Trước đó cùng ngày, được tổng thống phê chuẩn, không quân Mỹ đã tiến hành hàng loạt cuộc không kích bên ngoài TP Erbil, miền Bắc Iraq, nhắm vào các mục tiêu của IS.
Ông Obama chưa đề cập đến thời hạn của các cuộc không kích mà ông gọi là để ngăn chặn một họa diệt chủng tiềm năng cũng như bảo vệ các quan chức Mỹ đang làm việc tại Iraq.
Trong khi người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest nói một cách đơn giản là chiến dịch không kích dài hay ngắn tùy thuộc vào diễn biến thực tế, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho hay mục tiêu trước mắt nhằm ngăn chặn đà tiến của IS đến Erbil, thủ phủ của khu tự trị người Kurd. Đây cũng là nơi các nhân viên quân sự và ngoại giao Mỹ đang trú ngụ.
Song song với các đợt không kích đầu tiên kể từ khi quân Mỹ rút khỏi Iraq năm 2011, hàng tiếp tế cũng được thả xuống cho hàng chục ngàn người thuộc cộng đồng thiểu số Yazidi đang lẩn trốn trên núi Sinjar. Các cơ quan Liên Hiệp Quốc tại Iraq đang gấp rút lập hành lang nhân đạo để cứu người từ trên núi xuống.
Máy bay Mỹ chuẩn bị phóng đi từ tàu sân bay USS George H.W. Bush để tấn công các mục tiêu ở Iraq
Ảnh: EPA
Quyết định của ông Obama nhận được sự đồng tình của các nghị sĩ Mỹ chủ chốt. Thậm chí, Chủ tịch Hạ viện John Boehner còn nói lẽ ra Nhà Trắng phải hành động sớm và mạnh mẽ hơn.
Điều đáng nói là một năm trước, ông Obama đã tốn mấy tháng trời để thuyết phục quốc hội và công chúng gật đầu với kế hoạch can thiệp quân sự vào Syria. Thế nhưng, bom Mỹ rốt cuộc không trút xuống mảnh đất của Tổng thống Bashar al-Assad mà lại rơi trúng một trong những kẻ thù lớn nhất của Assad, trên đất Iraq.
Lý giải cho điều ngược đời này, tờ Washington Post (Mỹ) nhận định ý đồ đánh Syria không được ủng hộ nhiều. Không chỉ Nga và Iran kịch liệt phản đối, nhiều nước châu Âu cũng không mấy hào hứng.
Đặc biệt, Thủ tướng Anh David Cameron còn bị quốc hội xối cho gáo nước lạnh khi bỏ phiếu bác bỏ. Pháp khi ấy tỏ ra quyết đánh nhất nhưng khăng khăng không chịu nhận vai trò lãnh đạo chiến dịch.
Trong khi đó, tổ chức IS có rất ít đồng minh. Không được Nga, Iran chống lưng, IS còn bị “cha đẻ” là al-Qaeda từ mặt. Rất nhanh chóng sau khi máy bay Mỹ hành động, Anh và Pháp đã tỏ ý có thể cùng tham gia. Dù “đơn thương độc mã” nhưng IS lại là mối đe dọa không nhỏ cho Mỹ trong tương lai một khi nhóm này hất cẳng được al-Qaeda. Chính vì vậy, Mỹ cần ra tay từ trước.
Một lý do khác, theo Washington Post, rất khó nói ai sẽ thật sự hưởng lợi nếu Mỹ tấn công Syria. Mục tiêu của Mỹ là nhổ rễ quân chính phủ Syria nhưng với mức độ lan rộng của cuộc nội chiến, biết đâu chính IS là “ngư ông đắc lợi”. Tình cảnh bị tranh chiếm bởi các nhóm vũ trang cực đoan của Libya thời hậu Muammar Gaddafi chính là lời cảnh báo nóng hổi.
Nhưng với Iraq thì khác, không kích lúc này có thể xoay chuyển tình thế bởi IS tuy thiện chiến trên bộ nhưng thiếu khí tài để chống đỡ đòn tấn công từ trên không. Vả lại, ngay từ hồi tháng 6, cả chính phủ Baghdad lẫn người Kurd tự trị đều ra sức kêu gọi Mỹ can thiệp.
Cuối cùng, Mỹ thấy mình có nghĩa vụ phải hành động. Nói gì thì nói, nhiều vấn đề mà Iraq đối mặt hiện nay là hậu quả trực tiếp hoặc gián tiếp từ việc Mỹ đem quân vào đây năm 2003. Dù muốn đoạn tuyệt với cuộc chiến này song chính quyền ông Obama không thể rũ bỏ sự thật trên!
Bình luận (0)