xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sống lại "Vòng tròn bất tử"

NLĐO

(NLĐO) - Các cựu binh Trường Sa bồi hồi quây quần bên nhau. Anh hùng Nguyễn Văn Lanh đột nhiên vòng qua nắm tay cựu binh Mai Xuân Hải và những người khác, thốt lên: "Cách đây 25 năm, chúng ta cũng từng làm nên những "vòng tay bất tử" như thế này trên đảo Gạc Ma để bảo vệ cờ tổ quốc"...

 
 
img
 
 
Như chúng ta đã biết, sáng 14-3-1988, lính Trung Quốc đã tràn lên đảo Gạc Ma tìm cách nhổ cờ của ta. Còn cờ xem như còn đảo. Hình ảnh các chiến sĩ ta đã bất kể tính mạng để bảo vệ cờ Tổ Quốc, nhất là câu nói của thiếu úy Trần Văn Phương trước khi mất: “Thà hy sinh chứ không thể để mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng hải quân”, đã khiến bao người xúc động, tự hào.
 
Là một trong những đồng đội sát cánh cùng anh Phương lúc đó, đến với buổi giao lưu trực tuyến Bi hùng hải chiến Trường Sa do Báo Người Lao Động tổ chức chiều ngày 13-3, anh hùng Nguyễn Văn Lanh, người đã xả thân cùng đồng đội giữ cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma chia sẻ: Đất nước của ngày xưa là do cha ông ta xây dựng nên, thế hệ sau phải giữ vững và bảo vệ dù là ở đất liền hay ở biển đảo hay bất cứ nơi đâu. Tôi nhớ mãi phút giây hy sinh của những đồng đội trẻ đã hy sinh, máu của đồng đội tôi đã tô thắm lá cờ của tổ quốc. Cách đây 25 năm, khi tôi được giao cho nhiệm vụ giữ cờ, tôi nghĩ lá cờ là đại diện cho tổ quốc nên phải giữ vững dù phải hy sinh thân mình".

"Thế hệ ngày nay không khỏi lay động trước hình ảnh “cột cờ sống”, “vòng tròn bất tử” hôm 14-3-1988 ở Gạc Ma. Lúc đó, các anh đã biết gì về sự kiện Hoàng Sa năm 1974 chưa và nghĩ gì?", một bạn đọc ở Bình Dương hỏi.

Ông Lanh cho biết, mình chỉ nghĩ đơn giản là các anh hùng đã hy sinh vì biển đảo nên thế hệ sau cần phải bảo vệ biển đảo.
 
img

 
img
Anh hùng Nguyễn Văn  Lanh (trái)
 
Ông Lanh kể tiếp: "Đồng chí Thông bảo mọi người ai biết bơi nhảy xuống để hỗ trợ cho anh Phương giữ cờ. Và anh Phương đã nói: "Thà chúng ta hy sinh chứ không để mất lá cờ truyền thống của Tổ Quốc". Suốt đời tôi không thể nào quên được câu nói bất hủ đó của đồng chí Phương".
 
Bạn đọc Bùi Xuân Tiên ở Tây Ninh hỏi: "Tôi được biết, hôm đó, anh Lanh đã bị lính Trung Quốc dùng lưỡi lê đâm trọng thương, tôi muốn hỏi quãng thời gian sau đó anh thế nào. Đặc biệt, về số phận đảo Gạc Ma sau ngày 14-3-1988?".
 
"Lúc tôi tỉnh lại nghe báo bên mình đã có một cuộc chiến không cân sức. Tàu Trung Quốc trang bị vũ khí rất hiện đại. Và Trung Quốc đã chiếm mất đảo Gạc Ma rồi...", anh Lanh nghẹn ngào.

"Thưa anh Nguyễn Văn Thống. Anh là một trong những chiến sĩ của tàu HQ-604 bị thương nặng nhất. Nhiều bạn đọc muốn biết hôm đó, anh bị thương khi bị lính Trung Quốc bắn trên tàu hay đang hỗ trợ đồng đội giữ cờ?", bạn đọc Ngọc Dũng (Đà Nẵng), đặt câu hỏi.

