xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trường Sa ghi nhớ lời Đại tướng

Bài và ảnh: Mạnh Duy

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng yêu cầu Hải quân tổ chức lực lượng, bằng mọi giá phải giải phóng các đảo do quân đội Việt Nam Cộng hòa chiếm giữ

Thiếu tướng Mai Năng, nguyên Tư lệnh Bộ đội Đặc công, Đoàn trưởng Đoàn 126 (đặc công nước) - lực lượng nòng cốt giải phóng quần đảo Trường Sa tháng 4-1975, nhớ như in lời Phó Tư lệnh Hải quân Hoàng Hữu Thái lúc bấy giờ truyền mật lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Bằng mọi giá phải đánh chiếm và giải phóng các đảo do quân đội Việt Nam Cộng hòa chiếm giữ, không để lực lượng nào chiếm đảo.

Đặc công nước của ta chưa từng tấn công chiếm đảo nhưng khi nghe mật lệnh, tất cả hồ hởi xuống tàu, hướng ra quần đảo Trường Sa.
 
img
Đông đảo người dân vẫn đến viếng Đại tướng tại nhà riêng của ông chiều 9-10 Ảnh: nguyễn quyết
 
Các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, An Bang… sau đó lần lượt được giải phóng và Đại tướng đã có điện khẩn khen ngợi, động viên tinh thần. Ông Đào Mạnh Hồng - người đầu tiên lên đảo Song Tử Tây, hiện sống ở TP Hải Phòng - cho biết bức điện ngắn gọn, với nội dung: “Nhiệt liệt khen ngợi các đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược”. Càng về sau, mọi người càng nhận ra tầm nhìn và chỉ thị thần tốc của Đại tướng ngày ấy có ý nghĩa rất lớn với chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa hôm nay.

Nghe điện thoại của chúng tôi, Trung tá Lương Xuân Giáp, Chính trị viên phó ở quần đảo Trường Sa, giọng như muốn khóc: “Từ hôm nghe bản tin thời sự trưa 5-10 trên truyền hình, chúng tôi rất đau buồn. Dù biết Đại tướng tuổi cao, sức yếu nhưng với những người lính ở Trường Sa thì đây là tổn thất khó diễn đạt bằng lời. Trong buổi chào cờ ngày 7-10, cán bộ và chiến sĩ đã dành 1 phút mặc niệm tưởng nhớ Đại tướng".
img
Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, hoàn thành nhiệm vụ

Thiếu tá Trịnh Công Lý, Đảo trưởng đảo Sinh Tồn, cho biết do điều kiện thông tin liên lạc hạn chế nên ở đây biết tin Đại tướng mất chậm nửa ngày. Xem truyền hình thấy dòng người xếp hàng viếng Đại tướng, mọi người lại càng xúc động, tiếc vì không thể đến tận nhà Đại tướng để thắp nén nhang tưởng nhớ.

Đại tá Trần Dực, nguyên Phó Tham mưu Quân chủng Hải quân - nay đã bước sang tuổi 91, là nhà nghiên cứu về chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, nhớ lại: “Tôi có nhiều dịp được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lần gặp nào Đại tướng cũng căn dặn đấu tranh giữ gìn biển đảo là đấu tranh cả về tư liệu lịch sử, ngoại giao và củng cố sức mạnh quân sự”.

Gặp người chụp ảnh Đại tướng ở quê nhà

Bà là Phan Thị Thuận (64 tuổi, ngụ huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), nay đang ở quận 7, TP HCM. Năm 1967, bà đi bộ đội, công tác tại Đoàn Nghệ thuật Tỉnh đội Quảng Bình. Sau chiến tranh, bà về quê, mở tiệm chụp ảnh ngay gần mũi Viết bên dòng Kiến Giang thơ mộng ở quê Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mỗi lần Đại tướng về thăm quê, bà cầm máy ảnh đi theo, ghi lại những khoảnh khắc rất đời thường của vị tướng huyền thoại.
img
Bà Phan Thị Thuận chụp hình lưu niệm cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần ông về thăm quê năm 1987 (Ảnh tư liệu của bà Phan Thị Thuận)

Lần đầu tiên bà vinh dự được gặp Đại tướng là vào mùa đông năm 1967, khi ông về xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch - nơi Tỉnh ủy Quảng Bình trú đóng trong thời kỳ phải sơ tán do điều kiện chiến tranh. 20 năm sau, không ngờ bà lại được gặp Đại tướng ngay chính trên quê hương mình. Càng vinh dự hơn, bà được chọn là người chụp ảnh cho Đại tướng. Lần nào về thăm quê, ông cũng đến ngôi nhà xưa của gia đình tại làng An Xá, xã Lộc Thủy. Nghe tin, người dân ven bờ sông Kiến Giang từ trẻ đến già đều chung tâm trạng háo hức chờ đợi như những người con mong người cha đi xa trở về.

Trong hàng ngàn tấm hình chụp Đại tướng, bà Thuận thích nhất là tấm chụp ông đứng trên cầu bắc qua sông Kiến Giang năm 1987. “Lúc đó, đoàn người đang đi trên cầu, bác Giáp tự nhiên dừng lại rồi nói: “Cô phóng viên nhỏ hãy chụp cho bác một tấm hình có ngã ba sông, có mũi Viết, có cả chợ Tréo nữa”. Tôi rất xúc động trước tình cảm chân thành của bác Giáp với quê nhà” - bà Thuận thổ lộ.

Khi nghe tin Đại tướng mất, lần giở lại những tấm hình rất đời thường của ông, bà Thuận khóc không thành tiếng. “Giờ thì bác Giáp đã không còn nữa rồi!” - bà nghẹn ngào.

Phan Anh


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo