Trợ cấp thất nghiệp phải bảo đảm mức sống tối thiểu

Nhiều chuyên gia cho rằng chính sách trợ cấp thất nghiệp phải bảo đảm an sinh và tạo động lực để người lao động quay lại thị trường lao động

Luật Việc làm (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đánh dấu bước tiến quan trọng bằng việc mở rộng đối tượng và rút ngắn thời gian chờ hưởng trợ cấp, góp phần củng cố an sinh cho người lao động (NLĐ). Nhưng việc giữ nguyên mức trợ cấp 60% trong bối cảnh NLĐ đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thấp, trong khi chi phí sinh hoạt tại các đô thị ngày càng tăng đang gây nhiều tranh cãi.

Đóng - hưởng không tương xứng

Sau khi nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN), chị Đỗ Phạm Thùy Dương (ngụ TP HCM) cho biết mức đóng BHTN của công ty khá thấp nên chị hưởng cũng thấp. Thu nhập của chị là 23 triệu đồng/tháng nhưng mức tham gia bảo hiểm chỉ nhỉnh hơn lương cơ bản nên mỗi tháng chỉ nhận được 4,2 triệu đồng TCTN, không đủ trả tiền thuê nhà.

Theo chị Dương, luật cần quy định mức đóng theo tỉ lệ thu nhập thực lãnh của NLĐ. Mức đóng BHTN hiện tại không phản ánh đúng thu nhập thực tế, NLĐ dù có mức lương cao nhưng vẫn chỉ nhận trợ cấp ở mức thấp khi mất việc. Mức trợ cấp hiện nay không đủ trang trải các chi phí cơ bản như thuê nhà, ăn uống, nuôi con… Điều này khiến BHTN không thật sự phát huy được vai trò "lưới an sinh" đúng nghĩa.

"Việc doanh nghiệp (DN) chỉ đóng bảo hiểm trên mức lương cơ bản là tình trạng không hiếm. Như công ty mà tôi vừa nghỉ việc trả lương cao cho nhân viên nhưng chỉ khai mức thấp để giảm chi phí bảo hiểm. Điều này tuy giúp DN tiết kiệm chi phí ngắn hạn nhưng gây thiệt hại lớn cho NLĐ khi gặp rủi ro mất việc" - chị Dương nói.

Trợ cấp thất nghiệp phải bảo đảm mức sống tối thiểu- Ảnh 1.

Người lao động kỳ vọng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp cao hơn để ổn định cuộc sống sau thất nghiệp

Đang nhận TCTN tháng thứ 3, anh Lê Văn Hoàng (25 tuổi, quê Tây Ninh) cho biết mỗi tháng nhận khoảng 3,2 triệu đồng, nên phải chạy xe công nghệ thêm mới đủ trang trải cuộc sống. "Tôi cũng muốn đi làm lại nhưng giờ vừa chạy xe vừa nhận trợ cấp thì cũng tạm ổn. Nếu đi làm chính thức thì sẽ mất luôn khoản tiền trợ cấp. Dù không nhiều, nhưng với tôi, đó vẫn là khoản khá lớn" - anh Hoàng bày tỏ.

Ông Trần Tuấn Tú, Trưởng Phòng BHTN - Cục Việc làm (Bộ Nội vụ), cho rằng theo quy định hiện hành, NLĐ được hưởng trợ cấp bằng 60% bình quân tiền lương tháng đóng BHTN trong 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc, nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở hoặc lương tối thiểu vùng. 

Tỉ lệ này được cho là "không thấp" nhưng do phần lớn NLĐ chỉ đóng ở mức tối thiểu cộng phụ cấp (khoảng 6 triệu đồng/tháng), nên khoản thực nhận thường chỉ 3,4 triệu đồng/tháng. "Mức trợ cấp hiện nay không đủ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho gia đình NLĐ khi mất việc" - ông Tú nói.

Nhiều chuyên gia cho rằng TCTN phải giúp NLĐ cầm cự một thời gian để tìm việc hoặc học nghề, chuyển đổi công việc. Nếu chính sách đóng và hưởng không tương xứng, sẽ rất khó thu hút NLĐ tham gia BHTN. Nhiều người còn đề xuất có chính sách hướng tới bảo vệ việc làm ngay từ đầu, thay vì chỉ hỗ trợ sau khi đã mất việc.