Ông Nguyễn Văn Thống kể: "Tôi đang chuyển hàng lên tàu HQ-604 thì bị Trung Quốc bắn bị thương ở chân, bị hư một mắt…"

img

Ông Nguyễn Văn Thống (trái), thương binh, bị Trung Quốc bắt giam 3 năm sau trận hải chiến Trường Sa

Không riêng ông Thống, các ông Lê Văn Đông và Mai Xuân Hải cũng là 3 trong 9 chiến sĩ bị Trung Quốc bắt giữ 3 năm. "Đã có không ít tài liệu kể rằng các anh đã phải nếm trải rất nhiều tủi hổ, nhục hình khi bị giam giữ. Các anh có thể kể về thời gian này?", bạn đọc Hải Phong ở Khánh Hòa hỏi. 
 
img
Cựu binh Lê Văn Đông
 
Ông Lê Văn Đông: "Khi chúng tôi mới sang Trung Quốc, bọn chúng nhốt mỗi người một phòng. Sau hơn 1 năm mới mở ra nhưng cũng chỉ nhìn thấy đồng đội chứ không được nói chuyện. Sau hơn 2 năm thì Trung Quốc mới cho đồng đội mình tiếp xúc với nhau. Sau hơn 1,5 năm tôi mới nhận được tin tức của gia đình. Tôi bị thương nặng và được Trung Quốc đưa lên tàu. Tôi bất tỉnh và mê man, không biết gì sau đó, không phân biệt được ngày đêm".
 
img
 
Cựu binh Nguyễn Văn Thống thương tích đầy người vì sau khi tàu HQ - 604 bị bắn chìm,
ông bị thương trôi dạt trên biển và lại bị cá mập tấn công
 
img
Cánh tay của ông Thống không còn nguyên vẹn vì trúng đạn của hải quân Trung Quốc
 
Ông Nguyễn Văn Thống kể: "Lúc đó, tôi bị rơi xuống biển, lạnh buốt, tôi nhìn thấy một miếng cao su trôi nổi nên bám lấy nhưng sau đó thì thấy một bóng trắng và đó chính là cá mập. Lúc đó, tôi quay miếng cao su lại cho nó cắn, hai bên vờn nhau một lát thì bị nó giật mất miếng cao su và bỏ đi. Sau đó tôi thấy đồng chí Đông bơi ngược chiều nên hai bên tới bơi cho vui vì xác định trước sau gì cũng hy sinh. Lúc đó hai bên còn ghi lại địa chỉ liên lạc của gia đình vì biết đâu một trong hai người còn sống sót. Sau đó thì tàu Trung Quốc xuất hiện, chúng kéo chúng tôi lên. Tôi nhìn thấy vài đồng chí của mình bị trói ở ghế, sau đó lịm đi không biết gì nữa".
 
Những ngày ở tù tại Trung Quốc, mỗi ngày, bọn chúng mang thức ăn đổ vào 2 tô rồi giật cửa "rầm". Lúc tôi mới qua cũng bị đánh đập. Hơn 3 năm sau tôi mới được về nhà, cũng thường đau ốm, không làm được gì, gia đình chỉ do một tay vợ tôi thu vén".
 
