Bước đệm quan trọng cho sự nghiệp
Sự nghiệp vững chắc không chỉ phụ thuộc vào mức lương hiện tại mà còn dựa vào chiến lược dài hạn của người lao động
Khi mới bước chân vào thị trường lao động, nhiều người trẻ chấp nhận mức lương thấp với suy nghĩ: "Trước tiên, hãy học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, rồi thu nhập sẽ tăng dần". Nhiều doanh nghiệp cho rằng đa số lao động trẻ mới vào làm chưa tạo ra nhiều giá trị, vì vậy mức lương thấp là hợp lý trong giai đoạn đầu.
Phân vân giữa lương thấp - kinh nghiệm
Nguyễn Hồng Nam (24 tuổi, TP HCM) bắt đầu sự nghiệp tại một công ty khởi nghiệp với công việc thiết kế đồ họa ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Dù mức lương 6 triệu đồng/tháng, thấp hơn mặt bằng chung của ngành nhưng Nam vẫn chấp nhận vì mong muốn tích lũy kinh nghiệm và phát triển kỹ năng qua những dự án thực tế.
"Tôi biết với mức lương này, cuộc sống ở TP HCM sẽ không dễ dàng nhưng bù lại có cơ hội làm việc trong các dự án lớn, học hỏi trực tiếp từ sếp và đồng nghiệp giàu kinh nghiệm. Với người mới ra trường như tôi, điều đó quan trọng hơn cả thu nhập" - Nam bày tỏ. Nhờ không ngừng rèn luyện chuyên môn và xây dựng hồ sơ năng lực ấn tượng, chỉ sau 1 năm rưỡi, Nam nhận được lời mời từ một công ty khác với mức lương gấp đôi.

Người lao động cần nhận thức giá trị bản thân và xây dựng chiến lược phát triển cụ thể cho sự nghiệp
Trong khi đó, Lê Minh Hằng (26 tuổi, tỉnh Bình Dương) lại có lựa chọn khác. Trước đây, Hằng làm nhân viên kinh doanh cho một doanh nghiệp phân phối hàng tiêu dùng với mức lương cơ bản 5 triệu đồng/tháng. Thu nhập của chị chủ yếu dựa vào hoa hồng từ doanh số bán hàng. Ban đầu, Hằng kỳ vọng công việc này sẽ giúp rèn luyện kỹ năng giao tiếp và mở rộng cơ hội thăng tiến trong lĩnh vực kinh doanh. Song, thực tế lại không như mong đợi.
"Mỗi tháng, ngoài tiền thuê trọ, tôi còn phải lo chi phí sinh hoạt. Nếu doanh số không đạt, thu nhập chỉ đủ trang trải cơ bản, thậm chí có tháng còn thiếu trước hụt sau. Trong khi áp lực công việc ngày càng lớn nhưng công ty lại không có chính sách hỗ trợ. Điều đó khiến tôi luôn lo lắng về tài chính" - chị Hằng nói. Sau 8 tháng, chị quyết định chuyển sang một công việc mới với mức lương cơ bản 8 triệu đồng/tháng, dù ít hoa hồng hơn.
Cách đây ít lâu, mạng xã hội "dậy sóng" trước một bài đăng tuyển trợ lý cá nhân cho một KOL (người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội). Điều gây tranh cãi là khối lượng công việc được liệt kê và mức lương 8 triệu đồng/tháng mà KOL này đưa ra. Dư luận nhanh chóng chia thành 2 luồng ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng mức lương này quá thấp so với khối lượng công việc mà một trợ lý cá nhân phải đảm nhận.
Ngược lại, cũng có một số người cho rằng mức lương khởi điểm 8 triệu đồng là hợp lý, nhất là khi tính đến những cơ hội mà vị trí này có thể mang lại. Làm việc trực tiếp với KOL giúp trợ lý mở rộng mối quan hệ, học hỏi kỹ năng trong lĩnh vực truyền thông, sự kiện, đồng thời có cơ hội phát triển nghề nghiệp và tăng thu nhập trong tương lai.
Kiên định với mục tiêu
Mức lương khởi điểm cho sinh viên mới tốt nghiệp (hay còn gọi là "fresher") luôn là chủ đề gây tranh cãi. Nhiều chuyên gia cho rằng mức lương cần phản ánh đúng năng lực và tiềm năng phát triển của ứng viên, nhiều doanh nghiệp lại dựa vào mặt bằng chung của thị trường và khả năng chi trả để đưa ra con số hợp lý. Điều này tạo ra sự chênh lệch giữa kỳ vọng của lao động trẻ và thực tế tuyển dụng.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP HCM, đánh giá hầu hết sinh viên mới ra trường phải bắt đầu từ các vị trí như thực tập sinh, cộng tác viên hay nhân viên tập sự để tích lũy kinh nghiệm. Đây là bước khởi đầu quan trọng cho sự nghiệp lâu dài. Không có ngành nghề nào mà ngay từ đầu người lao động có thể làm tốt công việc và nhận mức lương như kỳ vọng.
Điều này đồng nghĩa với việc phải chấp nhận mức thu nhập thấp và đầu tư thời gian để học hỏi. Do đó, mỗi người cần tự đánh giá và đưa ra quyết định phù hợp cho bản thân, đồng thời nhận trách nhiệm về con đường mình chọn. Nếu muốn theo đuổi nghề chuyên môn, cần đầu tư thêm công sức và thời gian.
"Không ít lao động trẻ hiện nay chọn làm nhiều công việc cùng lúc, vừa làm đúng ngành nghề để học hỏi vừa tìm thêm công việc tay trái để bảo đảm thu nhập. Con đường này có thể dài và thử thách nhưng nếu quyết tâm theo đuổi ước mơ sẽ là giải pháp hợp lý và cần thiết" - ông Tuấn phân tích.
Theo ông Eric Trần, Trưởng Phòng Tiếp thị truyền thông Công ty CP Anphabe (quận 1, TP HCM), việc "đánh đổi" thu nhập ban đầu để tích lũy kinh nghiệm là bước đệm quan trọng. Tuy nhiên, điều này chỉ có giá trị khi môi trường làm việc có chiến lược phát triển rõ ràng và hỗ trợ đào tạo.
Nếu chỉ tập trung vào việc "làm nhiều để học hỏi" mà không có chiến lược phát triển cá nhân, lao động trẻ dễ rơi vào vòng luẩn quẩn: làm việc chăm chỉ nhưng không tiến xa. Ngược lại, nếu quá chú trọng vào thu nhập mà bỏ qua cơ hội phát triển kỹ năng và mở rộng mối quan hệ, họ sẽ tự giới hạn bản thân, thiếu cơ hội bứt phá.
Do vậy, một sự nghiệp vững vàng không chỉ phụ thuộc vào mức lương hiện tại mà còn dựa vào chiến lược dài hạn của người lao động. "Điều này đòi hỏi sự kiên định với mục tiêu phát triển bản thân nhưng cũng cần linh hoạt để nắm bắt cơ hội và đối mặt thách thức mới. Hiểu rõ năng lực, dám đòi hỏi xứng đáng nhưng cũng luôn sẵn sàng học hỏi và thích nghi, đó mới là cách đứng vững trong mọi biến động của thị trường" - ông Eric Trần nhấn mạnh.