Mới đây, bà Hà Thị Minh Đức – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ LĐ-TB-XH - khi phát ngôn trên báo chí có nêu dẫn chứng về thực trạng kém ý thức của lao động Việt ở nước ngoài nên bị "mất giá".
Đủ kiểu "mất giá"
Đó là lao động nam giới Việt Nam ngồi với nhau kiểu gì cũng bài bạc, rượu chè. Họ sang Malaysia làm cho chó, mèo của người ta biến mất hết, ngay cả chim chóc cũng bị nấu thành cháo.
Có thể đó không phải là thực trạng chung cho tất cả lao động Việt ở nước ngoài nhưng đáng để lưu tâm về chất lượng lao động Việt trong khi Bộ LĐ-TB-XH đang đẩy mạnh chiến lược xuất khẩu lao động từ nguồn lực là các cử nhân thất nghiệp.
Câu chuyện mà bà vụ phó đưa ra cho thấy, ý thức chấp hành pháp luật, tính kỷ luật của người lao động Việt Nam cần phải tiếp tục cải thiện. Cũng nên nhắc lại, cách đây đúng hai năm, tháng 7-2015, gần 4.000 lao động Việt Nam làm việc ở lĩnh vực bảo vệ, vệ sĩ tại Các Tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) đã bị chấm dứt hợp đồng trước hạn mà nguyên nhân chính là do hay tụ tập nhậu nhẹt rồi đánh nhau, gây mất trật tự công cộng. Trong chuyện này, có thể thấy việc xem nhẹ khâu tuyển chọn, đào tạo, giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đi xuất khẩu lao động sẽ dẫn đến chuyện "mất giá" của lao động Việt nếu xảy ra những chuyện không giống ai.
Như nhận định của TS. Lê Đăng Minh (Đại học Văn Hiến), sự chuẩn bị kiến thức, kỹ năng và thái độ cũng như tâm lý để sẵn sàng sang làm việc tại các nước ASEAN của lao động Việt chưa cao. Ngoài vấn đề ý thức kỷ luật, một điểm "mất giá" khác của lao động Việt khi tham gia xuất khẩu là ngoại ngữ kém. TS. Minh cho biết, khả năng sử dụng tiếng Anh của các ứng viên Việt Nam có điểm trung bình là 5,78 (hệ thống kiểm tra sự thành thạo tiếng Anh quốc tế thang điểm từ 0 – 9 theo Tổ chức thực hiện thi IELTS), thuộc nhóm trung bình thấp, đứng sau Malaysia (6,64), Philippines (6,53), Indonesia (5,79).
Phải thấy rằng, dù hằng năm gửi về nước khoảng 1,7 – 2 tỉ USD từ số hơn 500.000 lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài nhưng không hãnh diện gì khi lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật vẫn chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn. Và hiện nay, vấn đề xuất khẩu lao động trở nên "nóng" hơn với đề án hơn 1.300 tỷ đồng của Bộ LĐ-TB-XH để đưa khoảng 57.000 lao động chất lượng cao đi lao động ở nước ngoài từ nay tới năm 2025.
Người lao động học ngoại ngữ trước khi đi xuất khẩu lao động. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Đề án này được cho là nhằm mục tiêu đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật ra nước ngoài làm việc, giảm áp lực nguồn cung việc làm trong nước, giảm tỷ lệ thất nghiệp của một bộ phận sinh viên ra trường.
Khi nào "có giá"?
Tuy nhiên, vẫn có nhiều băn khoăn về chất lượng đội ngũ cử nhân thất nghiệp khi đưa đi xuất khẩu lao động. Gs. Nguyễn Đăng Hưng từng bày tỏ lo ngại, sẽ không dễ gì đẩy các cử nhân thiếu trình độ này ra nước ngoài vì sau khi phỏng vấn hay kiểm tra trắc nghiệm, họ sẽ không được nhận hay phải được đào tạo lại. Các xí nghiệp sẽ phải chuẩn bị kinh phí phụ trội và họ sẽ rất đắn đo khi lên kế hoạch này.
Còn với những ý kiến đề xuất xuất khẩu gần 25.000 tiến sĩ và hơn 110.000 thạc sĩ của Việt Nam sang các nước làm việc, GS. Hưng mỉa mai, đó là một tình huống oái ăm, quái gở. "Sau bao năm tiêu tốn ngân sách quốc gia đào tạo vội vã bất kể chất lượng bậc thạc sĩ và tiến sĩ, nay thấy hàng dỏm không sử dụng được lại muốn đẩy ra nước ngoài. Nhưng than ôi, đã là hàng dỏm thì ma nào chịu xài?"- GS. Hưng chua xót nói.
Không phải vô cớ mà GS. Hưng có những nhận định như vậy, nhất là khi số lượng cử nhân, thạc sĩ đang thất nghiệp khá cao, khoảng 220.000 người. Dư luận đã đặt vấn đề rằng Đề án của Bộ LĐ-TB-XH là một ý tưởng hay, nhưng con số 54.000 cử nhân sẽ xuất khẩu lao động so với 220.000 cử nhân thất nghiệp là quá nhỏ. Chưa kể, hàng năm, cả nước ra đời thêm một lớp cử nhân chưa rõ chất lượng như thế nào, tương lai công việc ra sao trong bối cảnh nở rộ các trường đại học. Đây là bài toán hóc búa cho Bộ LĐ-TB-XH trước câu chuyện "cử nhân thất nghiệp".
Trong báo cáo nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế Việt Nam của Ban Kinh tế Trung ương và USAID, khi bàn về vốn nhân lực, cho biết trong số 31 quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đứng thứ 6 về vốn nhân lực. Trong hai lĩnh vực giáo dục và việc làm, thứ hạng về giáo dục của Việt Nam xếp cao hơn so với việc làm. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động có kỹ năng trung bình và thấp ở Việt Nam khá cao so với các quốc gia cùng trình độ phát triển kinh tế, chính điều này làm giảm chất lượng vốn nhân lực của Việt Nam.
Giới chuyên gia nhận định, nếu vốn nhân lực là rào cản lớn cho sự phát triển kinh tế của các tỉnh và thành phố, việc nâng cao vốn nhân lực sẽ mang lại tăng trưởng cao. Nếu vốn nhân lực chất lượng thấp và sự thiếu hụt lao động kỹ năng cao đang là vấn đề lớn nhất với doanh nghiệp, cần quan sát được bằng chứng cho thấy doanh nghiệp đang phải chi trả rất lớn để giải quyết khó khăn này. Trong vấn đề "mất giá" của xuất khẩu lao động Việt, giới chuyên gia khuyến nghị, giải pháp căn bản và lâu dài nhất là phải đầu tư nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt. Và điểm mấu chốt mà lao động Việt cần chuẩn bị các điều kiện khác ngoài kỹ năng chuyên môn chính là: Phải phá vỡ rào cản ngôn ngữ.
Đồng thời các lao động Việt phải chuẩn bị kiến thức, kỹ năng và thái độ cũng như trạng thái tâm lý để sẵn sàng di chuyển ra nước ngoài. Hơn nữa, phải sẵn sàng thích ứng với môi trường làm việc mới.
Điều tối thiểu là phải coi trọng kỷ luật lao động, ý thức tuân thủ pháp luật cũng như cường độ lao động cao. Điều này đồng nghĩa với chuyện nhậu nhẹt, đánh nhau, bắt mèo, chó của một số lao động Việt nên sớm chấm dứt ngay từ bây giờ.
Bình luận (0)