Trước đó không lâu, phim "Barbie" đã bị Cục Điện ảnh Việt Nam cấm chiếu do có hình ảnh "đường lưỡi bò" xuất hiện.
Mới đây nhất, Cục Điện ảnh yêu cầu Netflix và FPT Play gỡ phim "Hướng gió mà đi" (Flight to you) vì kết quả kiểm tra phim này, hình ảnh "đường lưỡi bò" đã xuất hiện trên bản đồ trong nhiều cảnh phim.
Riêng nghi vấn Công ty TNHH Âm nhạc IME - đơn vị tổ chức đêm nhạc BlackPink đã ủng hộ "đường lưỡi bò" thì Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang xác minh.
Chúng ta thấy gì qua những diễn biến này?
Luật pháp quốc tế và dư luận tiến bộ thế giới không bao giờ công nhận bản đồ "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc tự vẽ ra để "chiếm trọn biển Đông". Việt Nam trên tất cả các diễn đàn trong và ngoài nước luôn thể hiện lập trường nhất quán không thừa nhận sự tồn tại của cái gọi là "bản đồ đường lưỡi bò" phi pháp này.
Lịch sử chứng minh qua nhiều thời kỳ, Việt Nam đã xác lập chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. "Đường lưỡi bò" vì thế chỉ là trí tưởng tượng vô vọng và phi pháp. Nó mãi không thể thay đổi sự thật về chủ quyền của Việt Nam với những vùng đất từng ghi dấu máu xương của người Việt qua nhiều thế hệ, Hoàng Sa-Trường Sa.
Việc bộ phim "Barbie" bị cấm chiếu ở Việt Nam do có bản đồ "đường lưỡi bò" xuất hiện đã cho thấy cơ quan chức năng Việt Nam có hành động đúng trước bất kỳ động thái nào xâm phạm đến vấn đề chủ quyền quốc gia. Dư luận cũng đang trông chờ cơ quan quản lý có động thái tương tự, thể hiện tính nghiêm minh, kiên quyết với Công ty IME - đơn vị tổ chức đêm nhạc cho BlackPink vì đã treo bản đồ "đường lưỡi bò" trên website của họ.
Với Netflix - một nền tảng phim trực tuyến đang xác lập sự có mặt tại thị trường Việt Nam, cần thượng tôn pháp luật sở tại. Netflix vì thế phải thành thật, thể hiện trách nhiệm của họ, phải cam kết không để tái diễn những hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam khi chiếu những bộ phim có xuất hiện "đường lưỡi bò".
Việc đại diện FPT Play giải thích với truyền thông rằng "đã làm mờ, cắt bỏ" những nội dung không phù hợp càng cho thấy sự dễ dãi trong nhận thức chung của họ trước vấn đề chủ quyền biển đảo. Trong khi đó, có hay không sự lỏng lẻo của bộ phận kiểm duyệt để bộ phim này chiếu dài tập trên FPT Play thời gian qua cũng cần được làm rõ trách nhiệm về sự khinh suất "chết người" trong công tác quản lý phim ảnh.
Người Việt Nam dù ở bất kỳ cương vị nào cũng không được phép nhân nhượng, dễ dãi trước vấn đề thuộc chủ quyền quốc gia. Hành động vươn khơi bám biển đầy cảm kích của bà con ngư dân 28 tỉnh, thành có biển, trở thành những cột mốc chủ quyền, xác lập sự có mặt của người Việt trên vùng biển của mình thật đáng để chúng ta suy ngẫm.
Câu chuyện của cha con ngư dân "Sói biển" Mai Phụng Lưu đã đối diện với bao hiểm nguy tính mạng, tán gia bại sản nhưng vẫn kiên cường trước đầu sóng ngọn gió, vừa mưu sinh, vừa thể hiện sự quyết tâm khẳng định chủ quyền biển đảo Hoàng Sa gây biết bao cảm kích, xúc động cho người Việt.
Đó là bài học về lòng yêu nước, nhận thức đúng đắn về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc!
Vì vậy, đừng nghĩ "đường lưỡi bò" thoáng qua trong khoảnh khắc nào đó mà khinh suất, chủ quan.
Vì vậy, những ai đặt lợi ích cá nhân, lợi ích kinh tế lên trên chủ quyền biển đảo thì phải xử lý đến nơi đến chốn.
Bình luận (0)