"Nỗi nhớ Trường Sa"
 
Nghe tin Báo Người Lao Động tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với các cựu binh Trường Sa, nhạc sĩ Đình Thậm, Trưởng đoàn ca múa nhạc TP Đà Nẵng - người cũng từng gắn bó và có nhiều kỷ niệm với quần đảo này - đã hăm hở ôm đàn đến tham dự.

img

Ông Thậm kể lại: "Tôi cũng là quân nhân vừa là nhạc sĩ đã có chuyến thăm Trường Sa. Tôi rất xúc động khi đến đây và thấu hiểu sự hy sinh của các chiến sĩ trên đảo. Những chiến sĩ này đã chấp nhận hy sinh tất cả để bảo vệ biển đảo tổ quốc. Có một chiến sĩ trẻ đã chia sẻ câu chuyện với tôi là anh có một người yêu là cô giáo ở Đà Nẵng. Mỗi ngày, cô giáo đều gọi điện thoại để động viên người yêu vững tâm. Tôi hết sức xúc động và đã sáng tác bài hát Nỗi nhớ Trường Sa để tặng họ và những chiến sĩ Trường Sa".
img
Bạn cài Flash Player để xem được Clip này.
Nhạc sĩ Đình Thậm hát bài Nỗi nhớ Trường Sa 
 
Nhạc sĩ Thậm vừa đàn vừa cất cao giọng hát. Cả hội trường xúc động lặng yên lắng nghe những giai điệu nồng nàn của bài hát về một tình yêu nam nữ gắn với tình yêu biển đảo quê hương.
 
Nhiều bạn đọc rất mong muốn được giao lưu với vợ con anh Phương nên Báo Người Lao Động đã liên hệ với chị Mai Thị Hoa, vợ anh Phương qua điện thoại để chị được nói chuyện với ông Lanh. Mời các bạn lắng nghe cuộc đối thoại giữa ông Lanh và chị Hoa:

Ông Lanh: "Hôm nay em giao lưu với các đồng đội cùng gia đình của các liệt sĩ đã hy sinh trên đảo. Ngày mai (14-3) là ngày anh Phương hy sinh...".

Chị Hoa nghẹn ngào: "Làm sao quên được... Ngày mai (14-3) là ngày giỗ anh Phương rồi...".

img

img
Ông Lanh nhận điện thoại từ chị Hoa
 
Chị Hoa cho biết khi anh Phương ra đi tuổi đời của chị còn rất trẻ. Thế nhưng, quá khứ về anh vẫn luôn tồn tại trong cuộc sống của chị, nhất là về sự hy sinh của anh khi tuổi đời còn quá trẻ. Gia đình chị vẫn còn sống ở ngoài quê và vẫn làm đám giỗ cho anh Phương để tưởng nhớ đến anh. Mới đây, chị đã chuyển vô sinh sống tại TPHCM.

Chị Hoa gửi lời chúc sức khỏe đến các đồng đội của anh Phương trong buổi giao lưu.
 
img

Chị Mai Thị Hoa, vợ anh hùng Trần Văn Phương
 
Gởi ý kiến về Báo Người Lao Động, nhiều bạn đọc cho biết rất cảm động và tự hào về những người lính hải quân đã đổ xương máu của mình để giữ vững chủ quyền biển đảo đất nước; đồng thời đề nghị nhà nước nên tuyên truyền sâu rộng hơn những cuộc chiến bi hùng đó để thế hệ mai sau được biết, được trân trọng, tự hào.
 
Cụ thể, bạn đọc - đại tá Trịnh Thanh Phi đề nghị: "Để góp phần bảo vệ chủ quyền, các cựu binh có cho rằng nên lấy ngày 14-3 làm ngày chủ quyền của tổ quốc hoặc chủ quyền biển đảo?".
 
img
Ông Hoàng Hoan (phải)

Nêu ý kiến về vấn đề này, ông Hoàng Hoan, nguyên phó chỉ huy Trung đoàn công binh 83 tăng cường ra đảo Gạc Ma năm 1988, đồng tình với việc lấy ngày 14-3 làm ngày chủ quyền của tổ quốc hoặc biển đảo.
 
