Trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI), nhiều phụ huynh, nhất là những người có con chuẩn bị tốt nghiệp THPT, đang lo lắng về tương lai nghề nghiệp của con em mình. Nhiều phụ huynh và học sinh (HS) thắc mắc liệu ngành nghề nào sẽ bền vững, ít bị thay thế và còn nhiều triển vọng trong kỷ nguyên số.
Phân vân
Em Trần Anh Thư, HS lớp 12N1 Trường THPT Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), cho biết đang phân vân giữa ngành công nghệ thông tin và thiết kế đồ họa. Song, thấy công nghệ AI quá phát triển đang đe dọa 2 ngành mà Thư đang quan tâm.
Phụ huynh của em Nguyễn Trần Anh Minh, HS lớp 12A1 cùng trường với Thư, cho biết Minh rất muốn học ngành marketing (tiếp thị) nhưng gia đình lại hướng theo ngành tài chính ngân hàng. Vị phụ huynh này cho rằng AI đang có khả năng làm thay công việc marketing và nhiều công việc sáng tạo khác. Chỉ có tài chính ngân hàng là bền vững.
TS Huỳnh Anh Bình, Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TP HCM, cho rằng việc chọn nghề theo sở thích, không xét đến sở trường là một trong những sai lầm của HS và nhiều phụ huynh. Nhiều em chọn nghề "hot", nghề mình thích hoặc chọn theo lựa chọn của gia đình dù mình không có khả năng làm tốt. Nhiều sinh viên của các trường đại học nổi tiếng sắp tốt nghiệp hoặc đã tốt nghiệp rồi mới phát hiện mình chọn ngành không phù hợp.
"Ở tuổi 18, chính các em phải chịu trách nhiệm về việc chọn ngành nghề chứ không phải ba mẹ mình" - TS Bình nhấn mạnh. Điều mà TS Bình quan tâm nhất không phải là kết quả học tập, mà là chọn sai ngành nghề vì các em chưa được tư vấn hướng nghiệp bài bản.
Theo TS Bình, khi đi tìm việc, nhà tuyển dụng không quan tâm bạn học trường nào, ngành nào mà quan tâm bạn có năng lực ra sao đối với lĩnh vực đó, nghĩa là bạn phải tự thể hiện khả năng của mình trước nhà tuyển dụng để chọn vị trí công việc cho mình.

Nhiều chuyên gia cho rằng phải đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp sớm cho học sinh. Minh họa AI: GIANG NAM
TS Huỳnh Anh Bình chỉ ra thực trạng rằng nhiều HS hiện nay vẫn chọn ngành học dựa trên câu hỏi "học ngành này ra làm gì?" thay vì "muốn làm nghề này thì nên học gì, ở đâu?". Đây là cách nghĩ cũ, dễ dẫn đến việc học lệch hướng, ra trường thất nghiệp hoặc làm trái ngành.
Ông khuyên HS nên bắt đầu từ việc hiểu rõ bản thân, từ điểm mạnh, điểm yếu, đến đam mê và định hướng tương lai. Sau đó mới chọn nghề phù hợp, rồi mới đến ngành học, hệ đào tạo và trường phù hợp với năng lực, hoàn cảnh. Quan trọng hơn cả, đừng chạy theo xu hướng vì chính bạn sẽ là người sống với nghề suốt cả chặng đường dài.
Phải chủ động
Theo báo cáo Tương lai việc làm năm 2025 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), giai đoạn 2025-2030 sẽ chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ trong thị trường lao động toàn cầu. Dự kiến, sẽ có mức tăng trưởng ròng 78 triệu việc làm, với 170 triệu việc làm mới được tạo ra và 92 triệu việc làm cũ bị thay thế.
Sự chuyển dịch này được thúc đẩy bởi các xu hướng vĩ mô nhưng xoay quanh trục nhu cầu về các kỹ năng liên quan đến AI, dữ liệu lớn, robot, tự động hóa, năng lượng tái tạo và công nghệ sinh học đang tăng cao. Khoảng 60% nhà tuyển dụng tin rằng việc mở rộng kỹ thuật số sẽ tạo ra tác động lớn đến hoạt động kinh doanh và tái cấu trúc thị trường lao động.
Báo cáo của WEF cũng chỉ ra các ngành nghề có triển vọng phát triển mạnh trong tương lai gồm: chuyên gia dữ liệu lớn, kