Ngày 24-4, tại TP HCM, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), với sự tham dự của gần 100 cán bộ Công đoàn các tỉnh, thành phía Nam và Công đoàn Cao su Việt Nam.
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 9. Đây là dự án luật quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động (NLĐ)
Tại hội nghị, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật - Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết dự thảo luật có 14 điểm mới, bao gồm những điều có lợi cho NLĐ.

Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị
Nhiều đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến về các nội dung liên quan vấn đề bảo đảm việc làm, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); mở rộng đối tượng tham gia BHTN; điều kiện vay vốn để hỗ trợ đi làm việc tại nước ngoài; mức đóng, thời gian đóng, điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN)…
Về mức đóng, thời gian, thời điểm hưởng TCTN, nhiều ý kiến đề xuất nên cho phép NLĐ bảo lưu thời gian đóng khi trên 144 tháng đã làm thủ tục hưởng (bảo lưu số còn lại hoặc cho tăng tỉ lệ hưởng theo số năm đóng), để thu hút NLĐ tích cực tham gia BHTN và tránh biến động lao động. Bên cạnh đó, cần có các chính sách đối với NLĐ đã đóng trên 144 tháng nhưng chưa hưởng TCTN để thể hiện chính sách bảo hiểm là có đóng có hưởng nhằm ổn định quan hệ lao động.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng nên tăng dần mức hưởng TCTN theo số năm đóng, khởi điểm từ 60%, tăng theo số năm đóng nhưng tối đa không quá 75%. Các đại biểu cũng góp ý nên bỏ quy định mức hưởng tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng, bởi hiện nay mức hưởng đã được khống chế (bằng 60%) và thời gian hưởng tối đa không quá 12 tháng. Việc quy định mức hưởng tối đa như vậy chưa thể hiện được tính ưu việt của BHTN.
Theo ông Phạm Văn Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật - LĐLĐ TP HCM, nên nới rộng thời gian phải đăng ký thất nghiệp sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc lên 6 tháng thay vì 3 tháng như trong dự thảo. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, đơn vị chậm, nợ BHXH, BHTN nếu được đóng bù cho NLĐ thì thời gian kéo dài, thủ tục chốt sổ BHXH, BHTN bị chậm nên NLĐ không kịp đăng ký thất nghiệp để hưởng trợ cấp.
"Lỗi chậm đóng, nợ BHTN thuộc về doanh nghiệp nhưng NLĐ không được hưởng bất cứ quyền lợi gì. NLĐ không có lỗi vì đã thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH, BHTN nhưng phải chịu thiệt thòi là chưa công bằng. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ, giải quyết quyền lợi cho NLĐ trong trường hợp này để họ bớt khó khăn" - ông Hiền nhấn mạnh
Bình luận (0)