Theo ông Nguyễn Văn Tấn, đại diện Ban liên lạc cựu binh Trường Sa tại Đà Nẵng, ngày 14-3 là ngày truyền thống của Ban liên lạc cựu binh Trường Sa, vì vậy không nên đặt ngày này là ngày chủ quyền. Bởi vì Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
 
"Đất nước này là của chúng ta từ xưa đến nay nên không cần ngày chủ quyền như bạn đọc đề nghị", ông Tấn khẳng định.
 
img
Ông Nguyễn Văn Tấn, đại diện Ban liên lạc cựu binh Trường Sa tại Đà Nẵng:
"Đất nước này là của chúng ta từ xưa đến nay nên không cần ngày chủ quyền như bạn đọc đề nghị"

Bạn đọc Nguyễn Anh Vũ, Công an quận 12 - TPHCM: "Phải làm gì để giáo dục thế hệ trẻ hiểu về việc bảo vệ chủ quyền của tổ quốc? Cần phải truyên truyền như thế nào để giúp thế hệ trẻ biết về cuộc chiến ngày 14-3?".

Ông Hoan: "Việc tuyên truyền về chủ quyền biển đảo phải được đưa vào chương trình học phổ thông để giúp thế hệ trẻ hiểu hơn. Ngoài ra còn cần phải tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng".
 

Ngoài những nhân chứng sống trong trận hải chiến Trường Sa, đến với buổi giao lưu còn có bà Lê Thị Muộn, mẹ liệt sĩ Phạm Văn Sự và ông Lê Văn Xuân, cha liệt sĩ Lê Văn Sanh.

Bạn đọc Trần Văn Chính ở Bình Thạnh - TPHCM gởi câu hỏi đến bà Muộn: "Được biết, sau khi nghe tin anh Sự mất, chồng má không chịu đựng nổi cũng đã qua đời. Khi ấy, hai nỗi đau dồn dập, làm sao má vượt qua nổi?".
 
Bà Muộn cho biết: "Khi nằm viện, chồng tôi có nghe đài phát tin các chiến sĩ ở Trường Sa hy sinh nhưng tôi an ủi chồng là chắc con mình chưa sao đâu. Sau khi nhận được tin con trai hy sinh ở Trường Sa, tôi đau đớn vô cùng. Đã vậy còn thêm nỗi đau mất chồng... Sau này, biết tin con trai không tìm được xác nên nỗi đau càng nhân lên. 25 năm nay, tôi tự an ủi mình vơi đi nỗi đau bằng việc nghĩ con trai đã ra đi vì nghĩa vụ thiêng liêng và bảo vệ cho tổ quốc. Sự đăng ký đi lính khi còn đang đi học và cả nhà không hề biết việc Sự chuẩn bị đi Trường Sa".
 

 
img
Bà Muộn mân mê chiếc áo lính của con trai yêu quí tại buổi giao lưu
 
Sau đó, bà Muộn đã mang kỷ vật là chiếc áo hải quân của anh Sự khi bà đã cắt và may thành một tấm áo trên người. Ngay tại buổi giao lưu, bà Muộn đã mặc tấm áo trên và cho biết mỗi khi mặc tấm áo này, bà cảm giác con trai luôn ở bên mình. Ông Lanh đã giúp bà Muộn khoác tấm áo từ chiếc áo hải quân của anh Sự vào người bà.
 
Mọi người tham gia buổi giao lưu đều xúc động khi chứng kiến hình ảnh người mẹ già mân mê tà áo hải quân như chính một phần quý giá của cuộc đời mà bà đã giữ trong 25 năm nay.

img



img 

Anh hùng Nguyễn Văn Lanh (bìa phải) mặc chiếc áo của đồng đội đã hy sinh cho mẹ anh

img
 
img
Ông Lê Văn Xuân: "Con trai có về báo mộng cho tui..."

