Thay đổi để không bị tụt hậu
Trong bối cảnh thị trường lao động có nhiều biến động, cả doanh nghiệp lẫn người lao động cần chủ động nâng cao năng lực để không bị bỏ lại phía sau
Thời gian qua, dù nhiều ngành nghề ghi nhận làn sóng tuyển dụng phục hồi mạnh mẽ nhờ chuyển đổi số, song không ít lĩnh vực vẫn đối mặt tình trạng thiếu hụt nhân lực và mất cân đối cung - cầu. Sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) và thiết bị tự động hóa đã thay đổi cách thức hoạt động của nhiều doanh nghiệp (DN), đòi hỏi người lao động (NLĐ) phải nhanh chóng cập nhật kỹ năng và chuyển đổi nghề nghiệp.
Tác động từ công nghệ
Công ty CP JobOKO Toàn Cầu (TP Hà Nội) dự báo trong năm 2025, tổng số việc làm trên thị trường sẽ tăng nhẹ. Nhu cầu tuyển dụng sẽ duy trì ở mức cao đối với một số ngành nghề như: kinh doanh - bán hàng, công nghệ thông tin (IT) - phần mềm, marketing (tiếp thị) - truyền thông, tài chính - ngân hàng, giao nhận - vận chuyển, bất động sản, xây dựng và sản xuất.
Trong đó, mảng kinh doanh - bán hàng sẽ chứng kiến sự mở rộng mạnh mẽ, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt trong tuyển dụng nhân sự, nhất là trong lĩnh vực thương mại giữa các DN và các thị trường đặc thù. Điều này kéo theo chi phí tuyển dụng tăng. Bởi lẽ, ngoài việc đầu tư vào nguồn tuyển dụng, DN còn phải xây dựng cơ chế đào tạo và các chính sách lương thưởng, phúc lợi hấp dẫn để thu hút ứng viên.
Mới đây, Công ty CP Kết nối nhân tài - Talentnet (TP HCM) đã thực hiện 2 cuộc khảo sát nhanh đối với NLĐ. Qua đó, cung cấp những thông tin quan trọng về tình hình lao động hiện tại và triển vọng trong tương lai.
Khảo sát đầu tiên cho thấy ngành sản xuất tại Việt Nam năm 2025 đối mặt 2 vấn đề đáng chú ý. Trong đó, 60% NLĐ lo ngại sẽ bị thay thế bởi công nghệ, 64% nhà quản lý lo ngại không thể giữ chân nhân sự quan trọng trong công ty. Mặt khác, 64% NLĐ tin rằng đầu tư vào công nghệ là giải pháp quan trọng để bảo đảm chuỗi cung ứng và 36% lãnh đạo, quản lý DN chia sẻ quan điểm này. Khảo sát cũng chỉ ra những xu hướng sản xuất liên quan môi trường - xã hội - quản trị (ESG), tác động của công nghệ và khả năng cạnh tranh.
Theo khảo sát thứ hai - về tác động của thuế quan Mỹ đối với thị trường Việt Nam, chỉ 15% DN cho biết thông tin này không ảnh hưởng đến tình hình sản xuất - kinh doanh của họ. Để ứng phó với những thay đổi từ viêc Mỹ áp thuế đối ứng, 55% DN chọn chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nhằm giảm sự phụ thuộc vào thị trường duy nhất. Trong khi đó, 48% DN cho biết đang tiến hành tái cấu trúc lao động nội bộ để thích ứng với những thách thức mới từ thị trường quốc tế.

Đầu tư vào công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp duy trì và phát triển ổn định
Nỗ lực để thích ứng
Theo các chuyên gia nhân sự, thị trường lao động năm nay sẽ có nhiều thử thách lẫn cơ hội, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và khả năng linh hoạt từ cả DN lẫn NLĐ.
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc nền tảng công nghệ tuyển dụng JobOKO, nhận định xu hướng đáng chú ý trong năm 2025 là sự thay đổi trong tiêu chí tuyển dụng. Nếu như năm 2024, yêu cầu về kỹ năng AI đối với ứng viên còn chưa phổ biến thì đến năm 2025, nhiều DN sẽ coi kỹ năng này là yêu cầu bắt buộc trong một số lĩnh vực, nhất là marketing và IT - lập trình.
Ông Tuấn Anh cho rằng nhiều ứng viên ngày càng thận trọng hơn khi lựa chọn nơi làm việc. Họ ưu tiên chọn DN có quy trình tuyển dụng tinh gọn, minh bạch, nhanh chóng nhưng vẫn bảo đảm tính chuyên nghiệp.
Điều này đã thúc đẩy các DN chú trọng hơn đến việc ứng dụng phần mềm quản trị tuyển dụng (ATS) để nâng cao trải nghiệm của ứng viên, tối ưu hóa quy trình và gia tăng hiệu quả. "Đối với NLĐ, các yếu tố quan trọng nhất vẫn xoay quanh lương thưởng, đãi ngộ, lộ trình thăng tiến, văn hóa DN và chính sách hỗ trợ cân bằng giữa công việc với cuộc sống. DN cần chú trọng những yếu tố này để xây dựng chiến lược giữ chân nhân sự và nâng cao hiệu quả tuyển dụng" - ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương, Giám đốc toàn quốc Dịch vụ tư vấn tuyển dụng Adecco Việt Nam (TP HCM), dù đối mặt những biến động kinh tế toàn cầu, thị trường lao động Việt Nam năm 2025 vẫn có tâm thế lạc quan và tập trung vào sự thích ứng. Chuyển đổi số và ứng dụng AI sẽ tiếp tục định hình xu hướng tuyển dụng trong nhiều ngành nghề.
Ông Chương nhận định nhu cầu tuyển dụng nhân sự không chỉ giới hạn trong ngành công nghệ mà còn mở rộng ra các lĩnh vực như bán lẻ, tài chính, sản xuất - nơi tự động hóa và dữ liệu ngày càng trở thành yếu tố cốt lõi cho sự phát triển của DN.
Ngoài ra, các yếu tố về bảo mật dữ liệu, ESG và đa dạng - công bằng - hòa nhập ngày càng được NLĐ và DN chú trọng trong môi trường làm việc. "Điều này không chỉ đòi hỏi DN phải đầu tư nhiều hơn vào bảo mật dữ liệu, ESG..., mà còn thúc đẩy NLĐ nâng cao kỹ năng để đáp ứng các yêu cầu công việc trong bối cảnh hiện nay" - ông Chương nhìn nhận.
Thích nghi tốt sẽ tiến lên
Theo bà Điêu Hoàng Tú Uyên, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn nhân lực - Công ty CP Anphabe (TP HCM), hiện nay, dù phần lớn NLĐ đón nhận các ứng dụng AI một cách tích cực, song họ lo ngại AI sẽ dần thay thế các vị trí công việc truyền thống, nhất là những công việc đòi hỏi tính chính xác và sáng tạo cao.
"Cả DN lẫn NLĐ đều đang đối mặt giai đoạn "đại xáo trộn" do ảnh hưởng của AI. Vì vậy, ai biết thích nghi sẽ tiến lên, còn ai chậm chân sẽ dễ bị bỏ lại phía sau" - bà Uyên nhận định.