NSƯT Trường Sơn được xem là người kế thừa di sản của gia tộc Bầu Thắng - Minh Tơ, sau khi NSND Thanh Tòng qua đời. Trọng trách của ông là truyền nghề ca diễn cải lương tuồng cổ cho hậu thế nhưng xem ra đây là công việc gian truân đối với ông.
Áp lực tìm hậu bối chân truyền
Mái tóc bạc trắng, đôi mắt bắt đầu không còn nhìn rõ mặt chữ, thế nhưng, đôi chân và đôi tay của ông vẫn rất linh hoạt, làn hơi vẫn sang sảng đầy nội lực. Mỗi ngày, ông vẫn có mặt ở sân đình Thái Hưng, nơi xưa kia là điểm biểu diễn của Đoàn Cải lương Minh Tơ - Khánh Hồng, để dạy nghề cho con cháu và hậu bối trân quý bộ môn tuồng cổ. Gia tộc Bầu Thắng - Minh Tơ, tính đến cháu ngoại của ông (bé Kim Thư đang là gương mặt nhí nổi bật sau bộ phim "Nắng"), đã có đến 6 đời ăn lộc Tổ nghiệp.
Ngôi nhà nhỏ của NSƯT Trường Sơn nằm trong con hẻm dẫn vào đình Thái Hưng, ông sinh sống ở đây 60 năm qua. Không gian nhỏ này là nơi các nghệ sĩ: Tú Sương, Ngọc Nga, Lê Thanh Thảo lớn lên, mỗi ngày reo vang tiếng đàn lời ca. Trong gia tộc, nếu NSND Thanh Tòng được xem là chưởng môn nhân định hướng trường phái ca diễn cải lương tuồng cổ, loại bỏ những niêm luật lai căng từ bài bản, vũ đạo của các đoàn hát Quảng Đông, Triều Châu du nhập vào Sài Gòn thập niên 1960, nhằm hình thành phong cách cải lương tuồng cổ thì NSƯT Trường Sơn chính là người thổi hồn cho những khám phá mới của anh vợ, nhằm khẳng định khuôn mẫu để thế hệ sau dựa theo đó mà sáng tạo. Nhân vật Lý Đạo Thành trong tác phẩm đỉnh cao "Câu thơ yên ngựa" chính là vai diễn để đời, biết bao thế hệ diễn viên trẻ đã học hỏi cách hóa thân của ông.
NSƯT Trường Sơn trong vai Vương Tư Đồ
"Từ khi anh Năm - Thanh Tòng qua đời, tôi ý thức trọng trách của mình, làm mọi cách để hun đúc tinh thần sáng tạo của tuổi trẻ để họ đam mê bộ môn này. Nếu không có sự định hướng, không hệ thống một cách bài bản những gì mà ông cha để lại thì sẽ không nhân rộng những bài học quý về vũ đạo, võ thuật, âm nhạc, cảnh trí, trang phục đúng chuẩn của cải lương tuồng cổ thuần Việt" - NSƯT Trường Sơn trăn trở.
Từ áp lực đó, ông ngồi vào bàn, tập làm công việc hệ thống hóa những tuồng tích, kịch bản của gia tộc. "Trước đây, anh Thanh Tòng đã từng làm và trình bày công trình nghiên cứu khoa học "Từ hát bội đến cải lương tuồng cổ", do Hội Sân khấu TP HCM đầu tư. Dựa theo kết quả này, tôi bắt đầu triển khai sâu hơn những ngóc ngách của niêm luật. Bằng cách nào để đi vào nội tâm nhân vật, bằng cách nào khai thác âm nhạc và vận dụng đờn ca tài tử, bài bản, các điệu lý nhằm thay thế dần nhạc Hồ Quảng nhưng vẫn sinh động, độc đáo" - ông nói.
