Tứ "soái ca" cải lương tuồng cổ vượt chông gai trụ vững với nghề

(NLĐO) - Sở Văn hoá - Thể thao TP HCM và Hội Sân khấu TP HCM vừa tổ chức Tọa đàm "Thực trạng và giải pháp phát triển Sân khấu Cải lương tuồng cổ trên địa bàn TP HCM".

Tứ "soái ca" cải lương tuồng cổ vượt chông gai trụ vững với nghề- Ảnh 1.

4 nghệ sĩ: Trường Sơn, Bạch Long, Kim Tử Long, Ngân Tuấn (từ trái qua, từ trên xuống)

Nhìn lại vai trò  của bộ môn Cải lương Tuồng cổ tại TP HCM từ năm 1975, các nhà chuyên môn cho biết ngoài những thành quả đạt được vẫn còn nhiều trăn trở khi lãnh vực này ngày càng hiếm kịch bản sử Việt được đầu tư sáng tác và dàn dựng.

NSƯT Trường Sơn: Nhiệt tâm truyền nghề

Ông được xem là người kế thừa di sản của gia tộc Bầu Thắng - Minh Tơ. Sau khi NSND Thanh Tòng qua đời, ông gần như là người anh cả của sân khấu cải lương tuồng cổ, ông luôn đặt trọng trách truyền nghề và giáo huấn để thế hệ trẻ ca diễn cải lương tuồng cổ đúng chuẩn.

Tứ "soái ca" cải lương tuồng cổ vượt chông gai trụ vững với nghề- Ảnh 2.

NSƯT Trường Sơn

Từ năm 1981, khi Hội Sân khấu TP HCM tổ chức lớp tập huấn, các nghệ sĩ biểu diễn của hai gia tộc Minh Tơ, Huỳnh Long đã tham gia học tập, để sau đó nổi lên với các cây bút sâu sắc như: Thanh Tòng, Bạch Mai, Bo Bo Hoàng, Bửu Truyện, Thanh Bạch (chồng của nghệ sĩ Bạch Lê)… Chính lực lượng này đã xông vào đời sống đương đại, tìm góc nhìn của thế hệ trẻ về các nhân vật lịch sử, từ đó đã cho ra đời nhiều kịch bản hay.

"Các giảng viên truyền nghề thời đó gồm: Ngọc Linh, Dương Linh, Mai Quân, Huy Trường, Phi Hùng… và các đạo diễn được đào tạo ở các nước Đông Âu, họ truyền đạt lại hình thức dàn dựng mới của các nước tiên tiến, khuyến khích các nghệ sĩ có kinh nghiệm diễn xuất, mạnh dạn viết và làm mới cải lương tuồng cổ, vận dụng âm nhạc dân tộc Việt Nam, thay thế dần những vay mượn của âm nhạc Hồ Quảng, tuồng Tàu. Nhờ vậy mới có một vệt sáng được xem là chuẩn mực của cải lương tuồng cổ như: "Câu thơ yên ngựa", "Tô Hiến Thành xử án", "Bão táp Nguyên Phong" (Minh Tơ) và "Mặt trời đêm thế kỷ", "Trưng nữ vương", "Anh hùng bán than" (Huỳnh Long)…" - NSƯT Trường Sơn nhấn mạnh.

Không có bồi dưỡng, không có chiến lược để đào tạo thì chả trách sao nghệ sĩ lại thờ ơ, bỏ mặc việc học nghề sáng tác và hệ lụy là sàn diễn tuồng cổ cứ ăn mòn những vở cũ, nghiêng hẳn về tuồng Tàu, chưa kể nguy hại hơn khi dựa theo phim Trung Quốc để sáng tác.

Tứ "soái ca" cải lương tuồng cổ vượt chông gai trụ vững với nghề- Ảnh 4.

NSƯT Trường Sơn lúc trẻ

Hiện nay, với kinh nghiệm dày dặn trong nghề, mỗi ngày NSƯT Trường Sơn vẫn có mặt ở sân đình Thái Hưng, quận 1, TP HCM - nơi xưa kia là điểm biểu diễn của Đoàn Cải lương Minh Tơ - Khánh Hồng, để truyền nghề cho thế hệ nghệ sĩ là con cháu và hậu bối của bộ môn cải lương tuồng cổ.

