Năm 1960, quân đội lật đổ thành công chính phủ trong bối cảnh căng thẳng trong nước leo thang. Tổng thống Celal Bayar, Thủ tướng Adnan Menderes và các quan chức khác khi đó bị bắt giữ và xét xử vì tội phản quốc.
Theo báo Al Jazeera, sau đó ông Menderes bị treo cổ. Tướng Cemal Gursel, người đứng đầu cuộc đảo chính, lên làm thủ tướng rồi tổng thống sau cuộc đảo chính.
Đến năm 1971, quân đội lần nữa lật đổ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sau nhiều tháng bạo lực và bất ổn. Trong đảo chính lần này, Tướng Memduh Tagmac đưa ra một tối hậu thư cho Thủ tướng Suleyman Demirel, buộc ông rời khỏi văn phòng.
Khác với cuộc đảo chính năm 1960, quân đội lần này không lên nắm quyền, nhưng nội các mới chịu sự giám sát của họ.
Thổ Nhĩ Kỳ lại rơi vào một cuộc đảo chính vào tháng 9-1980 giữa lúc tình hình đất nước vẫn chưa mấy yên ổn. Lầnn này, quân đội lên nắm quyền. Đô đốc Bulent Ulusu đảm nhận vị trí thủ tướng. Cuộc đảo chính lần này được đánh giá là mang lại sự ổn định hơn cho Thổ Nhĩ Kỳ nhưng quân đội cũng bắt giữ hàng ngàn người, xử tử và tra tấn một số người.
Những người ủng hộ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tụ tập ở quảng trường Taksim. Ảnh: AP
Đến năm 1993, xuất hiện cáo buộc về một “cuộc đảo chính bí mật” nhằm ngăn chặn thỏa thuận hòa bình với Đảng Công nhân người Kurd (PKK).
Năm 1997, một cuộc đảo chính "mềm" đã xảy ra. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ khi đó đưa ra một số yêu cầu và chính phủ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận nó. Thủ tướng Necmettin Erbakan cũng buộc phải từ chức.
Mới nhất, một nhóm quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ hôm 15-7 tuyên bố đã giành được chính quyền song Tổng thống Tayyip Erdogan nhấn mạnh sẽ dập tắt cuộc đảo chính này. Binh lính được triển khai ở nhiều địa điểm chiến lược tại Istanbul trong khi máy bay bay tầm thấp ở thủ đô Ankara.
Phát thanh viên TRT đọc tuyên bố từ quân đội cho biết các quy tắc dân chủ và thế tục của luật pháp Thổ Nhĩ Kỳ đã bị xói mòn bởi chính phủ hiện tại.
Bình luận (0)