Truy xuất nguồn gốc nông sản, doanh nghiệp và nông dân chưa biết bắt đầu từ đâu
(NLĐO)- Phần lớn doanh nghiệp vẫn loay hoay khi triển khai truy xuất nguồn gốc do thiếu kiến thức, công cụ phù hợp và dữ liệu đồng bộ.
Ngày 18-7 tại TP HCM, Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao, Ecotech Community – Techfest Việt Nam và Công ty CP công nghệ Checkee tổ chức Hội thảo “Truy xuất nguồn gốc nông sản và Lộ trình ESG cho doanh nghiệp phát triển bền vững”.
Doanh nghiệp, nông dân vẫn loay hoay
Tại hội thảo, đại diện một đơn vị sở hữu trang trại nông sản tại tỉnh Lâm Đồng cho biết truy xuất nguồn gốc đóng vai trò then chốt trong việc khẳng định chất lượng sản phẩm, tiết giảm chi phí và nâng cao giá trị thương hiệu nhưng người làm nông đang gặp khó khăn khi thực hiện do thiếu hướng dẫn cụ thể.
Đơn vị này kể từng được giới thiệu mô hình nhưng thông tin quá chung chung, quy trình không rõ ràng nên đành bỏ dở từ đầu.
"Nông dân mua cây giống, phân bón... từ nhiều nơi về trồng trọt, sau đó họ phải làm gì tiếp mới có thể truy xuất nguồn gốc? Chúng tôi rất mong được hỗ trợ cụ thể cùng mức phí phù hợp để có thể áp dụng truy xuất vào thực tế” - người này bày tỏ.
Không chỉ lĩnh vực nông nghiệp, đại diện ngành dệt may cũng tỏ ra quan ngại. Ông Lưu Mạnh Hùng – Giám đốc Công ty TNHH Dệt nhuộm Tân Đức Khanh – cho rằng truy xuất nguồn gốc là yếu tố sống còn nếu doanh nghiệp muốn nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường xuất khẩu và tham gia sâu chuỗi cung ứng toàn cầu. Song, với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), đây vẫn là bài toán quá sức.
"Chúng tôi từng thử triển khai một số mô hình truy xuất nhưng không hiệu quả, vừa tốn thời gian vừa đội chi phí mà không đến đâu, thậm chí có dự án phải làm lại từ đầu. Một hệ thống truy xuất đầy đủ có thể tiêu tốn hàng triệu USD - mức đầu tư vượt quá khả năng của các SME" - ông Hùng thẳng thắn.
Chi phí là rào cản lớn nhất
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng Thư ký Hội Tự động hóa Việt Nam, cho rằng chi phí chính là rào cản lớn nhất khiến doanh nghiệp chùn bước. Trong khi đó, không ít nơi vẫn chưa có chính sách hỗ trợ rõ ràng, còn doanh nghiệp lại thiếu định hướng và chưa nhìn thấy lợi ích ngắn hạn rõ rệt, nên chần chừ không dám triển khai.

Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khi triển khai truy xuất nguồn gốc
Liên quan vấn đề này, ông Phạm Văn Quân - chuyên gia chuyển đổi số quốc gia, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Checkee - cho rằng trước khi triển khai, doanh nghiệp cần xác định sản phẩm của mình có thuộc diện cần truy xuất nguồn gốc hay không, dựa trên mức độ rủi ro của từng loại hàng hóa. Theo đó, nhóm 1 là sản phẩm có rủi ro thấp (không bắt buộc truy xuất), nhóm 2 là sản phẩm có rủi ro trung bình (khuyến khích áp dụng truy xuất), nhóm 3 là sản phẩm có rủi ro cao (bắt buộc thực hiện truy xuất đầy đủ).
Việc phân loại này sẽ giúp doanh nghiệp xác định đúng nhu cầu, tránh đầu tư dàn trải, từ đó xây dựng lộ trình truy xuất phù hợp với quy mô và năng lực của mình.