Gia tộc Bầu Thắng - Minh Tơ, tính đến cháu ngoại của ông (bé Kim Thư đang là gương mặt nhí nổi bật sau bộ phim "Nắng"), bé Thảo Trầm (con của vợ chồng nghệ sĩ Điền Trung, Lê Thanh Thảo - PV) đã có đến 6 đời ăn lộc Tổ nghiệp.

Ngôi nhà nhỏ của NSƯT Trường Sơn nằm trong con hẻm dẫn vào đình Thái Hưng, ông sinh sống ở đây hơn 60 năm qua. Không gian nhỏ này là nơi các nghệ sĩ: Tú Sương, Ngọc Nga, Lê Thanh Thảo lớn lên, mỗi ngày reo vang tiếng đàn lời ca.

Tứ "soái ca" cải lương tuồng cổ vượt chông gai trụ vững với nghề- Ảnh 5.

Nghệ sĩ Thanh Loan và NSƯT Trường Sơn trong vở "Câu thơ yên ngựa"

Gọi ông là "soái ca" vì ông đa tài trong việc thể hiện các số phận nhân vật từ kép võ, kép văn, kép lão, đến vai tính cách, hề lẵng và cả vai giả gái. Khán giả yêu thích ông đều biết đến nhân vật Lý Đạo Thành trong tác phẩm đỉnh cao "Câu thơ yên ngựa" của Sân khấu Minh Tơ, đó chính là vai diễn để đời, biết bao thế hệ diễn viên trẻ đã học hỏi cách hóa thân của ông.

Ông lý giải điều mơ ước hiện tại là sự tập trung ê-kíp nghệ sĩ tuồng cổ giỏi nghề để làm công tác truyền nghề. Đối với ông hiện tại những kinh nghiệm từ việc giáo huấn cho thế hệ trẻ chỉ dừng lại ở lý thuyết, nếu được Nhà nước hỗ trợ mở các lớp tập huấn, có dàn dựng và thị phạm để các diễn viên trẻ có cơ hội khai thác vũ đạo, võ thuật, kết hợp với diễn nội tâm nhằm trang bị những kỹ năng cho các vai diễn chất lượng cao trên sân khấu cải lương tuồng cổ.

"Gia giảm tối đa những vay mượn từ âm nhạc của các nước, để đưa bài bản và âm nhạc cải lương vào từng câu chuyện, từ đó tạo cơ hội cho bộ môn nghệ thuật này phát triển trên nền tảng vững vàng dựa vào những câu chuyện lịch sử của dân tộc" - NSƯT Trường Sơn tâm sự.

Nhìn lại quá khứ, với chặng đường đã qua, ông hài lòng vì từ tiếng trống hát bội của cha, nghệ sĩ Bảy Đực, ông đã theo nghề và gắn bó với đoàn Đồng ấu Minh Tơ. Sau đó thành hôn với nghệ sĩ Thanh Loan và rồi những cô con gái của NSƯT Trường Sơn - Thanh Loan sớm nghe lời ca tiếng hát của ba mẹ, cũng nối nghiệp theo nghề và thành danh như NSƯT Tú Sương, Ngọc Nga, Lê Thanh Thảo. Và thế hệ tiếp theo của gia tộc Minh Tơ như: Hồng Quyên, Tú Quyên, bé Anh Tư, bé Thảo Trâm...

NSƯT Bạch Long: Ươm mầm thế hệ tương lai

Từ sân đình Thái Hưng, nghệ sĩ Bạch Long gầy dựng đoàn đồng ấu mang tên mình, hiện nay vẫn diễn tại Nhà hát Nụ cười - Cung Văn hóa Lao động TP HCM. Vừa qua, ông dựng vở "Mộc Quế Anh dâng cây" do ông sáng tác được công diễn và nhận được sự cổ vũ của đông khán giả. Đầu năm 2023, NSƯT Bạch Long đã thực hiện liveshow riêng của ông và các học trò với chủ đề "Ăn cơm Tổ, khổ vẫn cười". Đây cũng là live show kỷ niệm 55 năm theo nghiệp hát của ông.

