xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi viết về chủ quyền quốc gia lần 4: Nhớ biển

Lê Như (*)

Ngư dân chúng tôi là chủ nhân thực thụ của biển khơi. Chúng tôi biết đâu là biển trời của mình, đâu là ngư trường bao đời cha ông truyền lại mà vươn khơi, giữ gìn

Tôi sinh ra giữa lòng miền Trung, bên cảng cá Kỳ Hà, xã Tam Quan, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Những năm trước đổi mới đất nước, cuộc sống ngư dân nơi này cơ cực, quanh năm thiếu ăn thiếu mặc.

Tuổi thơ của tôi buổi đến trường, buổi ra bãi Tằm, bãi Rạng mò cua bắt ốc, lớn chút thì ra bến cảng đợi tàu về để gánh cá thuê phụ mẹ lo chuyện mưu sinh. Chuyện cá mắm, mùi vị mặn nồng của biển như ngấm vào tôi tự thuở ấu thơ và tình yêu quê hương, yêu biển cứ thế lớn dần.

Cuộc thi viết về chủ quyền quốc gia lần 4: Nhớ biển - Ảnh 1.

Con tàu từng vươn khơi cùng thuyền trưởng Phạm Hải Triều. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Mùa hè năm 1990, lúc 16 tuổi, tôi xin cha cho theo chú ra khơi. Hơn 2 ngày đêm, tàu trực chỉ đến vùng biển Hoàng Sa. Trước muôn trùng biển khơi, tôi mơ trở thành thuyền trưởng, muốn điều khiển tàu cưỡi lên từng con sóng cho thỏa mong ước. Một năm sau, khi đang học lớp 11, tôi quyết định rời xa mái trường thân yêu để thực hiện hoài bão của mình.

Tôi bắt đầu với hành trình biển khơi bằng những công việc như khuân vác đá cây, nấu cơm, vá lưới, kéo lưới… Sức hút của biển khơi thôi thúc tôi phải thạo kỹ năng làm nghề, lĩnh hội kinh nghiệm, kiến thức làm biển của những người đi bạn kỳ cựu càng nhanh càng tốt.

Năm 1992, trong một chuyến biển, tôi gặp sự cố kinh hoàng. Khi tàu ra đến ngư trường Hoàng Sa quen thuộc, cơn bão lớn Forrest bất ngờ ập đến. Những con sóng cao gần chục mét phủ ập lên tàu. Sóng càng lúc càng to, con tàu chồm lên rồi va phải rạn đá ngầm, gãy tay lái. Hai ngày một đêm tàu bập bềnh trên sóng dữ, trôi tự do, mất liên lạc, mất định vị. Khi sóng nhẹ đi, chúng tôi kìm giữ, xuôi bánh lái cho tàu theo hướng gió mới vào được Cù lao Ré, đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Mọi người ôm nhau khóc, ngỡ đã mãi nằm lại biển khơi…

Sau 5 năm, tôi thuộc nằm lòng từng bãi đá ngầm, từng đảo chìm, đảo nổi. Tôi hiểu từng con nước, từng con sóng ngọn gió mà xuôi tàu cho vững lái trước bão giông. Những người quanh năm lấy biển làm nhà như chúng tôi thuộc ngư trường của mình như lòng bàn tay, đôi khi nhìn sao trời mà đi, lượn con nước theo mùa để biết luồng cá mà đánh bắt. Nói vậy để biết rằng ngư dân chúng tôi mới là chủ nhân thực thụ của biển khơi, biết đâu là biển trời của mình, đâu là ngư trường bao đời cha ông truyền lại mà bám biển, giữ gìn.

