Hai tháng trở lại đây, lượng du khách Trung Quốc đổ về Quảng Ninh qua cửa khẩu Móng Cái đông chưa từng có. Du khách chen chúc xếp hàng dài cả cây số đợi làm thủ tục xuất nhập cảnh tại cửa khẩu Đông Hưng - Trung Quốc.
“Chăn dắt” du khách
Trước đây, trung bình mỗi tháng, cửa khẩu Móng Cái đón khoảng 5.000-7.000 lượt du khách đến từ Trung Quốc làm thủ tục nhập cảnh. Thời gian gần đây, số lượng du khách Trung Quốc đã tăng đột biến. Ngày cao điểm, có đến hơn 15.000 lượt khách làm thủ tục nhập cảnh Việt Nam để tham gia “tour 0 đồng”. Đây là tour mà công ty đón khách không thu bất kỳ chi phí nào, thậm chí trả tiền ngược lại cho phía gửi khách. Hiện tượng này còn được gọi là “mua đoàn”.
Bà Lê Vàng, Vụ Thị trường - Tổng cục Du lịch, cho hay để giành giật khách, không ít công ty du lịch sẵn sàng “mua đoàn” với mức bù giá trên trời. Để bù lại phần chi phí đầu vào - gồm khách sạn, nhà hàng, phương tiện vận chuyển và phí visa - các công ty du lịch sẽ thu tiền bằng cách “chăn dắt” khách qua việc đi mua sắm với giá trên trời hay bán thêm các chương trình, dịch vụ tại điểm đến.
Bên lề cuộc tọa đàm “Nâng cao hình ảnh du khách Việt” được tổ chức ngày 9-4 tại Hà Nội, ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, khẳng định việc đưa du khách vào điểm mua sắm rồi từ đó lấy hoa hồng để trả lại cho “tour 0 đồng” là hoàn toàn bất lợi cho du khách. “Việc du khách trả tiền trực tiếp cho cửa hàng với giá cắt cổ không chỉ thiệt hại cho họ mà còn làm nhà nước thất thu thuế, gây tổn hại cho ngân sách địa phương và cả quốc gia. Mặt trái thấy rõ” - ông Chung nhấn mạnh.
Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, trách nhiệm của ngành du lịch là bảo vệ du khách và nghiêm cấm việc này. “Chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương, nhất là tỉnh Quảng Ninh, xử phạt một loạt doanh nghiệp (DN) du lịch, các cửa hàng bán giá cao cho khách Trung Quốc” - ông Chung cho biết.
Ứng xử phù hợp
Trước tình trạng này, mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm chấn chỉnh hình thức kinh doanh du lịch “tour 0 đồng”, bảo vệ hình ảnh, uy tín của du lịch Việt Nam.
Ông Ngô Hoài Chung cho biết sau khi Thủ tướng chỉ đạo, Tổng cục Du lịch đã có văn bản gửi các địa phương yêu cầu rà soát, chấn chỉnh tình trạng này. Tổng cục Du lịch cũng đã cùng Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức đoàn công tác trực tiếp đến các điểm nóng du lịch của Quảng Ninh để kiểm tra, đánh giá, xử phạt các DN vi phạm. “Tỉnh Quảng Ninh đã quyết liệt đình chỉ hàng loạt cửa hàng chỉ bán cho khách Trung Quốc mà không bán cho khách Việt Nam, tước giấy phép các DN lữ hành bắt chẹt khách” - ông Chung thông tin.
Tuy nhiên, ông Chung cũng cho rằng cần có những ứng xử phù hợp với “tour 0 đồng”. “Với những tour mang tính chất lừa đảo, chụp giật, bắt chẹt du khách thì phải kiên quyết xử lý. Nhưng với những tour mà DN trong nước và nước ngoài có hợp đồng chặt chẽ, chia sẻ quyền lợi với nhau, chất lượng du lịch bảo đảm, nhất là trong mùa thấp điểm, thì chúng ta cũng nên có ứng xử phù hợp” - ông Chung bày tỏ.
Theo ông Chung, xét về khía cạnh điểm đến, nhìn nhận một cách khách quan, tour giá rẻ hay “tour 0 đồng” vẫn tạo ra việc làm cho người dân và nguồn thu trực tiếp cho chính quyền, DN địa phương. Vào mùa cao điểm, nhu cầu du lịch tăng cao, các công ty gửi khách không cần giảm giá tour đến mức thấp nhất. Ngược lại, vào mùa thấp điểm, những tour này lại góp phần bổ sung một lượng khách nhất định, bảo đảm duy trì ổn định các đường bay, duy trì hiệu suất khai thác của chuỗi các dịch vụ tại điểm đến, giảm bớt khoảng cách khác biệt giữa mùa cao và thấp điểm trong ngành du lịch.
Có đường bay ổn định mới có khách du lịch, có khách du lịch mới có nguồn thu. “Điều quan trọng là chúng ta phải tăng cường vai trò quản lý nhà nước” - ông Chung nhấn mạnh.
Bình luận (0)