Chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của bà Suu Kyi giữa lúc quan hệ 2 nước đang nguội lạnh dĩ nhiên rất đáng quan tâm song bà còn bị chú ý vì vấn đề người Rohingya.
Khi quyết định trao giải Nobel Hòa bình cho bà Suu Kyi vào năm 1991, Ủy ban Nobel Na Uy vinh danh bà vì những nỗ lực đấu tranh không mệt mỏi cho dân chủ, nhân quyền và sự hòa hợp dân tộc trên khắp thế giới bằng con đường hòa bình. Khi đó, bà Suu Kyi được gọi là “biểu tượng quan trọng trong cuộc đấu tranh chống sự áp bức”.
Thế nhưng, cộng đồng Rohingya Hồi giáo thiểu số ở Myanmar lúc này có thể không đồng tình với nhận xét trên. Lý do là bà Suu Kyi chưa hề lên tiếng về cách đối xử bị xem là hà khắc của chính phủ đối với người Rohingya, đến mức họ phải liều chết bỏ xứ ra đi.
Kênh Al Jazeera nhận định: Sự im lặng của bà là không thể tha thứ. “Trong một cuộc diệt chủng, im lặng là đồng lõa. Đó chính là trường hợp của bà Aung San Suu Kyi” - giáo sư luật Penny Green, Trường ĐH London, cáo buộc.
Mấy năm qua, bằng cách im lặng trước những gì xảy ra với người Rohingya, bà đã lấy lòng cộng đồng phật tử chiếm đa số ở Myanmar. Lý do: Bà cần lá phiếu của cử tri trong trường hợp được phép tranh cử tổng thống vào năm 2016.
Trả lời phỏng vấn đài BBC năm 2013, bà Suu Kyi đổ lỗi tình trạng bạo lực ở Myanmar cho cả 2 phía: “Người Hồi giáo bị tấn công nhưng phật tử cũng là đối tượng của bạo lực”.
Oái oăm thay, khi nhận giải Nobel Hòa bình vào tháng 6-2012, bà đã tuyên bố: “Mục đích cuối cùng của chúng ta là tạo ra một thế giới tự do không có người tị nạn, người không nhà và người tuyệt vọng, một thế giới mà từng ngõ ngách đều là nơi trú ẩn thực sự - ở đó, người cư trú sẽ có hòa bình và được sống trong hòa bình”.
Các nhà phân tích cho rằng nếu không làm hoặc không thể làm được như lời đã nói, có lẽ bà Suu Kyi nên trả lại giải thưởng mà bà đã phải chờ đợi hơn 20 năm mới được nhận.
Bình luận (0)