Nếu không có rạp chiếu phim Cinebox thì Hãng phim Giải phóng sẽ vắng như chùa Bà Đanh. Ảnh: Xuân Thảo
Lương tháng bằng 2 ngày công lao động
Đã từ 10 năm nay, từ khi Hãng phim Truyện Việt Nam không còn là doanh nghiệp công ích, Nhà nước không còn bao cấp tận răng nên người thì về hưu non, người chuyển công tác khác. Toàn bộ hệ thống nhân lực làm việc đều bị hao hụt. Một nhân viên phục trang cho biết hãng giờ chỉ còn 2 người làm phục trang, trong khi thời hoàng kim, đội ngũ này là 20 người vừa may vừa thiết kế, làm mới, làm cũ phục trang cho cả trăm diễn viên. Nhân viên hóa trang còn đúng một người. Số lượng quay phim của hãng cũng đã rút từ 30 người thời đỉnh cao xuống còn 10 người, hiện nay có tới 3 người quay phim trẻ xin đóng bảo hiểm không hưởng lương để đi làm ngoài. Nhà quay phim Nguyễn Đức Việt chuyển sang làm đạo diễn, NSND - nhà quay phim Trần Quốc Dũng chuyển hẳn về Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh làm công tác giảng dạy…
Theo nhiều người đã gắn bó với đơn vị, thời hoàng kim, Hãng phim Giải phóng có đến hơn 200 người, lúc nào cũng tất bật với những dự án. Nhưng hiện tại, số đạo diễn trụ lại chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Không ít người chủ động ra đi vì không muốn “nhận lương tháng mà không làm gì”.
Một người quay phim của Hãng phim Truyện Việt Nam cay đắng: “Khi đồng lương chỉ bằng 2 ngày lao động của một sinh viên vừa tốt nghiệp đi quay phim truyền hình thì chắc chắn người ta phải tìm ra thị trường để kiếm sống nuôi gia đình”. Hỏi một nhân viên hành chính của Hãng phim Truyện Việt Nam lý do ở lại với hãng, chị cười: “Đi làm cho vui, vì đã quen với môi trường này rồi. Kinh tế gia đình đã có chồng lo hết chứ sống làm sao được với tiền lương hiện nay”.
Ra đi, không ngoảnh lại
Sự “trượt dốc” của Hãng phim Giải phóng khiến cho đội ngũ làm phim có tay nghề cao ở đây cũng tan tác theo. Nhiều người đã chọn cách rời khỏi “bộ máy cồng kềnh nhưng kém hiệu quả” để tìm riêng một lối đi. Một đạo diễn từng có thâm niên công tác ở Hãng phim Giải phóng ví von: “Làm việc ở hãng phim Nhà nước cũng giống như anh đang ngồi trên một chiếc sà lan vậy, sẽ có một con tàu kéo đi, khó mà điều khiển được hướng đi cho bản thân mình. Những ai đủ khả năng chèo chống thì sẽ chọn cách ra đi. Đó cũng là lẽ đương nhiên”.
Trong thời buổi điện ảnh sôi động như hiện nay, những người làm nghề có quá nhiều sự lựa chọn cho mình. Mỗi người có những lý do khác nhau để ra đi, nhưng chia sẻ chung của số đông đạo diễn đã rời khỏi các hãng phim quốc doanh là do các đơn vị này vốn không có nhiều dự án, công việc bó hẹp trong khi có quá nhiều việc bên ngoài dành cho họ.
Sẽ bị xóa sổ ? Một đạo diễn nổi tiếng cho rằng nếu tình trạng xập xệ này không được giải quyết kịp thời thì chỉ 5 năm nữa, điện ảnh quốc doanh sẽ chết. Nhà quay phim Lý Thái Dũng thì bi quan hơn, nói rằng nếu còn giữ cơ chế hiện nay, ngành điện ảnh sẽ bị xóa sổ, nhân lực sẽ về hết các đài truyền hình, công ty truyền thông và các hãng phim tư nhân. Đó không chỉ là nỗi lo mà là thực tế đã được chứng minh. Mấy năm trước đây, Hãng phim Truyện Việt Nam đã có những đợt “tinh giảm biên chế, về hưu sớm, người đi làm thêm, người ở nhà chăm sóc con cái, trong khi việc đào tạo hiện nay còn rất hạn chế. Không có người làm, bị xóa sổ là không tránh khỏi”. |
Kỳ tới: Sống dở, chết dở
Bình luận (0)