Nói về sự hy sinh của con trai mình, ông Lê Văn Xuân, cha liệt sĩ Lê Văn Sanh kể: "Sanh là con đầu của tôi (ông có 4 người con). Trước hôm nhận được tin Sanh hy sinh, tui nằm mơ thấy nó trở về, một chân bị cụt, thân hình thâm đen. Tôi hỏi thì nó nói có chi đâu ba, Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm rồi, lính Trung Quốc gắn chữ Tàu nên thân thể con như thế này. Lúc đó, tôi hoảng hồn báo gia đình, ai cũng thức giấc hết. Sáng ra thì đài phát thanh thông báo danh sách 74 chiến sĩ Trường Sa hy sinh hoặc mất tích. Tui vội vã chạy ra chỗ loa phát thanh. Lúc loa đọc tên đến số 71 vẫn chưa có tên Sanh, tui đã khấp khởi mừng. Vậy mà, đến người thứ 72 lại là nó... Lúc đó tui về báo với vợ, bả chết lịm nhiều ngày. Sau này tôi mới biết hôm đó, so sánh lực lượng với Trung Quốc thì đồng đội của Sanh ít hơn nhiều nhưng vẫn dũng cảm chiến đấu và hy sinh, trong đó có con trai tôi".
 
Bạn đọc Lê Mỹ Nhung ở Vĩnh Long: "Nếu được quay lại thời gian trước đó, bác có đồng ý để anh Sanh đi lính hải quân, ra Trường Sa?".
 
Ông Xuân thẳng thắn: "Khi Sanh chuẩn bị ra đảo thì tất cả bạn bè đều có mặt tại nhà để tổ chức một bữa liên hoan vui vẻ. Nguyện vọng của Sanh là được đi lính cả đời. Nếu được quay lại thời gian trước đó, tôi vẫn chìu theo ý của con. Nếu con tôi còn sống, tôi vẫn cho con tôi đi lính hải quân. Sanh bơi rất giỏi nên muốn được làm lính hải quân. Con trai tôi đã hy sinh vì tổ quốc, đó là một điều rất đáng tự hào. Sau này, tôi chọn ngày 26 tháng giêng làm ngày giỗ cho con trai. Vào ngày này, gia đình tôi tụ họp lứa con cháu trẻ và luôn đưa ra lời nhắc nhở làm thế nào để giữ được những gì mà các chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ biển đảo như Sanh đã làm".

img
Cựu binh Mai Xuân Hải (phải) trò chuyện với ông Nguyễn Văn Tấn, Trưởng Ban liên lạc cựu binh Trường Sa tại Đà Nẵng
 
 
img
 
Anh hùng Nguyễn Văn Lanh: Tôi không thể nào quên câu nói của anh Phương trước khi hy sinh:
"Thà hy sinh chứ không để mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của quân chủng hải quân"

img
 
img
 
Ông Hoàng Hoan (bìa phải) theo dõi loạt bài Bi hùng hải chiến Trường Sa trên Báo Người Lao Động 
 
Tham gia buổi giao lưu, có 3 cựu binh đến từ Bố Trạch - Quảng Bình. Họ là những chiến sĩ trên tàu HQ - 604, khi bị hải quân Trung Quốc bắn chìm đã trôi dạt trên biển và bị bắt giữ. Bạn đọc Nguyễn Xuân Thi (Đắk Lắk) đặt câu hỏi với các cựu binh từng bị Trung Quốc bắt giữ: "Anh Trương Văn Hiền, 1 trong 9 chiến sĩ bị TQ bắt giữ, hiện ở  Buôn Mê Thuột - Đắk Lắk. Tình cảnh của anh Hiền hiện hết sức khó khăn, vừa mất sức lao động do bị thương ở Gạc Ma, lại bị giam giữ lâu ngày ở Trung Quốc, vừa không được hưởng các chế độ chính sách. Được biết, anh Mai Xuân Hải và nhiều cựu binh trường Sa khác cũng trong tình cảnh tương tự?".