Tứ "soái ca" cải lương tuồng cổ vượt chông gai trụ vững với nghề- Ảnh 7.

NSƯT Bạch Long

Vất vả mưu sinh nhưng NSƯT Bạch Long vẫn khiến nhiều khán giả yêu mến bởi tính cách chân thành, hiền lành và luôn dành sự trân trọng cho nghề. Ông là tấm gương yêu nghề và vẫn luôn cống hiến hết mình dù sức khỏe không còn như xưa, khiến ông phải ra vào bệnh viện thường xuyên.

NSƯT Bạch Long được khán giả xem như một "soái ca" khi nhắc đến ông qua vai diễn để đời - nhân vật Phạm Cự Chích trong vở "Bão táp Nguyên Phong". Ông cũng tạc thêm nhiều cảm xúc với khán giả khi diễn thành công vai Quách Hải Thọ trong vở "Bích Vân Cung kỳ án" trên sân khấu đoàn Minh Tơ. Ở lĩnh vực cải lương, NSƯT Bạch Long ghi dấu ấn với khán giả qua các vai: Thánh Gióng, Trần Quốc Toản… Năm 1993, Bạch Long gây tiếng vang trong lòng khán giả với vai Tề Thiên Đại Thánh.

Tứ "soái ca" cải lương tuồng cổ vượt chông gai trụ vững với nghề- Ảnh 8.

NSƯT Bạch Long

"Tôi muốn ươm mầm cho nhiều hạt nhân nòng cốt tương tự. Để khi nhắm mắt xuôi tay, yên tâm vì đã kịp trao truyền cho thế hệ trẻ những bài học quý. Hiện nay âm nhạc của sân khấu cải lương tuồng cổ tồn tại theo dạng thức sao chép, có cái bắt chước từ nước ngoài, có cái lấy trên mạng xã hội mà không nhận biết đâu là chuẩn mực. Từ thời chú ruột của tôi là nhạc sĩ Đức Phú sáng tác những bài Hoàng Mai Khúc, ông đã ý thức dựa theo cấu trúc âm nhạc ngũ cung để viết, còn lại sau này NSƯT Minh Tâm là người tiếp nối, sáng tác nhiều về âm nhạc dành cho tuồng cổ. Trong các nhóm giải pháp hiện nay để cứu nguy cho cải lương tuồng cổ chính là âm nhạc" - NSƯT Bạch Long trăn trở.

Theo NSƯT Bạch Long, lợi thế của người viết kịch bản, người dựng là nhắm vào thế mạnh của diễn viên để phân bổ vai diễn, tạo hiệu quả nghệ thuật. Nhưng âm nhạc thì là nền tảng, phải biết vận dụng ưu thế của âm nhạc Việt Nam để làm giàu cho sân khấu tuồng cổ.

NSƯT Bạch Long luôn khuyến khích các học trò phải học về âm nhạc, nhạc lý để tạo nên dư âm thật đẹp cho sân khấu tuồng cổ, phải biết dựa vào thế mạnh của âm nhạc dân tộc, biết chắc lọc các bài lý của dân ca ba miền, đồng thời hiểu về âm nhạc ngũ cung, về bài bản đờn ca tài tử để làm giàu cho bộ môn tuồng cổ.

Tứ "soái ca" cải lương tuồng cổ vượt chông gai trụ vững với nghề- Ảnh 9.

NSƯT Bạch Long và NSƯT Đại Nghĩa

NSƯT Bạch Long chính là người kế thừa những bài học kinh nghiệm để truyền nghề cho thế hệ nghệ sĩ trẻ hiện đang công tác với Đồng ấu Bạch Long, để từ sau thành công của: NSƯT Tú Sương (với các vai diễn: Bao Công, Đổng Trác, Lý Đạo Thành); NSND Quế Trân (các vai diễn: Ngọc Hân, Ngọc Bình, Bùi Thị Xuân…), Lê Thanh Thảo (với các vai diễn: Thượng Dương Hoàng Hậu, Ỷ Lan…), Bình Tinh (với các vai diễn: Bùi Thị Xuân, Trần Quốc Toản…)

Đến nay đã có nhiều diễn viên trẻ như: Võ Minh Lâm, Chấn Cường, Hoàng Đăng Khoa, Minh Trường, Điền Trung, Châu Nhuận Phát… đều được truyền nghề từ tâm huyết của NSƯT Bạch Long.

