Xuyên tạc về tổ chức và hoạt động Công đoàn có thể bị phạt đến 40 triệu đồng
(NLĐO) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa công bố dự thảo sửa đổi Nghị định 12/2022, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến tổ chức, cán bộ Công đoàn.
Cụ thể, dự thảo sửa đổi Nghị định 12/2022 sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 36 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP liên quan đến hành vi phân biệt đối xử như sau:
Phạt tiền từ 15 - 30 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử đối với người lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, cán bộ Công đoàn vì lý do thành lập, gia nhập hoặc hoạt động tổ chức đại diện người lao động, bao gồm một trong các hành vi sau đây:

Cán bộ Công đoàn tại TP HCM thăm hỏi, hỗ trợ công nhân ở nhà trọ
a) Phân biệt đối xử về tiền lương, thưởng, phúc lợi, thời giờ làm việc, các quyền và nghĩa vụ khác trong quan hệ lao động;
b) Yêu cầu tham gia, không tham gia hoặc ra khỏi tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, Công đoàn Việt Nam để được tuyển dụng, giao kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc;
c) Sa thải, kỷ luật lao động, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, không tiếp tục giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, không gia hạn hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chuyển người lao động làm công việc khác;
d) Cản trở, gây khó khăn liên quan đến công việc nhằm làm suy yếu hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;
đ) Kỳ thị, phân biệt đối xử về giới, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng và phân biệt đối xử khác trong lao động;
e) Thông tin không đúng sự thật nhằm hạ thấp uy tín, danh dự của cán bộ Công đoàn;
g) Hứa hẹn, cung cấp lợi ích vật chất, lợi ích phi vật chất để người lao động, cán bộ Công đoàn không tham gia hoạt động Công đoàn, thôi làm cán bộ Công đoàn hoặc có hành vi chống lại Công đoàn.
Ngoài ra, Dự thảo cũng quy định mức xử phạt hành vi xuyên tạc thông tin về tổ chức Công đoàn, ở khoản 3, Điều 53: Phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng đối với một số hành vi như: lợi dụng việc thành lập, gia nhập hoặc hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; nhận viện trợ, tài trợ, tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật trái quy định của pháp luật; thông tin không đúng sự thật, kích động, xuyên tạc, phỉ báng về tổ chức và hoạt động Công đoàn.
Dự thảo sửa đổi sẽ giúp tăng cường sự bảo vệ và thêm hành lang pháp lý cho tổ chức Công đoàn Việt Nam đồng thời tăng cường sự bảo vệ cho từng cán bộ Công đoàn, đoàn viên và từng người lao động, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.