Nhân lực IT cần nhưng phải chất

Theo các chuyên gia, chất lượng chính là nguyên nhân làm chậm quá trình tuyển dụng nhân lực công nghệ thông tin

Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện Việt Nam có khoảng 74.000 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin (IT), sử dụng hơn 1,2 triệu lao động. Dự báo đến năm 2030, lực lượng lao động trong ngành có thể tăng lên 3 triệu người, khi nền kinh tế số nước ta được kỳ vọng đạt giá trị 74 tỉ USD. Nhưng hiện nay, nguồn nhân lực vẫn là bài toán nan giải, dù đây là ngành có mức lương cao.

Yêu cầu khắt khe

Thời gian gần đây, thị trường lao động toàn cầu, trong đó có Việt Nam, tiếp tục chứng kiến làn sóng sa thải diễn ra tại nhiều DN, nhất là trong các lĩnh vực như IT, tài chính, truyền thông và quảng cáo.

Theo báo cáo thị trường lao động đầu năm 2025 của Vieclam24h, nhu cầu tuyển dụng trong ngành IT ghi nhận mức giảm nhẹ 2%. Ngược lại, lượng ứng viên tìm việc trong ngành này lại tăng 18%, cho thấy hệ quả của làn sóng sa thải và sự chuyển dịch nguồn nhân lực trong thời gian qua.

Tuy nhiên, bất chấp xu hướng cắt giảm, ngành IT - đặc biệt là các vị trí lập trình phần mềm - vẫn nằm trong nhóm có mức lương cao nhất thị trường lao động hiện nay. Nhiều DN vẫn đang "khát" nhân lực chất lượng cao, có kinh nghiệm và khả năng thích ứng nhanh với công nghệ mới.

Nhân lực IT cần nhưng phải chất - Ảnh 1.

Chuyên gia khuyên sinh viên ngành IT nên tiếp cận sớm với các công nghệ mới

Bà Trần Thị Hồng Nhung, Giám đốc kinh doanh phần mềm toàn quốc của một tập đoàn công nghệ Đức, nhận định DN Việt Nam đang tăng tốc chuyển đổi số. Số lượng DN ứng dụng công nghệ vào quản lý và vận hành gia tăng mạnh mẽ. Song, giai đoạn tuyển dụng nhân sự IT thường chỉ diễn ra cao điểm trong quá trình triển khai.

Khi hệ thống vận hành ổn định, DN có xu hướng cắt giảm, giữ lại những nhân sự nòng cốt và hiểu sâu về công nghệ. "Đây là xu hướng toàn cầu, phản ánh đặc thù của ngành IT - nơi sự đào thải diễn ra rất nhanh, chỉ những người liên tục nâng cao kỹ năng mới có thể trụ lại lâu dài" - bà Nhung đánh giá.

Ở góc độ khác, ông Bùi Minh Nhật, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu AI Việt Nam, cho biết thị trường tuyển dụng IT không hề "nguội đi", mà thực tế đang tăng trưởng. Vấn đề nằm ở chất lượng nguồn cung không đáp ứng được kỳ vọng của DN. "Hiện nay, các DN không còn làm quen với công nghệ một cách mơ hồ như trước. Họ đã hiểu sâu, biết rõ mình cần gì, do đó yêu cầu tuyển dụng khắt khe hơn, nhất là các vị trí liên quan trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và điện toán đám mây" - ông Nhật nói.

Chủ động thích ứng

Sự dịch chuyển trong tuyển dụng ngành IT đang là biểu hiện rõ nét của quá trình tái cấu trúc thị trường lao động, nơi kỹ năng và tư duy đổi mới quan trọng hơn số năm kinh nghiệm. Việc nắm vững công nghệ lõi, học hỏi liên tục và khả năng thích nghi với thay đổi sẽ là yếu tố quyết định để người lao động (NLĐ) trụ vững và tiến xa trong lĩnh vực này.

TS Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam, cho rằng thị trường lao động IT tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn phân hóa rất rõ rệt. Những vị trí thuần kỹ thuật có thể thay thế bằng phần mềm thì bị đào thải. Trong khi đó, các vị trí đòi hỏi tư duy hệ thống, khả năng phân tích và tích hợp công nghệ vào thực tế lại khan hiếm.

Nhu cầu tuyển dụng hiện tăng mạnh ở các mảng như AI, kỹ sư DevOps, an ninh mạng, hạ tầng điện toán đám mây... nhưng nguồn cung chưa theo kịp. Đa số ứng viên vẫn chưa có tư duy sản phẩm, thiếu kỹ năng mềm và kinh nghiệm triển khai thực tế. Theo TS Trần Quý, sinh viên cần được tiếp cận sớm hơn với các công nghệ mới, qua các dự án thật. Còn DN, thay vì kỳ vọng tuyển được người "đủ và làm được ngay" thì nên đầu tư vào đào tạo nội bộ - đó mới là chiến lược bền vững.

Bà Đào Thu Phương, CEO của Vieclam24h.vn, cho biết nhiều tập đoàn lớn tiến hành cắt giảm nhân sự nhằm tối ưu chi phí, tinh gọn bộ máy và tăng cường ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu suất. Trong khi đó, không ít DN lại gặp khó khăn trong việc tuyển dụng, thậm chí rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng.

"Thoạt nhìn, đây có vẻ là 2 xu hướng trái ngược nhưng thực chất đó là quá trình chuyển hóa về cơ cấu lao động. Vấn đề không nằm ở việc thiếu hay thừa lao động, mà ở sự mất cân đối giữa kỹ năng của NLĐ hiện có và nhu cầu thực tế của DN" - bà Phương nói.

Thực tế cho thấy thị trường lao động không chỉ đang đối mặt bài toán cung - cầu, mà còn trải qua sự chuyển dịch lớn về cấu trúc và yêu cầu kỹ năng. Theo bà Phương, trong bối cảnh đó, cả DN lẫn NLĐ đều cần chủ động thích ứng, thông qua các chiến lược đào tạo lại, nâng cao năng lực và định hướng nghề nghiệp phù hợp với xu hướng mới. 

Kỹ năng AI lên ngôi

Báo cáo mới đây của nền tảng ITviec cho thấy có 15,4% DN đã áp dụng chiến lược "không tăng trưởng, giảm biên chế" đối với đội ngũ IT do tập trung vào triển khai AI để tăng năng suất. ITviec cũng chỉ ra các kỹ năng về điện toán đám mây (19,7%), xử lý dữ liệu (19,7%) và AI/học máy (22,7%) đều thuộc tốp 10 kỹ năng dự kiến tuyển dụng trong nửa đầu năm 2025. Qua đó, nhu cầu sẽ tăng cao về chuyên môn trong quản lý dữ liệu, an ninh mạng và các công nghệ tiên tiến.