Lo cho công nhân

Một trong những nội dung đặc biệt quan trọng được Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam (khóa XI) thông qua là nghị quyết về chất lượng bữa ăn giữa ca của người lao động (NLĐ).

 

Công ty Ampfield (KCN Tân Bình - TPHCM) là một trong những đơn vị quan tâm chăm lo tốt bữa ăn cho công nhân. Ảnh: THANH NGA
Công ty Ampfield (KCN Tân Bình - TPHCM) là một trong những đơn vị quan tâm chăm lo tốt bữa ăn cho công nhân. Ảnh: THANH NGA

Bữa ăn giữa ca tại doanh nghiệp (DN) có vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đối với sức khỏe của NLĐ cũng như năng suất lao động đối với DN. Do vậy, việc ban hành nghị quyết về bữa ăn giữa ca là tối cần thiết” - ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhấn mạnh.

Chất lượng bữa ăn đóng vai trò quyết định đến việc bảo đảm dinh dưỡng và sức khỏe lâu dài cho NLĐ. Thế nhưng, nhiều DN chưa thực sự quan tâm, cải thiện chất lượng bữa ăn hằng ngày. Một khảo sát nhỏ do Viện Dinh dưỡng quốc gia thực hiện tại các công ty ở một số khu công nghiệp vùng Đông Nam Bộ cho thấy mỗi suất ăn dành cho công nhân (CN) chỉ có giá 8.000-10.000 đồng.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, suất ăn có giá trị như vậy chắc chắn không thể bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng, đặc biệt là yêu cầu tái tạo sức lao động cho NLĐ. Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam thẳng thắn chỉ ra việc DN “giao khoán” chất lượng bữa ăn giữa ca cho các nhà thầu là xem nhẹ an toàn tính mạng và sức khỏe NLĐ. Chất lượng bữa ăn quá tệ cũng là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp lao động tập thể.

Từ thực tế ấy và để bảo đảm sức khỏe lâu dài cho NLĐ, nghị quyết về chất lượng bữa ăn giữa ca của NLĐ xác định mục tiêu từ năm 2016, các Công đoàn (CĐ) cơ sở trong khu vực DN khi tiến hành đối thoại thương lượng tập thể cần đưa nội dung bảo đảm bữa ăn giữa ca của NLĐ với mức thấp nhất bằng 0,6% mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, mức giá này là tương đối chấp nhận được để các CĐ cơ sở thương lượng với chủ sử dụng lao động. Ông Võ Văn Hùng, Chủ tịch CĐ Công ty Hansae Việt Nam (100% vốn nước ngoài; KCN Tây Bắc, huyện Củ Chi, TP HCM), bày tỏ: “Chỉ cần CĐ cơ sở thương lượng tốt và chủ DN có tâm với NLĐ, chất lượng bữa ăn sẽ được cải thiện”.

Chất lượng bữa ăn kém sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động. “Hợp tác với CĐ trong việc cải thiện chất lượng bữa ăn hằng ngày cho NLĐ, chắc chắn DN sẽ hưởng lợi bởi năng suất lao động của NLĐ sẽ được tăng lên” - ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, khẳng định.