Chuyến đi của ông Kerry trong 2 ngày 16 và 17-5 nhằm chuẩn bị cho cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung vào tháng tới ở Washington cũng như chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến vào tháng 9 năm nay. Tuy nhiên, giới chuyên môn nhận định mục đích này nhiều khả năng bị chi phối bởi sự bất đồng về tham vọng của Trung Quốc ở biển Đông.
Điều này được thể hiện rõ tại cuộc họp báo chung giữa ngoại trưởng 2 nước sau cuộc gặp hôm 16-5. Phát biểu khi đứng cạnh Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, ông Kerry nói: “Thông qua Ngoại trưởng Vương Nghị, tôi thúc giục Trung Quốc cùng mọi người hành động để giảm bớt căng thẳng và làm gia tăng triển vọng giải pháp ngoại giao”.
Ngoại trưởng Mỹ không trả lời khi được hỏi liệu Mỹ có đưa máy bay và tàu chiến đến sát những bãi đá mà Trung Quốc đang cải tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) hay không. Dù vậy, nhà ngoại giao này nhấn mạnh Mỹ quan ngại trước tốc độ và phạm vi bồi đắp đảo của Trung Quốc thời gian qua.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị
sau cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 16-5. Ảnh: Reuters
Đáp lại lời kêu gọi trên, ông Vương Nghị một lần nữa mạnh miệng tuyên bố Trung Quốc “có chủ quyền” đối với các bãi đá ngầm ở Trường Sa. “Công trình xây dựng trên quần đảo Nam Sa (cách Trung Quốc gọi Trường Sa) và các bãi đá ngầm hoàn toàn nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc. Tôi muốn tái khẳng định rằng quyết tâm bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc cứng như đá” - ông Vương bao biện.
Dù còn bất đồng sâu sắc song ông Kerry cho biết người đồng cấp Trung Quốc đã nhất trí khu vực này cần chính sách ngoại giao thông minh để ASEAN và Trung Quốc hoàn tất soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Thêm vào đó, ông Vương tuyên bố Mỹ và Trung Quốc vẫn cam kết tự do hàng hải, hòa bình và ổn định trong khu vực, đồng thời Bắc Kinh hy vọng tiếp tục các cuộc đối thoại để các bên liên quan có thể hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Trước khi Ngoại trưởng Kerry đến Trung Quốc, giới chức Mỹ liên tiếp tuyên bố hoạt động cải tạo đất quy mô lớn của Bắc Kinh ở biển Đông có thể gây ra những hậu quả tiêu cực đối với sự ổn định của khu vực và mối quan hệ với Washington.
Báo The Globe and Mail (Canada) nhận định Tổng thống Mỹ Barack Obama đang có ý định thách thức yêu sách chủ quyền gây tranh cãi của Trung Quốc ở biển Đông khi cử Ngoại trưởng Kerry đến Bắc Kinh với thông điệp Mỹ không chấp nhận sự bành trướng trên biển của Trung Quốc. Kết quả chuyến đi có thể là cơ sở cho những chính sách sắp tới của Washington.
Ngoài lời nói, Washington trong những tháng gần đây đã có những hành động cụ thể, bao gồm đẩy mạnh hợp tác với các đối thủ của Trung Quốc ở khu vực như Ấn Độ, Nhật Bản; tái khẳng định cam kết bảo vệ đồng minh và bắt đầu vẽ “lằn ranh đỏ” tại những vùng biển mà Bắc Kinh có ý đồ “nuốt trọn”.
Bước đi mới nhất có thể là động thái gửi tàu chiến và máy bay đến biển Đông để thực thi quyền tự do hàng hải, nếu được Nhà Trắng bật đèn xanh. Giờ là lúc người ta chờ xem ông Obama có sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự trong trường hợp những “lằn ranh đỏ” nêu trên bị xâm phạm hay không.
Quyết định cấm bắt cá của Trung Quốc vô giá trị
Ngày 16-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ Việt Nam kiên quyết phản đối quyết định vô giá trị của chính quyền TP Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam - Trung Quốc về việc cấm toàn bộ các hoạt động đánh bắt cá trên biển Đông (trong phạm vi vùng biển từ 12 độ vĩ Bắc đến đường giao giới của vùng biển tỉnh Quảng Đông và tỉnh Phúc Kiến) từ 12 giờ ngày 16-5 đến 12 giờ ngày 1-8 trong khu vực kể trên bao gồm vịnh Bắc Bộ.
Theo ông Lê Hải Bình, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, phù hợp với các quy định trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.
“Việc phía Trung Quốc ra thông báo phạm vi và thời gian nghỉ đánh bắt cá ở biển Đông là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển của Việt Nam theo đúng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982” - người phát ngôn Lê Hải Bình nhấn mạnh.
D.Ngọc
Bình luận (0)