Các nhóm doanh nghiệp Mỹ đặc biệt lo ngại khi họ bị hạn chế tiếp cận những lĩnh vực quan trọng trong lúc đối mặt sức ép phải chia sẻ công nghệ cho đối tác Trung Quốc. Ngược lại, giới chức Trung Quốc chỉ trích các chính phủ nước ngoài, trong đó có Mỹ, dùng những biện pháp bảo hộ để ngăn hàng hóa có giá cạnh tranh hơn từ Bắc Kinh.
Cùng ngày, Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc nhận định khả năng thu hút đầu tư nước ngoài mới của Bắc Kinh đang bị suy giảm bởi tình trạng dư thừa công suất của nhiều ngành công nghiệp trong nước.
Chính phủ Trung Quốc xác định dư thừa công suất là mối quan ngại lớn hồi đầu năm nay nhưng đến giờ vẫn chưa có biện pháp mạnh - tức đóng cửa những doanh nghiệp nhà nước hoặc tư nhân lớn. Ngoài ra, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ, vấn đề dư thừa công suất của Bắc Kinh “đã bị thổi phồng khắp thế giới”.
Tờ The Wall Street Journal nhận định phát biểu trên phần nào nêu bật thực trạng 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới hợp tác chưa được bao nhiêu nhưng bất đồng thì quá nhiều.
Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung (S&ED) năm nay khép lại với cam kết của Trung Quốc về việc kiềm chế sản lượng thép đang tràn ngập thị trường toàn cầu cũng như cùng Mỹ nghiên cứu cách trừng phạt Triều Tiên. Như thế vẫn quá ít nếu so với một loạt rào cản giữa 2 nước, từ vấn đề biển Đông, thương mại, đầu tư, chính sách tiền tệ cho đến nhân quyền, an ninh mạng và những đạo luật an ninh mới của Trung Quốc.
Giới phân tích nhận định S&ED 2016 không có đột phá bởi đây là lần cuối sự kiện này diễn ra dưới thời của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama và bị bao phủ bởi căng thẳng leo thang về biển Đông.
“Những bất đồng lớn nhất vẫn còn đó và nhiều khả năng chính quyền Mỹ kế tiếp sẽ “thừa hưởng” chúng” - bà Bonnie Glaser, chuyên gia về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), nhận định.
Bình luận (0)