Số liệu từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho thấy trong quý I/2024, cả nước đưa được 35.933 lao động ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng, bình quân mỗi tháng gần 12.000 người. Đây là con số ấn tượng sau một loạt chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc tạo việc làm cho người lao động (NLĐ).
Chủ trương đúng đắn
Nhìn vào biểu đồ 3 năm gần nhất, kể cả giai đoạn đại dịch COVID-19 hoành hành, việc đưa NLĐ ra nước ngoài làm việc luôn được đẩy mạnh.
Năm 2021, dù gặp khó khăn do đại dịch nhưng cả nước vẫn đưa hơn 45.000 lao động ra nước ngoài làm việc. Năm 2022, khi đại dịch được khống chế, các nước có nhu cầu lao động rất lớn để phục hồi nền kinh tế, trong khi thị trường lao động trong nước gặp khó khăn nên xu hướng ra nước ngoài làm việc tăng nhanh. Năm 2023, mọi thuận lợi được đánh dấu bằng con số kỷ lục khi Việt Nam đã tạo điều kiện cho gần 160.000 lao động có việc làm tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, thành quả hoạt động đưa NLĐ ra nước ngoài làm việc trong thời gian qua có dấu ấn quan trọng của Chỉ thị 20 năm 2022 của Ban Bí thư, Nghị quyết 225 năm 2023 của Chính phủ, Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (sửa đổi) và nỗ lực của ngành, các cấp chính quyền địa phương.
Chỉ thị 20 của Ban Bí thư xác định: Đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài là góp phần phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho NLĐ, nhất là lao động ở nông thôn, địa bàn đặc biệt khó khăn; góp phần quảng bá văn hóa, hình ảnh tốt đẹp của đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Đây cũng là cơ hội học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và tác phong làm việc chuyên nghiệp cho lao động Việt Nam, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao sau khi về nước.
Trong khi đó, Nghị quyết 225 của Chính phủ nhấn mạnh 4 nhiệm vụ quan trọng: Thông tin đầy đủ, chính xác về thị trường lao động ở nước ngoài; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho NLĐ; xây dựng chiến lược đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; ngăn chặn hành vi lợi dụng hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài để trục lợi, mua bán người.
Bộ LĐ-TB-XH cho biết nhiều năm nay, định hướng trong hoạt động đưa NLĐ ra nước ngoài làm việc là tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định; tăng cường quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ. Cùng với đó, hoàn thiện, thúc đẩy ký kết cũng như sửa đổi, bổ sung các thỏa thuận, bản ghi nhớ về hợp tác lao động; đẩy mạnh việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp dịch vụ để đào tạo, chuẩn bị nguồn và nâng cao chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Thoát nghèo bền vững
Ngoài chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, học ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, hỗ trợ trực tiếp NLĐ làm các thủ tục, chính sách cho vay ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng được đẩy mạnh.
Từ năm 2003 đến nay, các chính sách hỗ trợ cho vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Ngân hàng Chính sách Xã hội đã giúp gần 146.000 người. Điều này mở ra cơ hội cho lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, thân nhân người có công với cách mạng, người bị thu hồi đất nông nghiệp, NLĐ cư trú tại các khu vực, địa bàn đặc biệt khó khăn... có cơ hội được đi làm việc ở nước ngoài; góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.
Trong tổng số 159.986 lao động ra nước ngoài làm việc năm 2023, 3 thị trường trọng điểm là Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc chiếm đến 94%. Trong đó, Nhật Bản nhiều năm liền là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất.
Năm ngoái, xứ sở hoa anh đào tiếp nhận hơn 50% tổng số lao động Việt Nam, với 80.010 người. Trong 3 tháng đầu năm 2024, có đến 23.364 lao động chọn Nhật Bản làm điểm đến. Cũng từ năm 2023, lao động Việt Nam vươn lên chiếm tỉ trọng lớn nhất trong tổng số lao động nước ngoài đang làm việc tại Nhật Bản.
Ông Nguyễn Gia Liêm, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết Nhật Bản gần đây có nhiều chính sách thu hút lao động nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Cụ thể, Nhật Bản đã cho phép Việt Nam tổ chức kỳ thi kỹ năng đặc định (một loại visa lao động cao hơn thực tập sinh). Đây là cơ hội cho NLĐ Việt Nam sang Nhật làm việc lâu dài với mức thu nhập tốt hơn.
Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản cũng cải thiện chế độ tiền lương, mở rộng ngành nghề tiếp nhận lao động, xem xét lại toàn diện chương trình thực tập kỹ năng để xây dựng chương trình mới phù hợp hơn. Hiện nay, khoảng 500.000 lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản, tăng 8 lần trong vòng 10 năm qua. Trong đó, số thực tập sinh chiếm tới 40%.
Hàn Quốc cũng thu hút nhiều lao động nước ngoài bằng cách tăng số lượng tiếp nhận, có chính sách tạo điều kiện cho lao động hợp pháp quay trở lại, tăng lương và mở rộng ngành nghề tiếp nhận lao động. Ông Phạm Minh Đức, Trưởng Văn phòng EPS tại Hàn Quốc, cho rằng thị trường việc làm nước này vẫn hấp dẫn NLĐ Việt Nam.
Theo ông Đức, sự thiếu hụt nhân lực ở Hàn Quốc không chỉ giới hạn ở lao động phổ thông hoặc không chuyên nghiệp mà còn cả ở những khu vực cần trình độ học vấn, tay nghề cao. Đây chính là cơ hội cho lực lượng lao động đang khá dồi dào của Việt Nam.
So với những thị trường gần như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) thì mức thu nhập tại Hàn Quốc hấp dẫn hơn. Hàn Quốc cũng đang mở rộng một số ngành nghề rất phù hợp với trình độ, tay nghề và kinh nghiệm của NLĐ Việt Nam.
Bà Trần Thị Thanh Lam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, nhấn mạnh về lâu dài, phải nâng cao thương hiệu người Việt Nam làm việc ở nước ngoài; tạo sự cạnh tranh, nâng cao chất lượng của DN khi đưa NLĐ đi nước ngoài làm việc. Bên cạnh đó, phải xây dựng nhân hiệu, hình ảnh, văn hóa Việt Nam thông qua NLĐ đi xuất khẩu lao động, làm cầu nối giao lưu nhân dân.
Quảng bá hình ảnh đất nước
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Bá Hoan, những kết quả đạt được đã khẳng định chủ trương đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài của Đảng và Nhà nước là đúng đắn, đem lại nhiều lợi ích thiết thực.
NLĐ đã góp phần quảng bá hình ảnh, giá trị tốt đẹp của đất nước, văn hóa, con người Việt Nam đến cộng đồng quốc tế. Nhiều người khi về nước tiếp tục tham gia hiệu quả vào thị trường lao động với tinh thần, ý thức trách nhiệm và năng lực, trình độ, kỹ năng tay nghề cao, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bản thân người đi xuất khẩu lao động không chỉ thoát nghèo mà còn có khả năng hỗ trợ, tạo điều kiện cho người thân đầu tư sản xuất - kinh doanh. Tại những địa phương có nhiều NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, diện mạo quê hương có nhiều thay đổi với nhà cửa khang trang, hiện đại, an sinh xã hội ngày càng được bảo đảm.
Trung bình mỗi năm, Việt Nam đưa 120.000 - 143.000 người đi lao động ở nước ngoài. Hiện nay, khoảng 650.000 người làm việc tại nhiều nơi và hằng năm, lực lượng này đem về cho đất nước 3,5 - 4 tỉ USD kiều hối.
Bình luận (0)