Quân đội Malaysia đang triển khai kế hoạch thành lập lực lượng lính thủy đánh bộ và một căn cứ hải quân gần khu vực tranh chấp với Trung Quốc ở biển Đông nhằm đối phó tham vọng bá quyền của Bắc Kinh.
Dù vậy, do căn cứ hải quân mới chỉ nằm cách bãi cạn James đang tranh chấp giữa Malaysia và Trung Quốc 60 hải lý nên có thể nhận thấy đây còn là động thái nhằm ngăn Bắc Kinh lấn tới ở biển Đông, nhất là sau khi hải quân Trung Quốc có cuộc tập trận lớn tại khu vực này hồi tháng 3-2013. Vào thời điểm đó, Gary Li, một nhà phân tích cao cấp của tạp chí IHS Fairplay, đánh giá: “Cuộc tập trận không chỉ bao gồm một vài tàu chiến lẻ tẻ mà là những tàu đổ bộ cỡ lớn mang theo lính thủy đánh bộ và tàu đổ bộ khí đệm cao tốc, được hộ tống bởi những tàu chiến tốt nhất của hải quân Trung Quốc. Chúng tôi chưa bao giờ thấy cuộc tập trận nào có chất lượng và số lượng lớn như thế của Trung Quốc ở khu vực này”.
Lực lượng lính thủy đánh bộ mới của Malaysia sẽ được rút ra từ những đơn vị hiện có của lực lượng vũ trang nhưng phần lớn sẽ đến từ 1 trong 3 tiểu đoàn của lữ đoàn dù số 10 thuộc Không quân Hoàng gia. Tuy nhiên, Malaysia dự kiến sẽ phải dựa vào sự hỗ trợ của Mỹ trong việc đào tạo và phát triển lực lượng mới này.
Trước mắt, lực lượng lính thủy đánh bộ Malaysia vẫn còn thiếu năng lực đổ bộ sau khi tàu đổ bộ duy nhất của họ là KD Sri Inderapura bị phá hủy trong một vụ cháy vào tháng 10-2009. Nước này từng tiến hành thảo luận về việc mua tàu đổ bộ của Pháp và Hàn Quốc nhưng kế hoạch đã bị hoãn do những khó khăn về ngân sách. Tuy nhiên, Mỹ gần đây đã đề nghị chuyển giao tàu đổ bộ USS Denver cho Malaysia sau khi tàu dự kiến chấm dứt hoạt động vào năm 2014.
Bình luận (0)