Tại các buổi góp ý cho dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) vừa qua, nhiều cán bộ Công đoàn cho rằng cơ chế pháp luật để bảo vệ cán bộ Công đoàn hiện nay chưa thực sự hiệu quả. Vẫn có cán bộ Công đoàn phải chịu các hành vi phân biệt đối xử như không được bảo đảm điều kiện hoạt động Công đoàn, bị luân chuyển, sa thải trái luật.
Cho ngồi chơi xơi nước
Điều 25 Luật Công đoàn 2012 quy định đơn vị sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), sa thải, buộc thôi việc hoặc thuyên chuyển công tác đối với cán bộ Công đoàn không chuyên trách nếu không có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc Ban Chấp hành Công đoàn cấp trên. Tuy nhiên, nhiều cán bộ Công đoàn cho rằng điều khoản này chưa chặt chẽ, còn nhiều kẽ hở.
Tiêu biểu như sự việc của bà N.T.N, cán bộ nhân sự kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH K.J.W (tỉnh Bình Dương) vào cuối năm 2020. Mâu thuẫn phát sinh khi tổng giám đốc bất ngờ chuyển bà qua làm tạp vụ. Bà N. không đồng ý thì bị doanh nghiệp (DN) buộc ra ngồi ngoài trời, không được giao việc làm và cũng không được vào văn phòng làm việc.
Khi trời mưa, bà chỉ có thể vào trú trong phòng máy phát điện. Dù Công đoàn cấp trên nỗ lực can thiệp, yêu cầu công ty không phân biệt đối xử đồng thời không áp dụng các hình thức kỷ luật trái quy định đối với cán bộ Công đoàn song sự việc kéo dài đã làm ảnh hưởng tinh thần, sức khỏe và danh dự của bà N.
Một sự việc gây bức xúc khác là 4 cán bộ Công đoàn không chuyên trách bị Công ty TNHH S.L (tỉnh Đồng Nai) đơn phương chấm dứt HĐLĐ vào năm 2020 với lý do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Điều đáng nói là họ đều là những cán bộ Công đoàn tâm huyết và là những lao động đã gắn bó từ 10 năm trở lên.
Khi ấy, công ty đã yêu cầu ban chấp hành Công đoàn lấy ý kiến bằng cách bỏ phiếu và kết quả có đến 7/9 phiếu phản đối. Hay tin, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai đã giao Trung tâm Tư vấn Pháp luật LĐLĐ tỉnh hỗ trợ cho Công đoàn cơ sở khiếu nại công ty. Cuối cùng, DN phải rút lại ý định chấm dứt HĐLĐ đối với cán bộ Công đoàn.
Ông Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, cho biết có trường hợp DN muốn đơn phương chấm dứt HĐLĐ với cán bộ Công đoàn đã lấy ý kiến ban chấp hành Công đoàn nhưng số phiếu đồng ý chiếm đa số khiến trung tâm không thể bảo vệ cán bộ Công đoàn.
Hay một trường hợp chủ DN muốn sa thải chủ tịch Công đoàn, họ lách bằng cách giải thể cả bộ phận rồi cho trưởng phòng (là chủ tịch Công đoàn) nghỉ việc với lý do không còn nhu cầu vị trí việc làm. "Từ thực tế ấy, tôi cho rằng cần xem xét lại điều 25 Luật Công đoàn 2012 (được kế thừa tại điều 28 dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) để bảo vệ cán bộ Công đoàn tốt hơn, nếu đã cấm thì cấm luôn, không nên mở điều kiện để DN lách luật chèn ép cán bộ Công đoàn" - ông Hà nói.
Chế tài phải đủ mạnh
Bên cạnh quy định bảo đảm cho cán bộ Công đoàn, Luật Công đoàn còn có các quy định, hành vi bị nghiêm cấm, như sử dụng các biện pháp kinh tế hoặc biện pháp khác gây bất lợi với tổ chức và hoạt động Công đoàn. Điều này cũng được quy định trong Bộ Luật Lao động 2019.
Cụ thể, cấm người sử dụng lao động can thiệp, thao túng quá trình thành lập, bầu cử, xây dựng kế hoạch công tác và tổ chức thực hiện các hoạt động của tổ chức đại diện người lao động (NLĐ) tại cơ sở, bao gồm cả việc hỗ trợ tài chính hoặc các biện pháp kinh tế khác nhằm vô hiệu hóa hoặc làm suy yếu việc thực hiện chức năng đại diện của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở.
Song trong thực tế, vẫn có chủ DN cố tình can thiệp vào hoạt động của Công đoàn cơ sở. Đơn cử như vụ việc tại Công ty TNHH K.J.W (tỉnh Bình Dương), DN đã can thiệp sâu vào tổ chức và hoạt động của Công đoàn như kiểm tra quỹ, thu chi của Công đoàn, yêu cầu chủ tịch Công đoàn trả lại các giấy tờ Công đoàn...
Ông N.P.Đ - Chủ tịch Công đoàn một DN có vốn đầu tư nước ngoài tại quận 7, TP HCM - cho biết trên thực tế, không hiếm chủ DN muốn can thiệp vào tài chính Công đoàn, nhất là khoản kinh phí mà họ trích nộp. Có nơi, khi khó khăn, DN đề nghị "mượn" kinh phí hoặc yêu cầu Công đoàn dùng kinh phí chi vào các mục không nằm trong kế hoạch hoạt động của Công đoàn cơ sở, đẩy cán bộ Công đoàn vào thế khó. "Theo tôi, khi đã đưa ra các hành vi nghiêm cấm thì đi cùng với nó là biện pháp chế tài đủ mạnh, có như vậy thì mới đủ sức răn đe" - ông Đ. đề nghị.
Luật sư Phạm Bích Hảo (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng một trong những hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại điều 10 của dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi là không đóng; chậm đóng; đóng kinh phí Công đoàn không đúng mức quy định, không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng nhưng trên thực tế xuất hiện tình trạng nhiều đơn vị, DN mặc dù được các cấp Công đoàn tuyên truyền đôn đốc nhiều lần nhưng vẫn cố tình trốn tránh trách nhiệm và chậm đóng kinh phí.
Đơn cử, tại tỉnh Quảng Nam, tính đến tháng 6-2023, tổng nợ kinh phí Công đoàn toàn tỉnh trên 100 tỉ đồng, gây khó khăn cho hoạt động Công đoàn, nhất là trong việc chăm lo cho đoàn viên - lao động. "Cần nghiên cứu, bổ sung các quy phạm pháp luật liên quan đến kinh phí Công đoàn và chế tài xử lý vi phạm" - luật sư Phạm Bích Hảo góp ý.
Luật Công đoàn trước hết phải bảo vệ được cho cán bộ Công đoàn, có như vậy họ mới có thể làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ được NLĐ" - ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhấn mạnh.
Bình luận (0)