Anh Mai Xuân Hải: "Tôi bị các bệnh liên quan đến thận và gan, chỉ ở nhà và sống dựa vào vợ. Mỗi năm có 7, 8 lần đi bệnh viện nên thu nhập của vợ cũng không đủ sống. Chúng tôi rất mong có chế độ chính sách để giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Tôi không được hưởng bất cứ chế độ chính sách nào ở địa phương. Trước đây, tôi đã làm thủ tục giấy tờ để được hưởng chế độ nhưng vẫn chưa được".
 
img
Cựu binh Mai Xuân Hải

"Ông Tấn đã từng đi Trường Sa về và hiện đang là chủ của một cơ sở sửa xe máy. Ông có thể nói về những sáng kiến của mình để tổ chức những buổi gặp mặt giữa các cựu binh Trường Sa?", một bạn đọc ở Đà Nẵng hỏi.

Ông Tấn: "Khi giải ngũ, tôi cũng như những người lính khác. Ai cũng phải lăn lộn với cuộc sống để mưu sinh. Từ khi kinh tế ổn định, tôi bắt đầu nghĩ về đồng đội đã hy sinh. Vào năm 2010, tình hình biển Đông nóng lên. Lúc đó, tôi đã không nguôi nỗi nhớ đồng đội và khởi xướng quá trình tìm lại đồng đội ở Trường Sa. Chúng tôi đã thành lập Ban Liên lạc cựu binh Trường Sa lâm thời và đã tổ chức gặp mặt vào năm 2011. Ở Đà Nẵng có 9 đồng đội của tôi đã hy sinh, trong đó 7 người ở cùng phường, cùng đi học và cùng có thời thơ ấu gắn bó nên tôi không sao quên được. Tôi đã cùng đồng đội đến nhà những liệt sĩ này để thăm hỏi và thắp nhang. Đến năm này là thời điểm 25 năm sau ngày đồng đội chúng tôi hy sinh nên tôi đã chủ động tổ chức buổi giao lưu để tri ân các liệt sĩ đã hy sinh ở Trường Sa năm 1988".

Ông Tấn cho rằng dù nhiều thứ trong quá khứ có thể quên nhưng thời khắc bi hùng 14-3-1988 phải luôn nhớ mãi. Thế hệ trẻ nên lấy những tấm gương đã chiến đấu và hy sinh ở Trường Sa để sống tốt hơn và xây dựng đất nước phát triển. Ban liên lạc cựu binh Trường Sa cũng rất mong muốn giúp đỡ cho hoàn cảnh gia đình các cựu binh vượt qua những khó khăn về kinh tế để ổn định đời sống. Họ đã hy sinh một phần tuổi trẻ của mình cho biển đảo Tổ Quốc...
 

img

img

img
Các cựu binh và thân nhân gia đình liệt sĩ chăm chú theo dõi những hình ảnh Trường Sa ngày nay
 

Nhiều bạn đọc thắc mắc 25 năm nay, sau cuộc hải chiến bi hùng ở Trường Sa, các cựu binh có dịp nào trở ra thăm lại nơi mình đã gắn bó, chiến đấu một thời. Các cựu binh tham gia buổi giao lưu đều cho biết họ vẫn chưa có dịp được trở về chốn cũ dù ai cũng mong mỏi. Khi phóng viên Báo Người Lao Động giới thiệu một số hình ảnh trong những chuyến đi Trường Sa mới đây, các cựu binh không nén được xúc động và vui mừng.
 
"Trời ơi, Cô Lin giờ khang trang vậy sao?". "Khi đó cả Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao đều chỉ là những bãi đá chìm, giờ thay đổi quá..." - những cựu binh xôn xao.
 
Tại buổi giao lưu, đại diện HD Bank tại Đà Nẵng và Báo Người Lao Động đã trao tặng 8 suất quà cho gia đình liệt sĩ và cựu binh Trường Sa (2 triệu đồng/suất). Đại diện Viettel tại Đà Nẵng cũng trao tặng mỗi người một phần quà là chiếc điện thoại di động cùng sim đã kích hoạt sẵn.

img

img
 
Đại diện Viettel, HD Bank và Báo Người Lao Động trao tặng quà cho các cựu binh và thân nhân liệt sĩ
 
img
Đại diện Viettel tại Đà Nẵng cho rằng cần có thêm nhiều buổi giao lưu thiết thực, ý nghĩa như thế này


