Thiếu tướng Mai Năng, nguyên Tư lệnh Bộ đội Đặc công, Đoàn trưởng Đoàn 126 (đặc công nước) - lực lượng nòng cốt giải phóng quần đảo Trường Sa tháng 4-1975, nhớ như in lời Phó Tư lệnh Hải quân Hoàng Hữu Thái lúc bấy giờ truyền mật lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Bằng mọi giá phải đánh chiếm và giải phóng các đảo do quân đội Việt Nam Cộng hòa chiếm giữ, không để lực lượng nào chiếm đảo.
Thiếu tá Trịnh Công Lý, Đảo trưởng đảo Sinh Tồn, cho biết do điều kiện thông tin liên lạc hạn chế nên ở đây biết tin Đại tướng mất chậm nửa ngày. Xem truyền hình thấy dòng người xếp hàng viếng Đại tướng, mọi người lại càng xúc động, tiếc vì không thể đến tận nhà Đại tướng để thắp nén nhang tưởng nhớ.
Gặp người chụp ảnh Đại tướng ở quê nhà Bà là Phan Thị Thuận (64 tuổi, ngụ huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), nay đang ở quận 7, TP HCM. Năm 1967, bà đi bộ đội, công tác tại Đoàn Nghệ thuật Tỉnh đội Quảng Bình. Sau chiến tranh, bà về quê, mở tiệm chụp ảnh ngay gần mũi Viết bên dòng Kiến Giang thơ mộng ở quê Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mỗi lần Đại tướng về thăm quê, bà cầm máy ảnh đi theo, ghi lại những khoảnh khắc rất đời thường của vị tướng huyền thoại.
Bà Phan Thị Thuận chụp hình lưu niệm cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần ông về thăm quê năm 1987 (Ảnh tư liệu của bà Phan Thị Thuận)
Lần đầu tiên bà vinh dự được gặp Đại tướng là vào mùa đông năm 1967, khi ông về xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch - nơi Tỉnh ủy Quảng Bình trú đóng trong thời kỳ phải sơ tán do điều kiện chiến tranh. 20 năm sau, không ngờ bà lại được gặp Đại tướng ngay chính trên quê hương mình. Càng vinh dự hơn, bà được chọn là người chụp ảnh cho Đại tướng. Lần nào về thăm quê, ông cũng đến ngôi nhà xưa của gia đình tại làng An Xá, xã Lộc Thủy. Nghe tin, người dân ven bờ sông Kiến Giang từ trẻ đến già đều chung tâm trạng háo hức chờ đợi như những người con mong người cha đi xa trở về. Trong hàng ngàn tấm hình chụp Đại tướng, bà Thuận thích nhất là tấm chụp ông đứng trên cầu bắc qua sông Kiến Giang năm 1987. “Lúc đó, đoàn người đang đi trên cầu, bác Giáp tự nhiên dừng lại rồi nói: “Cô phóng viên nhỏ hãy chụp cho bác một tấm hình có ngã ba sông, có mũi Viết, có cả chợ Tréo nữa”. Tôi rất xúc động trước tình cảm chân thành của bác Giáp với quê nhà” - bà Thuận thổ lộ. Khi nghe tin Đại tướng mất, lần giở lại những tấm hình rất đời thường của ông, bà Thuận khóc không thành tiếng. “Giờ thì bác Giáp đã không còn nữa rồi!” - bà nghẹn ngào. Phan Anh |
Bình luận (0)