Tối ưu hóa cơ hội nghề nghiệp
Nhảy việc từng là lựa chọn phổ biến với nhiều người trẻ khi muốn nâng cao thu nhập hay tìm một môi trường làm việc phù hợp hơn.
Tuy vậy, khi yêu cầu tuyển dụng trở nên khắt khe, cạnh tranh hơn khiến nhiều người trẻ thận trọng hơn khi cân nhắc nghỉ việc. Vậy lao động trẻ (LĐT) cần làm gì để vừa tìm kiếm công việc phù hợp, thu nhập tốt và tối ưu cơ hội phát triển dài hạn trong sự nghiệp?
Bà Đặng Ngọc Thu Thảo, Giám đốc Dịch vụ khoán việc và cho thuê lại lao động miền Bắc ManpowerGroup Việt Nam, đánh giá hiện nay, LĐT không chỉ cạnh tranh với người cùng lứa. Làn sóng sa thải toàn cầu đang gia tăng mạnh từ đầu 2024, trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) lại ưu tiên lao động có kinh nghiệm.
"Qua khảo sát, chúng tôi thấy không ít người chuyển việc chấp nhận mức lương thấp hơn 10% - 20% so với vị trí cũ. Bởi nhiều DN đã điều chỉnh chính sách đãi ngộ và phúc lợi, do đó LĐT ngày càng ý thức nhảy việc không còn là cơ hội lớn, mà đi kèm với rủi ro cao hơn" - bà Thảo nói.

Lao động trẻ cần hiểu rõ bản thân thiếu gì để bổ sung nhằm đáp ứng kỳ vọng của nhà tuyển dụng
Hiện nay, nhiều ứng viên có 4 - 5 năm kinh nghiệm, sẵn sàng nhận mức lương thấp hơn để ứng tuyển những vị trí chỉ yêu cầu 1 - 2 năm kinh nghiệm. Điều này đặt người trẻ vào thế cạnh tranh không chỉ với người cùng thế hệ. Theo bà Thảo, nhóm LĐT có những lợi thế riêng như khả năng học hỏi nhanh và sự nhiệt tình trong công việc. Nhưng những lợi thế này cần được phát huy thông qua việc chủ động cập nhật và tích lũy kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ, khả năng sử dụng công nghệ và thích nghi với thay đổi.
Bên cạnh đó, chủ động tìm hiểu về thị trường lao động như tham khảo mức lương trung bình, theo dõi xu hướng ngành, tham khảo - tư vấn từ những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực mình đang hướng đến. Các LĐT cần hiểu rõ bản thân họ đang có gì, thiếu gì và phải bổ sung những gì để đáp ứng kỳ vọng của nhà tuyển dụng. Qua đó, hạn chế rủi ro và tăng cơ hội thành công trong bước chuyển tiếp tiếp theo.
Theo các chuyên gia lao động, người trẻ thường cần ít nhất 1 năm để làm quen với công việc, năm thứ 2 để đảm nhận vai trò một cách hiệu quả, từ năm thứ 3 trở đi mới thực sự đóng góp nhiều giá trị. Nếu liên tục chuyển việc trong thời gian ngắn, DN sẽ khó xây dựng lộ trình phát triển lâu dài, đồng thời cơ hội thăng tiến của chính người lao động cũng bị giới hạn.
Nhảy việc có thể mang lại nhiều lợi ích cho LĐT, nhưng đối với DN, cam kết và sự ổn định vẫn là yếu tố quan trọng. Hồ sơ chuyển việc quá nhiều lần trong thời gian ngắn thường ít được ưu tiên, nhất là trong bối cảnh tuyển dụng ngày càng kỹ lưỡng hơn.