Doanh nghiệp giải bài toán thiếu nhân sự

Trước tình hình khó tuyển lao động có tay nghề, nhiều doanh nghiệp đã tìm mọi cách xoay xở để không bị thiếu nhân sự

Vận hành 5 nhà máy tại TP HCM, Long An và Bình Dương, Công ty CP Sản xuất Nhựa Duy Tân (quận Bình Tân, TP HCM) xác định con người là nguồn lực trong sản xuất và là lợi thế cạnh tranh dài hạn. Do vậy, doanh nghiệp (DN) này luôn tập trung đẩy mạnh đào tạo và phát triển nhân lực.

Phát triển từ bên trong

Ông Trần Minh Đức, Trưởng phòng Thu hút nhân tài Công ty Nhựa Duy Tân, cho biết chiến lược tuyển dụng của DN xoay quanh triết lý "phát triển từ bên trong". Công ty ưu tiên đào tạo và bồi dưỡng nhân sự từ đầu thay vì phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài.

Sinh viên được tiếp xúc quy trình sản xuất thực tế tại một doanh nghiệp ở TP HCM Ảnh: THANH YÊN

Sinh viên được tiếp xúc quy trình sản xuất thực tế tại một doanh nghiệp ở TP HCM .Ảnh: THANH YÊN

Với khối lao động gián tiếp, Công ty Nhựa Duy Tân chủ động hợp tác với các trường đại học, cao đẳng lớn để tuyển chọn sinh viên mới tốt nghiệp. Sau khi trúng tuyển, họ sẽ được đào tạo hội nhập từ 3 - 6 tháng, được kèm cặp bởi đội ngũ quản lý. Những cá nhân tiềm năng tiếp tục được bồi dưỡng qua các khóa nâng cao về lãnh đạo, quản trị dự án, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề…

Với lao động trực tiếp, DN áp dụng mô hình "tuyển người chưa có kinh nghiệm - đào tạo tại chỗ". Công nhân (CN) mới được hướng dẫn bởi tổ trưởng và chuyên gia kỹ thuật. Ngoài kỹ năng nghề, họ còn được trang bị các kỹ năng mềm như: an toàn lao động, làm việc nhóm, giao tiếp trong môi trường sản xuất…

Hằng năm, các phòng ban của Công ty Nhựa Duy Tân đều tuyển dụng số lượng lớn thực tập sinh. Sinh viên từ năm 2 có cơ hội trải nghiệm môi trường làm việc thực tế và tham gia chương trình "Nhân sự tiềm năng" để trở thành nhân viên chính thức. Mô hình này giúp DN giải bài toán thiếu hụt lao động kỹ thuật và mở ra con đường nghề nghiệp rõ ràng cho người trẻ.

"Chúng tôi không tuyển dụng để lấp chỗ trống mà hướng đến phát triển con người một cách toàn diện - từ tay nghề đến tư duy, từ kỹ năng đến văn hóa. DN luôn đặt con người ở vị trí trung tâm trong mọi chiến lược phát triển" - ông Đức nhấn mạnh.

Công ty TNHH MTV Ứng dụng Công nghệ và Truyền thông Âu Lạc (quận Tân Bình, TP HCM) cũng có chiến lược tương tự để tránh tình trạng thiếu hụt nhân lực. Đặc thù của DN này là người lao động (NLĐ) phải qua đào tạo. Song, với một số ngành nghề vẫn chưa có trường đào tạo, công ty chủ động đào tạo nội bộ thông qua các chương trình thực tập online và "Học kỳ DN". Các chương trình này đều mở ra cơ hội cọ xát thực tế dành cho sinh viên.

Qua đó, 80% nhân sự chính thức của Công ty Âu Lạc được tuyển dụng từ chương trình thực tập online. Sau khi họ trở thành nhân sự chính thức, công ty tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo tại chỗ. NLĐ còn được cử đi nước ngoài để cập nhật về công nghệ, giúp nâng cao trình độ và tiến xa hơn trong nghề nghiệp.

Linh hoạt ứng phó

Những năm gần đây, việc tuyển dụng lao động trong ngành may mặc trở nên khó khăn hơn, nhất là CN nam có tay nghề, số lượng ứng tuyển rất ít. Do vậy, nhiều công ty đã sắp xếp lại lao động ngay trong DN.

Trong khi đó, Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (quận 6, TP HCM) lựa chọn giải pháp thúc đẩy cải tiến quy trình sản xuất, tự động hóa các khâu đơn giản. Những lao động dôi dư từ quá trình này sẽ được đào tạo để làm công việc khác. DN không cắt giảm nhân sự kể cả trong giai đoạn khan hiếm đơn hàng.

Bà Nguyễn Thị Thúy Thúy, Trưởng phòng Nhân sự Công ty Bình Tiên, cho biết cùng với việc tích cực ứng dụng công nghệ vào quy trình sản xuất, DN còn tìm mọi cách giữ chân CN, nhất là người có tay nghề. Công ty đã liên tục điều chỉnh phụ cấp trách nhiệm cho CN may, giúp họ tăng thu nhập, gắn bó và nỗ lực hơn trong công việc.

Để khuyến khích CN gắn bó lâu dài, Công ty Bình Tiên còn trao thưởng hậu hĩnh cho người làm việc 10, 20, 30 năm. Ngoài chế độ như lao động bình thường, CN đạt các mốc thời gian này còn được tài trợ chuyến du lịch 5 ngày 4 đêm, giúp họ tái tạo sức lao động.

Theo bà Bùi Thị Kiều Mi, Giám đốc toàn quốc Bộ phận Phát triển khách hàng - Công ty CP Adecco Việt Nam, để ứng phó hiệu quả với những biến động trong môi trường sản xuất - kinh doanh, DN không thể chỉ dựa vào mô hình quản trị nhân sự truyền thống. Thay vào đó, DN cần xây dựng chiến lược nhân sự linh hoạt, chủ động và có khả năng thích ứng nhanh chóng với tình hình thực tế.

Một trong những giải pháp quan trọng của Adecco Việt Nam là xây dựng kế hoạch nhân sự dựa theo chu kỳ đơn hàng theo quý hoặc năm, giúp DN dự báo chính xác nhu cầu lao động và tránh tình trạng thiếu hoặc thừa nhân lực. Trong các đợt cao điểm như Tết, mùa vụ xuất khẩu hoặc khi có đơn hàng đột xuất, việc sử dụng lao động thời vụ và cộng tác viên giúp DN bổ sung nhân lực kịp thời mà không làm gia tăng chi phí cố định dài hạn. 

Mô hình nhân lực linh hoạt - bao gồm làm việc bán thời gian, từ xa, hợp đồng ngắn hạn và thuê ngoài - ngày càng được nhiều DN áp dụng.

Theo bà Bùi Thị Kiều Mi, mô hình này không chỉ tối ưu chi phí vận hành mà còn giúp DN nhanh chóng phản ứng với biến động thị trường, đồng thời duy trì hiệu quả công việc.