Giám đốc nhân sự một doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn quận 1, TP HCM vừa cho biết công ty muốn chấm dứt hợp đồng lao động với một số nhân viên không hoàn thành nhiệm vụ. Thế nhưng, do công ty không có nội quy lao động nên “giờ không biết xử sao?”. Rắc rối hơn, công ty sử dụng hơn 200 lao động nhưng chưa có tổ chức Công đoàn nên việc xây dựng, ban hành nội quy lao động không thể thực hiện ngay được để xử lý các trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ.
Dở khóc, dở cười
Người lao động khiếu nại đến các cơ quan chức năng vì doanh nghiệp xử lý tùy tiện Ảnh: BẢO NGHI
Dù Bộ Luật Lao động quy định DN có từ 10 lao động trở lên phải xây dựng nội quy lao động và đăng ký với cơ quan lao động địa phương nhưng trên thực tế, nhiều DN bỏ lơ quy định này. Đến khi “đụng chuyện”, không thể xử lý được thì mới lúng túng, chạy đi tham vấn ý kiến cơ quan chức năng.
Nhiều năm làm việc trong lĩnh vực nhân sự, anh Nguyễn Hữu Ánh Dương - ngụ huyện Bình Chánh, TP HCM - cho biết ngay cả trong những công ty lớn, có nội quy rất chặt chẽ nhưng khi gặp chuyện cũng khó xử, huống gì những bản nội quy chung chung. “Đơn cử như trường hợp công ty quy định không được tiết lộ thu nhập của nhân viên. Lần đó, cô kế toán đánh máy sai bảng lương nhưng không hủy mà lại vứt vào thùng rác. Chị lao công nhặt được, thế là cái bảng lương bị lộ ra. Cô kế toán làm lộ bí mật tiền lương của nhân viên là sai quy định nhưng công ty lại không có quy định nào về hành vi không hủy giấy tờ sai nên không thể xử lý” - anh Dương dẫn chứng.
Lần khác, một anh nhân viên được giao tiền tổ chức sự kiện cuối năm cho công ty. Anh này cầm một cục tiền hứng chí xòe ra chụp tấm ảnh đăng lên Facebook với nội dung nghịch ngợm: “Cuối năm được thưởng có gần bảy chục, biết ăn Tết sao đây?”. Giám đốc biết chuyện, nổi giận đòi xử lý kỷ luật. “Nhưng nói vậy thôi chứ làm sao mà xử lý được khi công ty không hề có quy định về hoạt động của nhân viên trên Facebook và mạng xã hội nói chung” - anh Dương nêu.
Không thể xử lý vì thiếu nội quy
Theo luật sư Nam Giao, Công ty TNHH MTV Luật Nam Giao, nhiều DN không chú trọng đến nội quy lao động, đến khi xảy ra sự việc thì không có căn cứ để xử lý. Cũng có nhiều DN xây dựng nội quy chung chung, mơ hồ, chủ yếu để đối phó với cơ quan chức năng.
“Thực tế, xây dựng một bản nội quy đúng nghĩa là một quá trình phức tạp, cần trình độ pháp lý cao và phải thường xuyên được cập nhật. Thậm chí, mỗi loại DN phải có nội quy riêng. Chẳng hạn như DN tư nhân thì xây dựng khác công ty nhà nước, những công ty con phải quy định phù hợp với nội quy của công ty mẹ; trường hợp công ty mẹ ở nước ngoài thì chỉ áp dụng những nội dung phù hợp với pháp luật Việt Nam” - luật sư Giao nhấn mạnh.
Phổ biến nhất hiện nay, theo luật sư Nam Giao, là mục giữ bí mật thông tin - công nghệ - kinh doanh của công ty. Hầu như công ty nào hiện nay cũng đưa quy định này vào nội quy và buộc ký cam kết. Tuy nhiên, sau đó lại không quy định cụ thể cái gì là bí mật công nghệ, kinh doanh và vi phạm sẽ bị xử lý như thế nào nên cũng không áp dụng được.
Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật - LĐLĐ TP HCM, lại cảnh báo một nguy cơ khác. “Một thực tế đặc biệt phải lưu ý hiện nay là trong rất nhiều DN nhà nước; thậm chí các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức, hiệp hội… ngày càng sử dụng nhiều lao động hợp đồng, tức là phải áp dụng pháp luật lao động. Tuy nhiên, nhiều đơn vị dạng này vẫn xây dựng nội quy sơ sài, ẩn chứa rất nhiều nguy cơ tranh chấp về sau. Vừa qua, UBND TP cũng đã có văn bản quy định phân cấp đăng ký nội quy lao động, trong đó yêu cầu tất cả các loại hình đơn vị này đều phải đăng ký nội quy lao động theo từng cấp phù hợp” - ông Triều nhấn mạnh.
Anh Nguyễn Hữu Ánh Dương cho rằng để xảy ra tranh chấp, khiếu nại thì bên nào cũng phiền; người lao động kiện tụng mãi, công ty cũng khó làm ăn. Thực tế, khi được giải thích thỏa đáng, người lao động sẽ hiểu, chấp hành.
Bình luận (0)