Vùng quê Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam ngày 18-11 chìm trong cảnh xơ xác, hoang tàn. Trên các nóc nhà ẩm thấp vẫn còn những bao cát chằng chống để đối phó với bão. Trong nhà, nước vừa rút, bùn đất lầy lội. Gương mặt nhiều người dân không giấu nổi sự mệt mỏi và nặng trĩu âu lo.
Toàn xã Sơn Giang, Sơn Bao, thị trấn Di Lăng… thuộc huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi đều nằm ở hạ lưu của thủy điện Nước Trong nên khi lũ lớn đổ về, nhiều người cho rằng do thủy điện xả nước quá mức.
Đứng bên căn nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, bà Huỳnh Thị Yến (67 tuổi, ngụ xã Sơn Giang, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) lo lắng: “Tôi sống ở đây gần hết đời người nhưng chưa bao giờ thấy trận lũ lớn như thế này. Chỉ trong vòng 1 giờ, lũ đã dâng cao đến 2 m, xô ngã căn nhà, nước chảy thông từ phía trước ra phía sau nhà”.
Theo ông Đặng Ngọc Dũng, Bí thư Huyện ủy Sơn Hà, tuy chưa thể khẳng định trận lũ lớn vừa qua do thủy điện gây ra nhưng rõ ràng, việc xả lũ của thủy điện là tác nhân khiến lũ lên nhanh. Trong khi đó, quy trình nhận thông báo xả lũ còn nhiều bất cập.
Ông Huỳnh Sáu, Chủ tịch UBND xã Đại An, cho hay mỗi lần xả lũ, các thủy điện thông báo về huyện, sau đó huyện thông báo về cho các xã rồi xã mới phát trên đài cho người dân nghe. Việc thông báo xả lũ đi qua nhiều bộ phận khiến thông tin đến với người dân rất chậm. Nếu thủy điện cứ xả lũ như đợt vừa rồi thì thiệt hại sẽ rất lớn.
Toàn tỉnh Quảng Nam có đến 44 dự án thủy điện đã được phê duyệt, với tổng công suất hơn 1.584 MW, điện lượng bình quân năm trên 6,2 tỉ KWh. Theo kỹ sư Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Phó trưởng Ban Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam, các chủ đầu tư dự án thủy điện chỉ đặt mục tiêu phát điện là chính, hầu như không quan tâm đến việc điều tiết dòng chảy lũ, hạn chế ngập lụt vùng hạ du, từ đó đã dẫn đến thiết kế các hồ thủy điện có dung tích phòng lũ rất nhỏ nên không đáp ứng được nhiệm vụ cắt lũ, chậm lũ, giảm lũ như tính toán ban đầu.
Xả lũ sai phải chịu trách nhiệm Theo Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương, đến ngày 18-11, mưa lũ đã làm 31 người chết, 9 người mất tích và 20 người bị thương, hơn 243.000 nhà bị hỏng, gần 3.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại... Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết theo yêu cầu của Thủ tướng, các bộ, ngành liên quan sẽ báo cáo về tình hình chỉ đạo vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trong khu vực miền Trung, Tây Nguyên. “Thủy điện nào xả nước sai thì phải chịu trách nhiệm. Những ngày qua, báo chí đã đăng tải có thủy điện xả lũ sai, tức là có chứng cứ, cứ thế mà xử lý trách nhiệm. Trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan, UBND các địa phương là phải thường xuyên rà soát việc vận hành của thủy điện trên địa bàn” - ông Hoàng Trung Hải nhấn mạnh. |
Bình luận (0)