NSƯT Kim Tử Long: Lỗ vốn nhưng lãi suất về nghề rất lớn

Là người hăng hái quy tụ nhiều diễn viên trẻ tham gia chương trình "Ba thế hệ về lại cội nguồn", NSƯT Kim Tử Long đã dành hết thời gian tham gia các lớp tập huấn nhằm trang bị cho các diễn viên trẻ ý thức nối nghiệp trên sân khấu tuồng cổ chuyên dựng vở sử Việt.

Thành tựu đạt được của soái ca này chính là đã "vượt chông gai" với mức đầu tư chấp nhận lỗ vốn hơn 300 triệu đồng/ vở cho hai dự án: "Rạng ngọc Côn Sơn" (cải lương) và "Tình sử Thăng Long" (kịch nói - kết hợp với NSND Hồng Vân).

NSƯT Kim Tử Long chia sẻ, đó là quyết định của anh khi mà nếu không thực hiện sớm thì sẽ khó vì thời gian đã bào mòn nguồn lực. "Nhiều cô chú nghệ sĩ giỏi nghề của sân khấu cải lương tuồng cổ đã qua đời, hoặc họ lớn tuổi, sức khỏe kém không còn đủ sức truyền đạt những bài học kinh nghiệm, những thực tiễn mà họ đã trải qua cho thế hệ trẻ. Nên hai dự án này tôi chấp nhận lỗ vốn, nhưng cái lợi là học trò của tôi, thế hệ diễn viên trẻ của cải lương tuồng cổ đã có thể vững tiến trên con đường nghệ thuật" - NSƯT Kim Tử Long tâm huyết.

Tứ "soái ca" cải lương tuồng cổ vượt chông gai trụ vững với nghề- Ảnh 11.

NSƯT Kim Tử Long

NSƯT Kim Tử Long vừa tham gia vở "Thập tứ Nữ anh hào" trên sân khấu Huỳnh Long, anh nhận xét đó là tác phẩm hay nhất của soạn giả Bạch Mai, để thế hệ trẻ sau này kế thừa những bài học quý về vũ đạo, về võ thuật, và khả năng ca diễn nội tâm. Anh cũng luôn động viên nghệ sĩ Bình Tinh kế thừa cha mẹ thì hãy cố gắng tái dựng những kịch bản sử Việt như: "Trưng Nữ Vương", "Anh hùng bán than", "Mặt trời đêm thế kỷ", "Tình sử A Nàng"...

Bản thân "soái ca" Kim Tử Long cũng mong có điều kiện truyền lại hết vốn liếng các vai diễn thành công của anh như: Y Mây (Y Ban và nàng tiên), Phan Lương (Người đẹp bến Tiền Châu), Gia Đồng (Nàng tiên Mẫu Đơn), Lữ Bố (Phụng Nghi Đình), Mỹ đen (Sống trong tình thương), Dự Nhượng (Dự Nhượng đả long bào), Đổng Thừa (Mã Siêu báo phụ thù)… cho thế hệ học trò.

Trên con đường nghệ thuật, NSƯT Kim Tử Long đã từng làm diễn viên cho các đoàn hát cải lương Trần Hữu Trang, đoàn Minh Tơ, Sông Bé. Anh từng đoạt giải "Đôi diễn viên được yêu thích nhất năm 1994" (cùng với nghệ sĩ ưu tú Ngọc Huyền), huy chương vàng "Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1995", "Gương mặt nghệ sĩ tài hoa năm 2000" và giải "Mai Vàng 2003".

Tứ "soái ca" cải lương tuồng cổ vượt chông gai trụ vững với nghề- Ảnh 12.

NSƯT Kim Tử Long và vợ - NSƯT Trinh Trinh

Liên tiếp từ năm 2019 đến nay, anh tham gia làm nhà đấu giá cố định cho chương trình "Sàn chiến giọng hát". Từ năm 2022 đến nay, anh tham gia Ban Giám khảo chuyên môn cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ".

