiệp (DN), tài chính - ngân hàng, y tế, du lịch và quản lý đô thị.
Chương trình này do UBND thành phố đặt hàng, ĐHQG TP HCM là đơn vị chủ lực trong việc đào tạo. Trong đó, Trường ĐH Bách khoa sẽ đào tạo ngành IT - truyền thông theo hướng quốc tế hóa chuyên sâu. Ngành AI do Trường ĐH Khoa học Tự nhiên phụ trách, chú trọng kỹ năng, ngoại ngữ và khả năng làm việc toàn cầu.
Ngành quản lý đô thị, do Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn triển khai từ năm 2025, hướng tới đào tạo chuyên gia quy hoạch, quản lý đô thị và phát triển bền vững. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cũng đã sẵn sàng đào tạo cơ khí - tự động hóa đạt chuẩn quốc tế. Các lĩnh vực còn lại như tài chính - ngân hàng, y tế, du lịch… đang được chuẩn bị kỹ lưỡng, với điểm chung là kết hợp lý thuyết và thực hành; các DN sẽ đồng hành trong thiết kế chương trình, giảng dạy, thực tập và tuyển dụng.
Bên cạnh đó, TP HCM cũng đặt mục tiêu đào tạo ít nhất 9.000 nhân lực đại học trở lên phục vụ ngành bán dẫn. Đây là bước đi quan trọng nhằm đón đầu xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng và góp phần đưa TP HCM trở thành trung tâm công nghiệp bán dẫn hàng đầu khu vực.
Theo chuyên gia dự báo nguồn nhân lực Trần Anh Tuấn, hợp tác quốc tế là chìa khóa giúp các trường đại học cập nhật công nghệ tiên tiến, chuẩn hóa chương trình đào tạo và tăng tính thực tiễn. Ngoài ra, cần có cơ chế đặt hàng đào tạo theo nhu cầu cụ thể của các ngành kinh tế trọng điểm, tạo điều kiện để DN tư nhân tham gia sâu vào quá trình sử dụng và phát triển nhân lực.

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP HCM với sản phẩm đoạt giải nhất VietFuture Awards 2024
Nhiều chuyên gia khẳng định việc tham gia của DN là yếu tố quyết định sự thành công của đề án. TS Vũ Thị Mai Oanh - Hội Khoa học Phát triển nguồn nhân lực, nhân tài Việt Nam - cho rằng DN có thể đặt hàng đào tạo, tài trợ học bổng, đánh giá chất lượng đầu ra và tiếp nhận sinh viên thực tập, làm việc.
TS Oanh cũng lưu ý TP HCM đang đối mặt với số lượng chương trình liên kết quốc tế còn hạn chế, đội ngũ giảng viên chưa đồng đều, thiếu chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực công nghệ cao như AI, công nghệ số… Năng lực dự báo thị trường lao động cũng cần được cải thiện.
Để trở thành trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước và khu vực, TP HCM cần cải cách toàn diện, từ mục tiêu, nội dung, phương pháp giảng dạy đến tổ chức quản lý. Bên cạnh đó, quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục - đào tạo, đầu tư trọng điểm cho các trường nghề chất lượng cao, đào tạo kỹ năng cho lao động phổ thông, nâng cao khả năng thích ứng.
TP HCM cần phải tận dụng nguồn lực quốc tế, mở rộng hợp tác với các trường đại học danh tiếng để nâng quy mô lẫn chất lượng đào tạo. "Công nghệ đang thay đổi nhanh chóng, nguồn nhân lực phải liên tục cập nhật kỹ năng mới. Đây là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để TP HCM bứt phá, trở thành trung tâm đào tạo nhân lực hàng đầu khu vực" - TS Oanh nhấn mạnh.