Sáng 6-10, UBND TP HCM tổ chức hội nghị sơ kết giai đoạn 1 Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí thành phố đến năm 2025.
Nhanh chóng hoạt động ổn định sau sắp xếp
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM Lâm Đình Thắng cho biết đây là đề án rất quan trọng để thúc đẩy báo chí thành phố phát triển.
Theo ông Lâm Đình Thắng, công tác triển khai tại thành phố khá phức tạp và sau 2 năm thực hiện đã hoàn tất giai đoạn 1, hoàn thành sắp xếp 25/27 cơ quan báo chí (tỉ lệ 92,5%), còn 2 cơ quan báo chí đang sắp xếp là Báo Tuổi trẻ, Báo Cựu chiến binh thành phố.
Hội nghị sơ kết giai đoạn 1 Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí thành phố đến năm 2025 sáng 6-10
Tính đến tháng 9-2022, TP HCM có 8 cơ quan báo in, 9 tạp chí và 2 đài phát thanh, truyền hình.
Các cơ quan chủ quản báo chí trước sắp xếp của 2 cơ quan báo chí trực thuộc Thành ủy TP HCM (Báo Người Lao Động, Báo Phụ Nữ thành phố); 6 cơ quan báo chí trực thuộc UBND TP HCM (Báo Pháp Luật thành phố, Tạp chí Giáo Dục thành phố, Tạp chí Du Lịch thành phố, Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Khoa học phổ thông) đã hoàn tất thủ tục bàn giao về nhân sự, tài chính, tài liệu và hồ sơ liên quan cho cơ quan chủ quản mới (thông qua Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông).
Song song đó, các cơ quan báo chí trên đã hoàn tất các quy chế tổ chức và hoạt động của đơn vị, trình Thành ủy và UBND thành phố phê duyệt. Đồng thời nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định, tuân thủ các quy định pháp luật; đảm bảo công tác tổ chức, nhân sự, tài chính không để xảy ra vướng mắc; xây dựng kế hoạch hoạt động hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả trong tình hình mới.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong báo chí
Tại hội nghị, lãnh đạo các sở ngành và cơ quan báo chí cũng nêu lên một số khó khăn sau sắp xếp như vấn đề quản lý tài sản, công tác phát hành…
TS - Nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, cho biết sau sắp xếp gặp một số khó khăn trong công tác phát hành, quản lý tài sản
Lãnh đạo các sở ngành và cơ quan báo chí mong muốn được tạo điều kiện để báo chí hoạt động, phát triển; đẩy mạnh chuyển đổi số; nhanh chóng cung cấp thông tin để phản bác lại các thông tin sai lệch trên mạng xã hội; có cơ chế chống vấn nạn "ăn cắp" tin bài trên báo để đăng lại trên mạng xã hội…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức nhìn nhận xu hướng tụt lại của báo in là tất yếu, do đó cần phải thích ứng phù hợp với công cuộc chuyển đổi số… Bên cạnh đó, cần có cơ chế linh hoạt hơn để các cơ quan báo chí phát huy tối đa năng lực của mình.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức phát biểu kết luận hội nghị
Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị cần nghiên cứu các giải pháp trong giai đoạn 2, làm sao cơ quan báo chí sau quy hoạch phải phát triển mạnh. Trong đó giải quyết vướng mắc giữa các quy định của một cơ quan báo chí và một cơ quan sự nghiệp công lập; phân biệt rõ tạp chí khoa học và các loại hình còn lại…
UBND TP HCM khen thưởng 9 cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình thực hiện Đề án, trong đó có Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân
Dịp này, UBND TP HCM đã tặng Bằng khen cho 4 tập thể và 9 cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình thực hiện Đề án.
Trong giai đoạn 2, TP HCM sẽ tiếp tục triển khai việc quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025.
Đối với báo in và tạp chí in: Hoạt động theo mô hình một cơ quan báo in có nhiều ấn phấm.
Đối với phát thanh, truyền hình: Đài Truyền hình thành phố và Đài Tiếng nói nhân dân thành phố hoàn thiện tổ chức nhân sự theo mô hình tinh gọn, hiệu quả.
Bình luận (0)