xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lắng lại với Trường Sa

Bài và ảnh: VÕ KIM NGÂN

Sức sống Trường Sa như được nhân lên từ những ngôi làng nhỏ nhắn, xinh xắn và tiếng trẻ thơ bi bô, vui đùa dưới tán cây xanh mát ở những sân trường khang trang

Chúng tôi vừa theo con tàu HQ 571 ra thăm 6 đảo nổi, 3 đảo chìm ở quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Màu xanh ngắt của biển trời, màu xanh tươi tốt của cây cối trên khắp các đảo làm dịu đi cái nắng hè gay gắt giữa đại dương.

Ngôi làng dưới tán bàng vuông

Huyện đảo Trường Sa có 2 xã đảo và 1 thị trấn được thành lập từ năm 2007 là Song Tử Tây, Sinh Tồn và Trường Sa. Ông Nguyễn Viết Thuân, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa, cho biết hiện đời sống vật chất, tinh thần của quân và dân trên các đảo có nhiều cải thiện. Các công trình văn hóa, nhà tưởng niệm Bác Hồ, đài liệt sĩ, chùa chiền, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng, âu tàu tránh trú bão... được xây dựng. Hệ thống y tế với đội ngũ y - bác sĩ giỏi được trang bị phương tiện hiện đại để chăm sóc sức khỏe cho người dân trên đảo cũng như ngư dân từ đất liền đánh bắt xa bờ.

Thầy Nguyễn Ngọc Hạ và các em học sinh Trường Tiểu học xã đảo Sinh Tồn
Thầy Nguyễn Ngọc Hạ và các em học sinh Trường Tiểu học xã đảo Sinh Tồn

Làng nhỏ ở đảo Trường Sa gồm 7 hộ dân, hầu hết là các gia đình trẻ, có từ 1 đến 2 con. Các hộ dân sinh sống trong những ngôi nhà liền kề tương đối rộng rãi, khang trang, xung quanh rợp mát bóng cây. Nhà nào cũng có khoảng sân trước, vườn sau. Mỗi gia đình được cấp một thuyền thúng để đánh bắt hải sản gần bờ.

Hằng ngày, anh Nguyễn Duy Thành (36 tuổi), hộ dân sống trên xã Song Tử Tây, chèo thuyền ra xa đảo chừng 200-300 m đánh bắt hải sản. “Ở đây, đánh bắt cá khá dễ dàng, trừ những ngày biển động. Có hồi kéo rớ được 30-40 kg cá, nhà ăn không hết phải đem cho bếp bộ đội cải thiện” - anh Thành cho biết.

Góc đảo Nam Yết với màu xanh giữa biển
Góc đảo Nam Yết với màu xanh giữa biển

Vợ anh Thành, chị Nhữ Thị Kim Chi (25 tuổi), dẫn chúng tôi ra xem vườn rau của gia đình. Đó là những chiếc hộp xốp, thùng nhựa xếp thẳng hàng nằm dưới một giàn mướp và khổ qua với đủ loại rau xanh; kể cả rau thơm, hành, ngò, ớt… Các thùng xốp, thùng nhựa và cả đất, phân bón đều được đưa từ đất liền ra. Chị Chi kể dưới nền nhà là một bể nước lớn, được hứng từ mùa mưa.

Vợ chồng chị Chi đều tham gia vào các tổ chức đoàn thể trong xã. Anh Thành trong đội dân quân tự vệ, chị Chi tham gia hội phụ nữ. Các hộ dân ở đây gắn bó với nhau như trong một gia đình lớn. “Cứ Tết là chúng tôi về đất liền, chưa được 1 tháng đã thấy nhớ làng đảo nhỏ vô cùng. Mấy đứa nhỏ thì nhớ thầy cô và các bạn!” - chị Chi nói.

Lớp học 3 trong 1

Tháng 5, học sinh bắt đầu nghỉ hè nhưng sân trường tiểu học ở các đảo vẫn rộn vang tiếng vui đùa của các em đến vui chơi và học hè. Thầy Nguyễn Ngọc Hạ (25 tuổi) ở Trường Tiểu học xã đảo Sinh Tồn kể sau khi tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Nha Trang đã xung phong ra đảo dạy học. Chưa lập gia đình cũng chưa từng học kỹ năng chăm sóc trẻ nhưng lòng yêu nghề và tình yêu trẻ thơ đã khiến thầy thêm gắn bó với nghề, với đảo.

Cả xã đảo Sinh Tồn có 8 học sinh, chia làm 2 khối lớp mầm non và tiểu học. Mỗi lớp có 4 em, được bố trí theo hình thức lớp ghép và dạy theo chương trình chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong lớp vừa có học sinh mẫu giáo vừa có sinh lớp 1, lớp 3. Trong một giờ học, khi các em mẫu giáo tập tô, tập vẽ thì em lớp 1 làm toán và em lớp 3 học tiếng Việt. Các em học hết lớp 4 trên đảo sẽ được chuyển về đất liền học tiếp. Bên cạnh những kiến thức trong sách vở, những người thầy trên đảo còn là người hướng dẫn, cung cấp cho các em những hiểu biết, vốn sống về xã hội, tự nhiên vì có em ra đảo từ khi còn rất nhỏ.

Gắn bó với Sinh Tồn 2 năm, thầy Hạ thuộc tính nết từng học sinh của mình. Theo thầy Hạ, điều đặc biệt của người thầy khi được đứng lớp ở Trường Sa đó là niềm tự hào khi hiểu sâu sắc và truyền đạt lại cho lứa tuổi mầm non về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, niềm tự hào của người công dân nơi biển đảo xa xôi.

Ở xã đảo Song Tử Tây, một trường tiểu học vừa được khánh thành hồi đầu tháng 3-2015 với kinh phí xây dựng 8 tỉ đồng từ đóng góp của giáo viên, học sinh, cán bộ, viên chức ngành giáo dục TP HCM. Trước đó, các trường tiểu học ở thị trấn Trường Sa, xã đảo Sinh Tồn được khánh thành vào năm 2013 và 2014. Những ngôi trường học luôn thể hiện tinh thần “cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước”.  

Kỳ tới: Biển đảo mãi vững vàng

Xanh ngát giữa đại dương

Trong các đảo lớn chúng tôi đi qua như Trường Sa, Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca..., đảo nào nhìn từ xa cũng xanh ngát giữa biển khơi. Trên đảo Nam Yết có cây bàng vuông, cây si hàng trăm tuổi, thân cây 2 người ôm không xuể. Ở Trường Sa - thành phố của cây bàng vuông - thì trừ đường băng, còn lại chỗ nào cũng rợp mát bóng cây... Các đảo khác cũng vậy, cây bàng vuông, cây phong ba phủ khắp đảo... Những cây xanh trên các đảo được các chiến sĩ chiết cành, gây giống trồng hàng chục năm nay. Ngoài ra, cũng có nhiều loại cây được đất liền hỗ trợ giống, nhất là các loại hoa. Đối với các chiến sĩ trên đảo, hạt giống rau và hoa là những món quà quý từ đất liền. Khi có hạt giống, mọi vật dụng trên đảo đều được tận dụng để trồng. Màu xanh của cây cối, màu hồng của hoa giấy, trắng của hoa sứ cùng nhiều loài hoa khác đang từng ngày xua đi cái khô cằn, khắc nghiệt của vùng biển đảo xa xôi.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo