Xây dựng quan hệ lao động hài hòa

Thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc thông qua đối thoại, thương lượng tập thể… sẽ góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định

Sau 6 năm thực hiện Chỉ thị 37/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới, TP HCM - nơi tập trung hàng triệu người lao động (NLĐ) và hàng chục ngàn doanh nghiệp (DN) - đã đạt những kết quả rõ nét. Điều này góp phần giữ vững ổn định xã hội, thúc đẩy phát triển sản xuất và bảo vệ quyền lợi NLĐ.

Tranh chấp giảm

Sở Nội vụ TP HCM đánh giá trong 6 năm thực hiện Chỉ thị 37, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn thành phố có chuyển biến tích cực. Số vụ, số người tham gia tranh chấp lao động tập thể giảm đều qua các năm. Tính chất các vụ tranh chấp lao động tập thể trong giai đoạn này đã ôn hòa hơn những năm từ 2019 về trước.

Từ năm 2019 đến 2024, cơ quan chức năng ở TP HCM tiếp nhận hơn 5.300 yêu cầu hòa giải tranh chấp lao động cá nhân, chủ yếu quanh việc thực hiện hợp đồng lao động, tiền lương, phụ cấp và các chế độ. Tỉ lệ hòa giải thành được cải thiện, từ 40% lên gần 50% trong năm 2024 - cho thấy nỗ lực đáng ghi nhận của đội ngũ hòa giải viên và các cơ quan chức năng trong việc giải quyết tranh chấp ngay từ cơ sở.

Trong khi đó, số vụ tranh chấp lao động tập thể dẫn đến ngừng việc giảm rõ rệt. Nếu như năm 2022, TP HCM xảy ra 13 vụ với gần 6.000 người tham gia thì đến năm 2024 chỉ còn 4 vụ với hơn 700 người. Bốn tháng đầu năm 2025, thành phố chỉ xảy ra 2 vụ liên quan ngành dệt may, da giày với nguyên nhân chính là tiền lương, thưởng và bảo hiểm.

Xây dựng quan hệ lao động hài hòa- Ảnh 1.

Để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, doanh nghiệp cần lắng nghe nguyện vọng của người lao động. Ảnh: HỒNG ĐÀO

Sở Nội vụ TP HCM nhìn nhận việc thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc thông qua đối thoại, thương lượng tập thể, hội nghị NLĐ và thỏa ước lao động tập thể (LĐTT) đạt kết quả tốt ngày càng tăng. Giai đoạn 2019 - 2024, thành phố đã tiếp nhận thỏa ước LĐTT của 28.519 DN, 21.112 lượt đăng ký nội quy lao động. Thực hiện Đề án "Phát triển quan hệ lao động tại TP HCM giai đoạn 2022 - 2026", thành phố đã xây dựng các thiết chế quan hệ lao động nhằm nâng cao năng lực quản lý, hỗ trợ quan hệ lao động của các cơ quan nhà nước.

Tuy nhiên, Sở Nội vụ TP HCM cũng chỉ ra việc thực hiện các chế độ, chính sách cho NLĐ chưa được nhiều DN quan tâm kịp thời. Một số DN vẫn còn vi phạm pháp luật lao động, chưa bảo đảm các quy định về trả lương, thưởng, tham gia BHXH, BHYT cho NLĐ. Việc tăng cường đối thoại, thương lượng và ký kết thỏa ước LĐTT dù có chuyển biến nhưng thực chất vẫn chưa đạt yêu cầu.

TP HCM xác định thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả đề án phát triển quan hệ lao động; tăng cường vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVC-LĐ. Qua đó, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.

"Mở lòng" với người lao động

Theo ông Nguyễn Thành Tài, Giám đốc Nhân sự - Công ty CP Nhựa Đại Đồng Tiến (quận 5, TP HCM), để xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong tình hình hiện nay, người sử dụng lao động phải "mở lòng", lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, tạo điều kiện để họ mạnh dạn có ý kiến mà không lo bị trù dập.

Tại hội nghị NLĐ của Công ty CP Nhựa Đại Đồng Tiến mới đây, NLĐ đề xuất tăng tiền cơm do giá cả tăng, trang bị bảo hộ lao động, tăng chế độ phúc lợi xã hội; tổ chức cho NLĐ đi nghỉ mát 1 lần/năm; tổ chức các phong trào thi đua, tập luyện thể dục thể thao… Tất cả ý kiến này đều được chủ DN ghi nhận và giải quyết vì hiểu NLĐ tạo ra hàng hóa, giá trị cho DN. Khi tinh thần, tâm lý của họ thoải mái thì năng suất cao.

Công ty CP Nhựa Đại Đồng Tiến còn quan tâm đến mối quan hệ giữa NLĐ với nhau. Tại công ty này, NLĐ giúp đỡ nhau trong công việc, người cũ hướng dẫn người mới, sẵn sàng chia sẻ khó khăn, kinh nghiệm.

Đơn cử, chương trình "Những trái tim nhân ái" do ban giám đốc và Công đoàn phát động đã tạo được sự đồng lòng, chung tay đóng góp của tất cả NLĐ trong công ty. "Qua đó, 3 trường hợp NLĐ và con NLĐ được hỗ trợ điều trị bệnh hiểm nghèo. Đây là nét văn hóa đẹp của công ty, xuất phát từ chủ DN và được xây dựng từ trên xuống" - ông Tài nhận xét.

Theo ông Phạm Thanh Hải, CEO Trang tuyển dụng JobsGO (quận Phú Nhuận, TP HCM), trước sự phát triển của công nghệ và tự động hóa, nhiều DN tại thành phố đang tinh gọn bộ máy để tối ưu hiệu quả. "Đây là giai đoạn mà việc giữ chân nhân tài được nhiều DN quan tâm, làm sao để bộ máy gọn nhẹ nhất nhưng vẫn giữ được những người giỏi nhất" - ông nhấn mạnh.

Để làm được điều này, ông Hải cho rằng ngoài môi trường làm việc lành mạnh, tích cực, gắn kết, có định hướng rõ ràng, minh bạch, DN cần trao quyền và ghi nhận sự đóng góp của NLĐ. Phải làm sao để NLĐ thấy được giá trị của bản thân, từ đó quyết định đồng hành lâu dài, góp phần giúp DN ổn định và phát triển. 

Nâng mức phạt khi chậm trả lương

Theo Sở Nội vụ TP HCM, nguyên nhân tranh chấp lao động chủ yếu liên quan đến tiền lương, thưởng. Do đó, để hạn chế tranh chấp lao động tập thể dẫn đến đình công, thành phố kiến nghị các cơ quan chức năng nâng mức xử phạt hành chính liên quan việc người sử dụng lao động chậm trả, không trả lương đúng hạn cho NLĐ, nhằm răn đe các hành vi vi phạm.