Tránh bị lợi dụng

Các chuyên gia cho rằng chính sách TCTN cần linh hoạt, vừa bảo đảm an sinh, vừa tạo động lực để NLĐ quay lại thị trường lao động. Bà Nguyễn Thị Mai Thủy, Điều phối viên quốc gia, Chương trình Lao động di cư - Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, cho rằng việc chi trả mức trợ cấp cao ngay sau khi mất việc giúp NLĐ ổn định tạm thời, sau đó giảm dần để khuyến khích họ nhanh chóng tìm việc mới.

Lấy ví dụ tại một số nước, bà Thủy cho biết ở Malaysia, người thất nghiệp được hưởng 80% lương ở tháng đầu, giảm còn 60% ở tháng tiếp theo và còn 30% vào tháng thứ 5, 6. Nước này có chính sách hỗ trợ thêm nếu NLĐ quay lại làm việc sớm, với mức thưởng bằng 25% phần trợ cấp còn lại.

Hay tại Thái Lan, nếu NLĐ tự nghỉ việc thì chỉ được hưởng 30% lương tối đa trong 3 tháng. Còn người bị sa thải hoặc DN phá sản có thể nhận 50% trong 6 tháng. Ở Nhật Bản, chính sách phân tầng được áp dụng như: người thu nhập thấp, bị mất việc do hoàn cảnh khách quan có thể nhận đến 80% thu nhập cũ tối đa trong 11 tháng. Ngược lại, người chủ động nghỉ việc hoặc có thu nhập cao chỉ nhận 50% trong 6 tháng. Hàn Quốc cũng vậy, chính phủ nước này quy định mức sàn trợ cấp không thấp hơn 80% mức lương tối thiểu.

"Các nước tiên tiến họ đều đang đi theo hướng kết hợp giữa nguyên tắc "đóng - hưởng" và nguyên lý "chia sẻ". Nghĩa là, người có việc làm đóng góp vào quỹ để hỗ trợ những người gặp khó khăn, nhất là lao động yếu thế. Nhóm thu nhập thấp thường có kỹ năng hạn chế, khó tích lũy tài chính. Khi mất việc, họ dễ rơi vào khủng hoảng và cần được bảo vệ nhiều hơn" - bà Thủy phân tích.

Theo luật sư Nguyễn Minh Tâm, Trưởng Văn phòng Luật sư Đắc Nhân Tâm, luật hiện hành cho phép DN và NLĐ thỏa thuận mức đóng bảo hiểm trên cơ sở lương "theo hợp đồng", nhưng lại không có quy định bắt buộc phải dựa trên thu nhập thực nhận. Đây là kẽ hở dẫn đến tình trạng "lương thực nhận cao, lương khai thấp".

Luật sư Tâm bày tỏ ủng hộ phương án tăng mức trợ cấp những tháng đầu, giảm dần về sau để tránh tâm lý trông chờ. "Duy trì mức 60% đều trong 12 tháng có thể khiến NLĐ trì hoãn việc tìm việc làm mới. Khi giảm dần mức hưởng, NLĐ sẽ ý thức được việc phải quay lại thị trường lao động" - luật sư Tâm nói.

Tuy vậy, luật sư Tâm cũng cảnh báo cần siết chặt cơ chế giám sát để tránh bị lợi dụng. Nhiều lao động sẽ tìm việc làm thời vụ đủ 12 tháng để nhận trợ cấp. Họ vẫn đi làm nơi khác nhưng không ký hợp đồng chính thức để duy trì điều kiện hưởng trợ cấp. Trong khi đó, DN thiếu nhân công, buộc phải thuê thời vụ, dẫn đến rủi ro vi phạm luật do không đóng đủ bảo hiểm. 

Theo ThS xã hội học Nguyễn Minh Giang (Trường ĐH Văn Hiến), một hệ thống BHTN hiệu quả không chỉ dừng lại ở việc "chi đúng, chi đủ", mà cần đi xa hơn, linh hoạt, công bằng và có khả năng giúp NLĐ nhanh chóng quay lại thị trường lao động. Đó mới là sự bảo vệ bền vững, thay vì chỉ là "trợ cấp tạm thời".