Theo mạng xã hội việc làm LinkedIn, kỹ năng không chỉ giúp phát triển chuyên môn, mà còn hỗ trợ cho những người đang làm trong các ngành nghề khác củng cố sự nghiệp hiện tại. Những kỹ năng dưới đây được xem là rất cần thiết cho người lao động phát triển sự nghiệp trong năm 2025 được nhà tuyển dụng đề cao.
Trí tuệ nhân tạo (GenAI)
GenAI đang trở thành yêu cầu bắt buộc trong nhiều vai trò. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp dựa vào công cụ AI để tăng năng suất, tích hợp AI vào quy trình làm việc, mô hình kinh doanh, sản phẩm hoặc dịch vụ của họ.
Ông Trần Trung Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty CP TopCV Việt Nam, cho biết thực tế thị trường nhân sự đang xuất hiện các yêu cầu tuyển dụng nhân sự với điều kiện "biết sử dụng AI".
Ông Hiếu dẫn báo cáo thị trường tuyển dụng 2024 - 2025 của TopCV, có 46,25% doanh nghiệp được khảo sát khẳng định tuyển dụng chuyên gia AI và nhân tài số là một trong những ưu tiên hàng đầu trong năm 2025.
Bên cạnh đó, gần 34% doanh nghiệp tham gia khảo sát kỳ vọng trong năm 2025, tỉ trọng nhân viên có khả năng ứng dụng AI trong công việc chiếm khoảng 31% - 50%.
Hơn 26% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng tăng cường đào tạo và phát triển kiến thức, kỹ năng về AI cho nhân viên là yếu tố then chốt trong việc đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại các doanh nghiệp.
Ngoài ra, gần 11% đại diện khảo sát đề xuất việc khuyến khích và hỗ trợ sự sáng tạo và phát triển các ý tưởng sản phẩm, kinh doanh mới về công nghệ AI. Điều này thể hiện doanh nghiệp sẵn sàng tạo ra các môi trường thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo từ chính nguồn lực nội bộ, từ đó tạo nên những ý tưởng và sản phẩm đột phá dựa trên AI.
"AI đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong các hoạt động của doanh nghiệp lẫn công việc của người lao động. Do vậy, việc khuyến khích nhân viên sử dụng AI vào công việc là xu hướng tất yếu" - ông Hiếu khẳng định.
Tư duy phân tích và đổi mới
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), "Tư duy phân tích và Đổi mới" là kỹ năng đứng ở vị trí số 1 trong danh sách 10 kỹ năng hàng đầu cho năm 2025.
Tư duy đổi mới là khả năng tiếp cận các thách thức, vấn đề và cơ hội bằng tư duy sáng tạo, hướng tới tương lai. Nó liên quan đến việc tạo ra những ý tưởng mới và độc đáo, đặt câu hỏi về các chuẩn mực đã được thiết lập và tìm ra các giải pháp mới cho các vấn đề phức tạp.
Tư duy đổi mới vượt xa cách giải quyết vấn đề thông thường bằng cách khuyến khích các cá nhân khám phá những con đường độc đáo, chấp nhận sự mơ hồ và thách thức hiện trạng.
Tư duy đổi mới là điều cần thiết trong nhiều bối cảnh khác nhau, bao gồm kinh doanh, công nghệ, khoa học và giải quyết vấn đề hàng ngày. Đó là một tư duy coi trọng sự khám phá, thử nghiệm và theo đuổi sự cải tiến. Các cá nhân và tổ chức nuôi dưỡng tư duy đổi mới có nhiều khả năng thích ứng với sự thay đổi, tận dụng các cơ hội và duy trì tính cạnh tranh trong môi trường năng động.
Kỹ năng sáng tạo
Đây cũng là nhóm các kỹ năng cần để đáp ứng cho các công việc ngày nay, khi hầu hết vị trí đều đòi hỏi ứng viên cần có sự sáng tạo và khả năng tìm các giải pháp thay thế để phát triển các ý tưởng mới, có thể phản hồi nhanh các yêu cầu của công việc.
Sáng tạo sẽ tiếp tục là một thành phần quan trọng trong các định hướng hành động của các tổ chức để tổ chức có thể linh hoạt hơn, ứng phó được với sự biến động, sự không chắc chắn, phức tạp ngày càng gia tăng của thế giới.
Tập trung vào các kỹ năng mềm
Thế giới đã thay đổi đáng kể kể từ khi xảy ra đại dịch. Tại nơi làm việc, nhiều vị trí đã có sự thay đổi để lấp đầy những vai trò bị mất do tình trạng từ chức và sa thải.
Theo báo cáo Xu hướng nhân tài toàn cầu của LinkedIn công bố vào tháng 10-2024, 69% giám đốc điều hành tại Mỹ cho biết họ có kế hoạch ưu tiên tuyển dụng những ứng viên có kỹ năng mềm vào năm 2025. Họ đặc biệt chú trọng đến những kỹ năng có thể chuyển giao, cho phép ứng viên linh hoạt chuyển đổi vai trò.
Với sự gia tăng áp dụng AI tại nơi làm việc, các công ty đang tìm kiếm những người lao động có "kỹ năng rộng hơn, đặc biệt là kỹ năng của con người" để thúc đẩy sự linh hoạt trong hoạt động.
Thời kỳ mà các nhà tuyển dụng chỉ chú trọng vào bằng cấp truyền thống đã qua. Sự trỗi dậy của thế hệ gen Z đã mở đường cho việc công nhận giá trị của các khả năng thực tế. Các nhà tuyển dụng hiện nay được kỳ vọng sẽ nhấn mạnh vào các kỹ năng cụ thể của ứng viên, tạo điều kiện cho nhiều tài năng khác nhau hòa nhập vào môi trường làm việc đang thay đổi.
Bình luận (0)