Mọi thứ bỗng bầy hầy và rối nùi, rối tung!
(NLĐO)- Từ ngày công ty tôi có trợ lý pháp luật là tiến sĩ luật tốt nghiệp ở nước ngoài về thì mọi thứ bỗng bầy hầy và rối nùi, rối tung
Công ty tôi có trợ lý pháp luật cao cấp bên cạnh trưởng phòng nhân sự. Nghe nói anh ta có học vị tiến sĩ luật ở nước ngoài. Nhiệm vụ của anh ta là nghiên cứu, tham mưu ban hành và xử lý các vấn đề liên quan đến pháp luật, nhất là pháp luật kinh tế và lao động.
Hôm ra mắt trợ lý pháp luật cao cấp cách nay hơn 1 năm, giám đốc hể hả: “Từ nay tôi hết đau đầu về mấy vụ việc liên quan đến luật pháp rồi nhé. Cơ quan chức năng mà nghe công ty ta có tiến sĩ làm trợ lý pháp luật là sợ xanh mặt rồi, không dám chàng ràng nữa đâu”.
Ấy thế mà mọi thứ lại hoàn toàn trái ngược. Hợp đồng kinh tế thì có phòng kinh doanh tham mưu, rà soát nên chưa xảy ra vấn đề gì. Riêng lĩnh vực lao động thì từ ngày đó, mọi thứ bỗng bầy hầy và rối nùi, rối tung như một mớ bòng bong.

Chẳng hạn, trước đây công ty muốn điều chuyển nhân viên từ vị trí này sang vị trí khác thì phải làm công tác tư tưởng, chỉ khi nào người lao động chấp thuận thì giám đốc mới ra quyết định. Còn bây giờ thì a lê hấp, muốn chuyển là chuyển ngay tức thì. Tất nhiên là sẽ dẫn đến thắc mắc, khiếu nại.
Việc khen thưởng cũng vậy. Trước đây mỗi quý công ty đều xét khen thưởng A,B,C; tùy theo xếp loại, ai cũng được thưởng. Nhưng bây giờ, nửa năm xét khen thưởng một lần nhưng chỉ những ai thật sự xuất sắc mới được thưởng.
Nói chung là rất nhiều chuyện nhưng nổi trội hơn hết là việc đuổi người. Từ đầu năm đến giờ, công ty phải nhận lại 14 người bị cho nghỉ việc trái pháp luật. Trong số này có 2 vụ bị kiện ra tòa và công ty thua kiện cả hai. Đau nhất là vụ gần đây, công ty thua kiện phải bồi thường cho nhân viên bị sa thải trái luật hơn 400 triệu đồng.
Vậy mà giám đốc vẫn khăng khăng bảo vệ ông “trợ lý pháp luật cao cấp” có bằng tiến sĩ luật ở nước ngoài. Điều này khiến anh em bàn ra, tán vào và rất ấm ức. Mà ấm ức nhất có lẽ là trưởng phòng nhân sự. Chị là người phải gánh chịu sự la mắng của hội đồng quản trị và ban giám đốc vì đã để ra sai phạm trong chính sách lao động.

Trong phiên họp của lãnh đạo công ty sau vụ thua kiện 400 triệu đồng, chị trưởng phòng nhân sự nói trong nước mắt: “Tôi đã can ngăn nhưng giám đốc chỉ nghe lời trợ lý pháp luật. Giám đốc còn nói tôi biết gì mà xen vào chuyện của lãnh đạo. Tôi xin từ chức”.
Tất nhiên là lãnh đạo không cho chị từ chức vì hiện tại không có ai thay thế chị ở vị trí quản trị nhân sự và chính sách lao động của công ty. Còn vị trợ lý pháp luật cấp cao nọ, sáng chiều vẫn vào công ty đóng cửa nghiên cứu, cuối tháng lãnh lương 30 triệu đồng “cho tương xứng với bằng tiến sĩ luật” của mình.
Cho đến cách nay một tuần lễ, mọi người không thấy chị trưởng phòng nhân sự đến công ty nữa. Hỏi ra mới biết chị gởi đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động, báo trước 45 ngày. Đúng ngày tháng, chị bàn giao công việc rồi nghỉ.
Giám đốc luýnh quýnh gọi trợ lý pháp luật cao cấp đến hỏi xem phải làm gì trong trường hợp này? Anh ta bèn soạn cho giám đốc một văn bản, nghe đâu đầy lỗi chính tả với nội dung không chấp thuận cho chị trưởng phòng nhân sự nghỉ việc; nếu chị cố tình nghỉ việc thì là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, công ty sẽ không làm thủ tục nghỉ việc, không chốt sổ BHXH và chị phải bồi thường cho công ty 2 tháng tiền lương.

Một cô nhân viên phòng nhân sự, lính ruột của chị trưởng phòng nhân sự khi trông thấy văn bản này đã nói thẳng vô mặt ông tiến sĩ luật: “Anh tham mưu như vầy thật tốn tiền, tốn cơm công ty đã nuôi anh”.
Ấy thế mà giám đốc vẫn ban hành quyết định với nội dung như vậy. Chị trưởng phòng nhân sự đến nhận quyết định đã nói với giám đốc: “Anh chuẩn bị hầu tòa nhé”. Tôi biết chị trưởng phòng cũ của tôi nói được, làm được.
Chỉ có điều tôi thắc mắc là tại sao ông giám đốc của chúng tôi lại mù quáng sử dụng một người chẳng làm nên cơm cháo gì như vậy? Hay là ông có ý đồ gì cao siêu mà nhân viên quèn như tôi không hiểu được? Chẳng hạn như để “lòe” cơ quan chức năng và các công ty đối tác?