Ông Trần Đình Quang, Giám đốc Viettel tại Đà Nẵng, xúc động: "Chúng tôi là những người lính thuộc thế hệ sau này. Chúng tôi vừa có nhiệm vụ phát triển kinh tế vừa bảo vệ tổ quốc. Chúng tôi luôn biết ơn những anh hùng đã hy sinh trong cuộc chiến năm 1988. Chúng tôi cũng sẽ truyền đạt những tâm tư nguyện vọng của gia đình các liệt sĩ cũng như các cựu binh ở đây cho các thế hệ trẻ của tập đoàn Viettel. Chúng tôi cho rằng cần có thêm nhiều buổi giao lưu thiết thực, ý nghĩa như thế này của Báo Người Lao Động để bạn đọc, nhất là thế hệ trẻ, hiểu thêm về lịch sử và có ý thức với những gì lớp cha anh đã hy sinh, cống hiến".
 
img
Các cựu binh Trường Sa tái hiện "Vòng tròn bất tử" năm 1988
 
Kết thúc buổi giao lưu, trước khi chia tay, các cựu binh Trường Sa đã bồi hồi quây quần bên nhau, không biết dịp nào mới được gặp lại. Anh hùng Nguyễn Văn Lanh đột nhiên vòng qua nắm tay cựu binh Mai Thanh Hải và những người khác, thốt lên: "Cách đây 25 năm, chúng ta cũng từng làm nên những "vòng tay bất tử" như thế này trên đảo Gạc Ma để bảo vệ cờ tổ quốc". Các cựu binh chợt lặng đi, xúc động...
 
img
Bồi hồi trước khi chia tay không biết dịp nào mới gặp lại
 
Cách nay 25 năm, ngày 14-3-1988, các chiến sĩ hải quân đã anh dũng đối đầu trong cuộc chiến không cân sức với quân Trung Quốc để bảo vệ các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao... thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong cuộc chiến đó, 64 cán bộ chiến sĩ đã hy sinh. Những người còn lại tiếp tục phục vụ trong Quân chủng Hải quân hoặc trở về sống thầm lặng giữa đời thường.
 
img
Ông Xuân với những bài hát chép bằng tay của liệt sĩ Sanh
img
Kỷ vật của liệt sĩ Sanh được đồng đội mang về vẫn còn được ông Xuân lưu giữ

Nhằm mang đến cho bạn đọc những thông tin về thời khắc bi tráng 14-3-1988, về cuộc sống của các cựu binh Trường Sa sau khi giải ngũ, về hoàn cảnh của một số gia đình liệt sĩ..., ngày 13-3, Báo Người Lao Động đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề Bi hùng hải chiến Trường Sa tại TP Đà Nẵng.
 
img
Bà Muộn với chiếc áo hải quân, kỷ vật cuối cùng của con trai
 
Tham dự buổi giao lưu có một số nhân chứng từng có mặt trên con tàu lịch sử HQ-604: Anh hùng Nguyễn Văn Lanh - người xả thân giữ cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma; các cựu binh Nguyễn Văn Thống, Mai Xuân Hải, Lê Văn Đông - bị Trung Quốc bắt giữ hơn 3 năm mới được trao trả; thượng tá Hoàng Hoan, nguyên phó chỉ huy Trung đoàn Công binh 83 tăng cường ra đảo Gạc Ma năm 1988; ông Nguyễn Văn Tấn, đại diện BLL Cựu binh Trường Sa TP Đà Nẵng; bà Lê Thị Muộn, mẹ liệt sĩ Phạm Văn Sự và ông Lê Văn Xuân, cha liệt sĩ Lê Văn Sanh.
 
Đại diện Viettel tại Đà Nẵng và HD Bank cũng đến tham dự buổi giao lưu và trao quà cho các cựu binh cùng thân nhân gia đình liệt sĩ Trường Sa.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo