Theo hợp đồng đã ký, anh N.T.D vào thử việc tại Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Great Eastern Việt Nam (quận 1, TP HCM) 2 tháng, từ ngày 3-9-2013 đến hết ngày 2-11-2013. Hết thời hạn thử việc, công ty không tiến hành ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) nhưng anh D. vẫn đi làm bình thường và nhận lương đầy đủ. Ngày 28-11-2013, công ty thông báo anh D. thử việc không đạt yêu cầu và 2 ngày sau đã ra quyết định chấm dứt tuyển dụng. Cho rằng công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, anh D. khởi kiện ra TAND quận 1, TP HCM. Tại phiên xử sơ thẩm mới đây, kết luận của hội đồng xét xử (HĐXX) khiến anh D. và những người tham dự không khỏi bất ngờ.
Được phép thử việc 3 tháng?
Anh N.T.D cho biết sau thời gian thử việc, anh nhận được bản đánh giá thử việc đạt yêu cầu có chữ ký xác nhận của trưởng các bộ phận huấn luyện, tuyển dụng - huấn luyện đại lý và phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh của công ty (ký vào các ngày 4, 12 và 27-11). “Thế nhưng, ngày 28-11-2013, công ty lại đưa ra một bản đánh giá thử việc khác kết luận tôi không đạt yêu cầu, đồng thời đưa ra nhiều lý do không xác đáng để buộc tôi bàn giao và nghỉ việc ngay lập tức” - anh D. bức xúc.
Tại tòa, đại diện Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Great Eastern Việt Nam biện bạch rằng khi hết thời gian thử việc (cuối tháng 10-2013), anh D. được đánh giá không đạt yêu cầu. Tuy nhiên, cấp trên trực tiếp của anh D. gợi ý nếu anh muốn thử sức thêm thì sẽ xin công ty kéo dài thời gian thử việc và anh D. đồng ý. Thời điểm đó, gia đình anh D. có tang nên công ty chưa thực hiện các thủ tục cần thiết theo thỏa thuận giữa hai bên. Khi thời gian thử việc thêm kết thúc, anh D. vẫn không đạt yêu cầu nên công ty cho nghỉ.
Căn cứ vào những tình tiết trên, HĐXX TAND quận 1 nhận định: Hết thời hạn thử việc, do anh D. không đạt yêu cầu nên công ty không ký HĐLĐ. Việc công ty thông báo chấm dứt thử việc đối với anh D. là thực hiện đúng điều 29 Bộ Luật Lao động (BLLĐ). Mặt khác, do các bên chưa ký HĐLĐ nên quyền và nghĩa vụ không phát sinh, vì vậy không có cơ sở giải quyết yêu cầu bồi thường của anh D.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, cho rằng lập luận trên của HĐXX là thiếu căn cứ bởi theo quy định tại điều 27, thời hạn thử việc đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên là không quá 60 ngày. Anh D. ký hợp đồng thử việc từ ngày 3-9-2013 đến ngày 2-11-2013 nhưng tới ngày 28-11-2013, công ty mới thông báo chấm dứt thử việc là trái quy định. Chưa hết, dù giữa hai bên chưa giao kết HĐLĐ nhưng hết thời hạn thử việc, công ty vẫn để anh D. tiếp tục làm là đã hình thành quan hệ lao động giữa các bên. “Việc công ty chấm dứt hợp đồng thử việc với anh D. được xem là đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật do không đáp ứng các lý do theo luật định và tuân thủ thời hạn báo trước” - luật sư Hậu khẳng định.
Khó hiểu
Cũng nhận được phán quyết kỳ lạ của tòa là anh L.P.P (ngụ quận 10, TP HCM). Anh P. vào làm việc tại Công ty Hoàng Vĩnh Kim (quận 12, TP HCM) từ ngày 20-2-2013 nhưng không được ký HĐLĐ, đóng BHXH. Sau 1 năm làm việc, giữa anh và công ty phát sinh tranh chấp do công ty không thanh toán tiền tăng ca và tiền phép năm. Khi anh P. khiếu nại, công ty mới yêu cầu ký HĐLĐ với nhiều điều khoản bất lợi nên anh không đồng ý. Ngày 17-2-2014, anh P. bị công ty “cấm cửa” không cho vào làm việc.
Sau khi các cơ quan chức năng quận 12 can thiệp, 1 tuần sau, công ty yêu cầu anh P. trở lại nhưng không bố trí công việc mà bắt ngồi chờ ở phòng bảo vệ. Ngày 4-3, công ty tiếp tục yêu cầu ký bản HĐLĐ với những điều khoản bất hợp lý nên anh không chấp thuận. “Ngày 6-3, công ty ra thông báo vì tôi không đồng ý ký HĐLĐ nên sẽ không có trách nhiệm phân công công việc và trả lương cho tôi, đồng thời yêu cầu tôi không được đến công ty để tránh ảnh hưởng trật tự và hoạt động kinh doanh của công ty” - anh P. cho biết.
Cho rằng công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, anh P. đã khởi kiện ra TAND quận 12, TP HCM.
Trong đơn khởi kiện, anh P. yêu cầu công ty phải trả lương cho những ngày không được làm việc (từ ngày 6-3-2014 đến ngày xét xử). Thế nhưng theo HĐXX, trước khi xảy ra tranh chấp giữa hai bên chưa ký một bản HĐLĐ nào. Bản dự thảo HĐLĐ (ngày 21-2-2014) do công ty đưa ra đề nghị anh P. ký kết có thời hạn 1 năm (kể từ ngày 20-4-2013 đến 19-4-2014) nên chỉ có cơ sở để xác định hai bên có dự kiến thỏa thuận HĐLĐ xác định thời hạn 1 năm. Từ lập luận trên, tòa tuyên buộc công ty bồi thường cho anh P. tiền lương những ngày không được làm việc tính đến ngày kết thúc HĐLĐ thời hạn 1 năm (ngày 19-4-2014).
“Tôi làm việc tại công ty trước khi BLLĐ năm 2012 (sửa đổi) có hiệu lực. BLLĐ trước đó không quy định rõ sau khi hết thời gian thử việc mà không được ký HĐLĐ thì sẽ tương ứng với loại hợp đồng nào nên nhận định đó là HĐLĐ thời hạn 1 năm của tòa gây thiệt thòi cho tôi” - anh P. ngao ngán.
Bình luận (0)