Muốn truyền nghề ra ngoài gia tộc
Từ sân đình Thái Hưng, nghệ sĩ Bạch Long gầy dựng đoàn đồng ấu mang tên mình, có hơn 60 diễn viên trẻ xuất thân từ chiếc nôi này, "cậu Hai Trường Sơn" (tên gọi thân quen của người trong gia tộc) luôn là nghệ sĩ thị phạm, trình bày những khám phá mới về vũ đạo, ca diễn cho giới trẻ lĩnh hội. Nghệ sĩ Thành Lộc cũng từng cầm cờ, chạy roi ngựa, đóng các vai nhỏ trên sân đình này, để ngày nay trở thành một trong những người lèo lái thương hiệu kịch IDECAF, dàn dựng nhiều tác phẩm đỉnh cao mà nền tảng học tập cũng từ chiếc nôi cải lương tuồng cổ của gia tộc. "Tôi muốn ươm mầm cho nhiều hạt nhân nòng cốt tương tự. Để khi nhắm mắt xuôi tay, yên tâm vì đã kịp gửi gắm cho thế hệ trẻ những bài học quý của cha ông" - ông tâm sự.
"Trong lãnh địa sân khấu, "đo ni đóng giày" là lợi thế của người viết kịch bản, người dựng, nhắm vào thế mạnh của diễn viên để phân bổ vai diễn, tạo hiệu quả nghệ thuật nhưng với tôi, cách đó sẽ gây sự nhàm chán. Nếu không biết vận dụng ưu thế của diễn viên, khơi dậy sự ứng biến của họ với các vai phá cách, làm mới mẻ hơn trong diễn xuất thì nghệ thuật sẽ giậm chân tại chỗ. Vì vậy, tôi khuyến khích con gái mình - NSƯT Tú Sương diễn Bao Công, Đổng Trác, Lý Đạo Thành… hay động viên Quế Trân diễn Ngọc Hân, Ngọc Bình, Bùi Thị Xuân…Với các bạn trẻ như: Võ Minh Lâm, Chí Cường, Hoàng Đăng Khoa, Minh Trường, Điền Trung… phải mạnh dạn làm mới với những vai diễn khác sở trường" - NSƯT Trường Sơn nêu quan điểm.
Ông hăng hái quy tụ nhiều diễn viên trẻ tham gia các lớp tập huấn do ông truyền dạy. Gọi là lớp chứ các cuộc trao đổi không nhất thiết tại nhà mà ở ngay sàn tập của rạp. Trong chương trình "Ba thế hệ về lại cội nguồn" của người cháu rể Kim Tử Long, chính là nơi để ông đi tìm hậu bối chân truyền. Nhiều người nói hậu bối chân truyền của ông chính là NSƯT Tú Sương, ông đặt kỳ vọng vào cô con gái thứ ba này. "Thế nhưng, tôi muốn trao nghề thêm cho người ngoài gia tộc. Vì như thế sẽ nhân rộng hiệu quả nghệ thuật mà ông cha tôi đã truyền lại" - ông nói. Ông muốn tiếng trống, tiếng đờn, lời ca và vũ đạo không chỉ nằm trên bản thảo mà rộn vang khắp nơi. Nghệ thuật cải lương tuồng cổ có thế mạnh thể hiện những bản anh hùng ca bất khuất của cha ông, nên trọng trách của ông là viết và dàn dựng thêm nhiều hơn nữa những vở diễn hay về tấm gương anh hùng dân tộc.
Tiếc không có nhiều người để trao truyền
Ông không mệt mỏi dù tuổi cao sức yếu, chỉ cảm thấy tiếc khi những bài học của ông không có nhiều người để trao truyền. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều diễn viên trẻ đón nhận từ ông những bài giảng tâm huyết.
Nghệ sĩ Võ Minh Lâm vẫn xem NSƯT Trường Sơn là bậc thầy trong ca diễn cải lương tuồng cổ. "Tôi học từ ông rất nhiều bài học kỹ năng của nghệ thuật tuồng cổ. Thần sắc trong ca diễn, độ tinh luyện trong động tác vũ đạo của ông cứ hút hồn chúng tôi. Tôi nguyện tiếp nối ông để nâng cao giá trị của bộ môn này".
Bình luận (0)