Nghệ sĩ Ngân Tuấn: Đừng đòi hỏi quá nhiều

Tên thật là Đoàn Văn Đầy, sinh năm 1968, nghệ sĩ Ngân Tuấn sinh ra trong một gia đình đông đúc với 17 anh chị em. Thuở nhỏ, anh là cầu thủ bóng đá và những tưởng sẽ lớn lên theo nghiệp túc cầu cho đến một ngày, anh bị chấn thương và bén duyên với cải lương.

Nghệ sĩ Ngân Tuấn được xem là soái ca vì anh có vóc dáng cao đẹp, sáng sân khấu, đồng thời ca diễn những vai đa dạng với đủ tính cách: kép võ, kép lẵng, kép độc… Anh kể lại, trong thời gian nghỉ dưỡng thương sau một trận đá bóng, anh bắt đầu theo dõi các tiết mục ca cổ phát trên radio, rồi yêu thích lúc nào không hay.

Vì yêu thích nên Ngân Tuấn lần mò đến nhà thầy Út Trọn và xin thầy theo học. Sau đó, anh đi theo đoàn hát và bắt đầu sự nghiệp ca cổ từ năm 1983. Anh gắn bó với đoàn cải lương Sông Bé 2 của bầu Quới, được ông bầu này tạo mọi điều kiện để phát huy, sau đó anh gắn bó với thương hiệu Huỳnh Long, được vợ chồng nghệ sĩ Đức Lợi - Bạch Mai (cha mẹ của nghệ sĩ Bình Tinh - PV) truyền nghề, trong đó có sự dìu dắt của NSƯT Vũ Linh, anh đã tiến bộ và được công chúng đón nhận.

Tứ "soái ca" cải lương tuồng cổ vượt chông gai trụ vững với nghề- Ảnh 14.

Nghệ sĩ Ngân Tuấn

Nghệ sĩ Ngân Tuấn được biết đến với những vai kép đẹp, trong các vở tuồng nổi tiếng như: "Tình sử A Nàng", "Xử án Phi Giao", "Tấm Cám"... Đến nay, sau 45 năm trọn vẹn sống với nghề cải lương, nghệ sĩ Ngân Tuấn đã trải qua rất nhiều thăng trầm.

"Tôi quan tâm đến các dự án để cải thiện đời sống sàn diễn tuồng cổ, nhất là tạo được uy tín cho các vở sử Việt, thì phải có chiến lược, được nhà nước đầu tư quảng bá, hỗ trợ mọi điều kiện để làm vở sử Việt, đưa đến công chúng trẻ. Đối với các bạn diễn viên trẻ của bộ môn này tôi mong rằng các bạn đừng đòi hỏi cho mình nhiều quá mà phải có ý thức cống hiến cho nghề, nhất là phải góp phần đưa vở sử Việt đến với sân khấu học đường, giúp giới trẻ hiểu hơn về lịch sử dân tộc Nước nhà" - nghệ sĩ Ngân Tuấn bộc bạch.

Tứ "soái ca" cải lương tuồng cổ vượt chông gai trụ vững với nghề- Ảnh 15.

Nghệ sĩ Ngân Tuấn

Về cuộc sống hôn nhân, nghệ sĩ Ngân Tuấn cho biết mình bắt đầu yêu năm 21, 22 tuổi với một cô gái gốc Huế nhưng không nên duyên. Sau khi vào các vai kép chánh, anh rung động với nhiều nữ nghệ sĩ đồng nghiệp. Trải qua nhiều mối tình không thành với các bạn diễn nữ, nghệ sĩ Ngân Tuấn giờ đã yên bề gia thất và hạnh phúc cùng người vợ hết lòng kính trọng nghề nghiệp của anh.

Các con cũng luôn ủng hộ anh bởi anh luôn toàn tâm toàn ý chăm sóc cho tổ ấm của mình và làm tốt nhất vai trò của một người đàn ông trụ cột. "Soái ca" Ngân Tuấn cho rằng, một nam nghệ sĩ muốn thành công trong sự nghiệp phải có một mái ấm gia đình hạnh phúc, đó chính là điểm tựa vững bền để cống hiến cho sự nghiệp nghệ thuật.