xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cái nghèo làm teo con chữ (*): Ngành giáo dục ít quan tâm

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nhiều địa phương đã dừng hẳn công tác xóa mù chữ cho người lớn từ lâu, thậm chí không còn nắm được chính xác số liệu này

Ngành giáo dục tỉnh Phú Yên xác định những người lớn mà bị mù chữ thì đành chấp nhận vì không thể vận động ra lớp.

Trên 30 tuổi thì bó tay!

Ông Nguyễn Văn Tá, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Phú Yên, cho biết địa phương này còn không ít người mù chữ, chủ yếu là lớn tuổi nhưng công tác xóa mù chữ (XMC) đã dừng lại từ năm 2008. “Mình đâu vận động được ai nữa mà mở lớp. Những người mù chữ trên 30 tuổi thì bó tay nên công tác này phải dừng lại thôi” - ông Tá nói.

Ngư dân Trần Tai (55 tuổi, ngụ xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã biết đọc, viết sau khi tham gia lớp xóa mù chữ Ảnh: QUANG NHẬT
Ngư dân Trần Tai (55 tuổi, ngụ xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã biết đọc, viết sau khi tham gia lớp xóa mù chữ Ảnh: QUANG NHẬT

Theo ông Tá, ngành giáo dục tỉnh đang tập trung phổ cập giáo dục tiểu học để ngăn tình trạng mù chữ từ xa. Một khi 100% trẻ em đều tốt nghiệp lớp 5 đúng độ tuổi, tình trạng mù chữ sẽ không còn tái diễn.

“Từ năm 2008, tỉnh Phú Yên đã được Bộ GD-ĐT công nhận phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Nghĩa là đến bây giờ, ở lứa tuổi từ 17 trở lại, không còn ai bị mù chữ. Nhưng để được chừng ấy cũng cực lắm!” - ông Tá chia sẻ.

Để giữ vững thành tích, ông Tá cho biết ở mỗi trường tiểu học dù trong năm chỉ một học sinh bỏ học giữa chừng cũng buộc phải vận động ra lớp trở lại, nếu không thì trường sẽ không được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Trường không được công nhận đồng nghĩa với việc tỉnh cũng mất danh hiệu.

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, năm 2013, toàn tỉnh có 4.033 người trong diện XMC (độ tuổi từ 15-35) nhưng trong năm chỉ xóa mù được cho 644 người do có đến 3.369 người thuộc diện miễn, giảm (bị bệnh, tàn tật…).

Ông Nguyễn Luận, Phó trưởng Phòng Giáo dục thường xuyên - chuyên nghiệp thuộc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, cho hay sở đang yêu cầu phòng giáo dục các huyện, thành phố thống kê số người mù chữ để lên kế hoạch triển khai XMC. Ông Luận nhận định theo nghị định Thủ tướng vừa ban hành, đối tượng XMC được mở rộng đến độ tuổi 60. Vì vậy, số người mù chữ trên địa bàn dự kiến cao gấp nhiều lần hiện nay.

Mù chữ nhiều do lỗi phần mềm

Trong kế hoạch thực hiện đề án XMC đến năm 2020, UBND tỉnh An Giang đã thành lập Ban Chỉ đạo “Xây dựng xã hội học tập và phổ cập giáo dục - chống mù chữ tỉnh An Giang” (gọi tắt là BCĐ) do phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban.

Theo BCĐ, sau khi An Giang được công nhận XMC vào năm 1998, BCĐ các cấp không tiến hành cập nhật số liệu XMC hằng năm nên chưa nắm được tỉ lệ người dân mù chữ cũng như không tổ chức các lớp học ngoài nhà trường cho những người chưa biết chữ hoặc có nguy cơ tái mù chữ.

Mặt khác, do nhận thức của người dân và cả chính quyền địa phương còn hạn chế, chưa thấy hết lợi ích của việc biết chữ nên hầu hết chính quyền các cấp đều buông lỏng trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác chống mù chữ.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Trưởng Phòng Giáo dục trung học thuộc Sở GD-ĐT tỉnh An Giang, thừa nhận công tác XMC cho người dân trong độ tuổi từ 15-60 đang bỏ ngỏ. Do đó, sở sẽ phối hợp cùng Cục Thống kê tỉnh mở các đợt tập huấn điều tra số liệu người mù chữ cho các địa phương. Sau đó, Vụ Giáo dục thường xuyên của Bộ GD-ĐT cũng sẽ tổ chức tập huấn về chuyên môn cho cán bộ làm công tác dạy học ở các lớp đặc biệt này.

Theo số liệu thống kê đến hết tháng 12-2013 của Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh có trên 42.000 người mù chữ (tính từ 15-60 tuổi). Trong đó, 3.400 người trong độ tuổi từ 15-25, 7.094 người từ 26-35 tuổi, 27.713 người từ 36-60 tuổi. Khu vực miền núi có 21.487 người, tập trung nhiều ở các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước, Thường Xuân; miền xuôi có 15.702 người; thành phố, thị xã có 1.018 người mù chữ.

Đáng báo động, riêng huyện Hậu Lộc đã có trên 6.000 người mù chữ và tái mù chữ. Ông Hoàng Viết Tuân, Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Hậu Lộc, phân trần rằng số liệu 6.875 người mù chữ của huyện là do lỗi phần mềm thống kê của Bộ GD-ĐT có vấn đề.

“Đây là sai sót do lỗi kỹ thuật nên chúng tôi đã kiểm tra, rà soát lại thì thấy Hậu Lộc chỉ có 3.310 người mù chữ, trong đó từ 15-60 tuổi có 1.333 người, còn từ 60 tuổi trở lên có gần 2.000 người. Chúng tôi đã báo cáo sở để điều chỉnh lại con số” - ông Tuân nói.

Ông Tuân khẳng định số người mù chữ cao do lịch sử để lại, nhiều người cao tuổi trước kia không được học nên mù chữ rất nhiều. Những đối tượng này giờ không thể vận động đến lớp phần vì họ đã quá cao tuổi và không mặn mà học chữ.

Trong khi đó, ông Lương Đức Hạnh, Trưởng Phòng Giáo dục thường xuyên thuộc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, cho hay với một tỉnh có dân số đông như Thanh Hóa thì số người mù chữ và tái mù chữ trên còn thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình của cả nước. “Những người mù chữ chỉ rơi vào các trường hợp đặc biệt như bị tàn tật, dị tật hoặc những người đã nhiều tuổi, không bao giờ sử dụng từ ngữ để giao tiếp” - ông Hạnh nói.

Kỳ tới: Xóa mù chữ cho đến hết đời

An Giang: Dự chi 3,7 tỉ đồng để điều tra, tập huấn

Hiện An Giang đã lập xong kế hoạch thực hiện đề án XMC và đã được lãnh đạo tỉnh phê duyệt. Theo đó, nguồn kinh phí thực hiện cho công tác điều tra, tập huấn vào khoảng 3,7 tỉ đồng. Tuy nhiên, do trục trặc về mặt thủ tục nên công tác này tạm thời dừng lại để chỉnh sửa cho phù hợp.

“Chúng tôi hy vọng công tác điều tra, tập huấn sẽ hoàn thành trong năm nay để bước sang năm 2015, sở sẽ triển khai dạy học cho kịp với tiến độ đề ra trong kế hoạch” - ông Nguyễn Quốc Khanh, Trưởng Phòng Giáo dục trung học thuộc Sở GD-ĐT tỉnh An Giang, hy vọng.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo