21 giờ, chị Nguyễn Thị Thu (SN 1997 - quê Long An- tạm trú quận Gò Vấp, TP HCM) mới tan ca để chạy đến điểm hẹn gặp chúng tôi trong bộ dạng mệt lả. Một tháng qua, cô gái này phải làm tăng ca từ 7 giờ sáng đến khuya với hy vọng trả hết số nợ sau khi đi điều trị tại Phòng khám Đa khoa Đại Đông, quận Tân Bình, TP HCM.
Vừa dụ vừa hù
Chị Thu kể ngày 7-4, do bị đau vùng kín nên cô nhờ người yêu là anh Trần Ngọc Quân (24 tuổi) chở đến bệnh viện để điều trị. Ngại đến bệnh viện vì đông đúc và chờ lâu nên Quân lên mạng tìm kiếm rồi cả hai đón xe buýt đến Phòng khám Đa khoa Đại Đông. Tại đây, nhân viên phòng khám đề nghị mua sổ khám, xét nghiệm máu mất 1,8 triệu đồng. Tiếp đến, Thu được một bác sĩ người Trung Quốc kiểm tra khu vực "vùng kín" và nói điều gì đó với một y tá, sau đó được một trợ lý dịch lại: "Hiện em đang bị viêm lộ tuyến cổ tử cung. Nhanh chóng tiến hành phẫu thuật để tránh gây hậu quả xấu".
Nghe vậy, Thu tái mặt và đồng ý thực hiện việc mổ ngay tại chỗ. Lúc này, nhân viên phòng khám đã đưa ra 2 gói dịch vụ: giá 7,8 triệu đồng sử dụng công nghệ mổ bằng tay đau hơn, còn giá 11,8 triệu đồng công nghệ hiện đại ít đau. Do không đủ tiền nên Thu từ chối. Thấy vậy, một y tá khác liền tới khuyên theo kiểu dọa: Nếu không làm sớm sẽ bị ung thư, vô sinh và đồng thời gợi ý Thu mượn tiền người thân, gia đình để tiến hành phẫu thuật liền. Càng nghe càng sợ, Thu liền gọi điện thoại cho mẹ ruột ở Long An chạy vay nóng những người xung quanh. Trước khi mổ, Thu được các y tá liên tục hỏi thăm, công việc hiện tại, hoàn cảnh gia đình và luôn hỏi câu hỏi: "Đã mượn được tiền ai chưa?".
Đáng nói, trong khi mổ, bác sĩ người Trung Quốc bắt đầu đề nghị Thu bỏ thêm gần 15 triệu đồng nữa để thực hiện chi phí cầm máu. "Lúc nãy, phòng khám đã miễn phí 2 miếng bông cầm máu giá 6 triệu đồng cho em. Em nên bỏ thêm tiền để tiến hành điều trị bước thứ hai không thì xảy ra băng huyết rất nặng"- một y tá nói nhỏ vào tai Thu. Do bị chích thuốc gây tê nên ai nói gì, Thu cũng gật đầu. Đặc biệt, liên tiếp 6 ngày sau đó, mỗi ngày Thu phải tốn từ 1,5-3 triệu đồng về việc truyền dịch, đốt điện hồng quang. Đến lúc này, tổng số tiền Thu phải trả đã lên đến gần 40 triệu đồng. Do không đủ tiền trả nên Thu bị phòng khám viết giấy nợ và giữ lại CMND.
Trở về nhà nghỉ ngơi, Thu gần như kiệt sức, còn ở quê người mẹ vừa làm vừa phải trả tiền lãi vay nóng. Trước sức ép phải trả nợ cho bệnh viện, trả nợ cho mẹ vì đã vay nóng, hiện mỗi ngày Thu phải làm tăng ca từ sáng đến khuya; còn người yêu Thu, vì ân hận đã đưa bạn gái vào "máy chém" nên nghe đâu đã sang Campuchia kiếm tiền giúp bạn gái và gia đình.
Phòng khám thừa nhận sai là xong (?!)
Sau khi nghe phản ánh của Báo Người Lao Động, đại diện Phòng khám Đa khoa Đại Đông đã có buổi làm việc với chị Thu. Qua trao đổi, phòng khám thừa nhận việc giữ CMND của chị Thu là sai. Sau vụ việc này, phòng khám hứa sẽ chấn chỉnh công tác khám và điều trị bệnh. Cũng theo đơn vị này, hằng tháng đều có ưu đãi giảm giá, miễn phí cho sinh viên, người nghèo (!?).
Trả lời câu hỏi vì sao việc chi phí điều trị cao, phác đồ chữa bệnh không rõ ràng, đại diện Phòng khám Đại Đông cho rằng do đây là phòng khám tư nhân nên cao hơn phí ở các bệnh viện công và giá cả đều được niêm yết công khai. "Khi điều trị, chúng tôi đều thông tin cho bệnh nhân rõ chi phí điều trị. Họ đồng ý mình mới tiến hành khám chữa" - đại diện phòng khám nói.
Ngày 12-5, phóng viên Báo Người Lao Động đã chuyển đơn tố cáo của nạn nhân và cung cấp thông tin cho Sở Y tế TP HCM và được người tiếp nhận cho biết sẽ kiểm tra, phản hồi sau. Cũng tại buổi làm việc hôm đó, ông Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP, cho rằng hiện nay có khá nhiều phòng khám có yếu tố nước ngoài với cơ sở khang trang, nhân viên nhiệt tình nhưng dịch vụ rất kém dẫn đến việc nhiều người bị lừa. Vừa qua, Thanh tra Sở Y tế TP đã phạt hàng loạt phòng khám, có nơi số tiền bị phạt lên đến trên 300 triệu đồng. Các lỗi vi phạm gồm thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc không phép lưu hành, người hành nghề không có chứng chỉ...
Điệp khúc đóng - mở
Cách đây không lâu, anh N.V.K - ngụ quận 6, TP HCM - có gửi đơn đến Báo Người Lao Động "tố" Phòng khám Đa khoa Baylor, quận 10, TP HCM "vẽ bệnh" và sau đó giữ CMND, bắt anh viết giấy nợ.
Theo tường thuật của anh K., ngày 16-1, anh có đến phòng khám điều trị và được một bác sĩ người Trung Quốc trực tiếp kiểm tra, báo giá chi phí điều trị là 27 triệu đồng. Do không đủ tiền nên anh K. từ chối thì được mồi chài là có bao nhiêu thì đóng trước còn lại ghi phiếu nợ. Ngày đầu, anh viết giấy nợ 9 triệu đồng. Những ngày sau đó, vừa trả nợ, anh K. lại được các bác sĩ ở đây "vẽ" ra các loại bệnh mới và tiếp tục viết những phiếu nợ mới. Thấy mình có dấu hiệu bị lừa đảo, anh K. phản ánh lên Sở Y tế TP HCM. Sau đó, đoàn thanh tra vào cuộc phát hiện Phòng khám Đa khoa Baylor không có giấy phép hoạt động. Sở Y tế đề nghị đóng cửa và phạt phòng khám này 120 triệu đồng.
Phiếu nợ của anh N.V.K - ngụ quận 6, TP HCM - sau khi điều trị tại Phòng khám Đa khoa Baylor hồi tháng 1-2017
Tuy nhiên, sau thời gian ngắn đóng cửa thì phòng khám này lại tiếp tục mở cửa đón bệnh nhân. Cụ thể, ngày 22-5, chúng tôi vào vai người bệnh để liên hệ lại Phòng khám Đa khoa Baylor. Chúng tôi nói có băn khoăn về thông tin trước kia một số báo đưa tin đơn vị này chưa có giấy phép. Lập tức, nhân viên phòng khám cho rằng báo chí viết sai sự thật và thông tin đó không được kiểm chứng (!). "Để kiểm tra chất lượng thật của phòng khám, bệnh nhân nên đóng tiền và "trải nghiệm" sẽ có câu trả lời chính xác…" - một nhân viên phòng khám "chài" khách.
Bình luận (0)