Khi đã dạn dày kinh nghiệm và thuộc "tính nết" của biển, tôi xin cha sắm một con tàu cho riêng mình. Ở tuổi 22, tôi trở thành thuyền trưởng tàu cá trẻ nhất vùng quê nghèo. Ngày con tàu nhổ neo rú 3 hồi còi rời cảng, lòng tôi bồi hồi, hân hoan khác lạ. Bao nhiêu ước mơ, bao nhiêu khát vọng làm chủ biển khơi trong tôi nay trở thành hiện thực. Trước mặt là biển xanh mênh mông, trên đầu là bầu trời bao la, tàu kéo cờ trực chỉ Hoàng Sa - ngư trường truyền thống bao đời cha ông ta gìn giữ.

Ngày đó, vùng biển Hoàng Sa cá tôm nhiều vô kể. Tùy theo mùa và con nước, tàu đi 2 ngày 2 đêm là đến ngư trường quen thuộc. Quá trưa, khi chọn được vị trí và tọa độ, tôi dừng tàu thả neo cho anh em ăn trưa rồi nghỉ ngơi. Tôi thăm dò luồng cá, kiểm tra dàn lưới và ngư cụ để đêm xuống đánh bắt.

Kỷ niệm nhớ nhất đời ngư dân của tôi là trong một chuyến đi biển, tàu ra đến ngư trường Hoàng Sa khoảng 11 giờ. Khi anh em vừa ăn cơm trưa xong, chưa kịp nghỉ ngơi thì gió nổi lên, mây đen từ đâu kéo đến vần vũ, bầu trời tối mịt. Tôi linh cảm đây là hiện tượng lạ của biển khơi. Ngay lúc đó, tôi phát hiện luồng cá ngừ hàng chục tấn đang vây quanh tàu, nổi đen mặt nước. Tôi giục anh em bủa lưới. Từ 12 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, chúng tôi phải nhờ tàu bạn hỗ trợ mới bắt hết luồng cá ngừ gần trăm tấn lên tàu quay về đất liền. Đây là lần đầu tiên tôi gặp hiện tượng này và cũng là lần duy nhất trong đời đi biển, tàu tôi đánh cá ban ngày và được lộc biển đãi.

Cuộc thi viết về chủ quyền quốc gia lần 4: Nhớ biển - Ảnh 3.

Thuyền trưởng Phạm Hải Triều. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Nghề biển rất vui nhưng hiểm nguy không kể hết. Cuộc sống ngư dân chúng tôi vô cùng vất vả, lênh đênh theo con sóng. Có một điều đáng lo hơn sóng, bão, đòi hỏi ngư dân phải vững tin, vượt qua để bám biển. Đó là những bất đồng trên biển, lợi ích của ngư dân, chủ quyền của quốc gia bị xâm phạm. Đó là tàu nước ngoài có lúc ngang ngược, lộ rõ bản chất hung hăng, muốn xâm chiếm, cướp cá tôm, ngư lưới cụ và phá hoại tàu thuyền của ngư dân ta. Những lúc như thế, chúng tôi liên kết lại, nhìn những lá cờ đỏ sao vàng rợp cả một vùng biển khơi mà vững tâm bám biển, làm chủ ngư trường bao đời của cha ông mình truyền lại.

Vượt qua phong ba bão tố, vững tin cùng ngư dân vươn khơi nhưng căn bệnh dạ dày mạn tính hành hạ, buộc tôi phải tạm xa biển từ năm 2018. Con tàu mạnh mẽ ngày nào cùng tôi cưỡi sóng gió vươn khơi giờ phải nằm yên trên bến. 28 năm gắn bó với biển, 23 năm là thuyền trưởng, tôi chưa từng nghĩ tới cảnh này.

Và, như ước mơ của cậu học sinh lớp 11 từ 22 năm trước, tôi mong một ngày nào đó, sức khỏe cho phép mình sẽ lại vươn khơi, trở lại Hoàng Sa thân yêu - chủ quyền bất khả xâm phạm của Tổ quốc. 

(*) Viết theo lời kể của cựu thuyền trưởng Phạm Hải Triều

Cuộc thi viết về chủ quyền quốc gia lần 4: Nhớ biển - Ảnh 5.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo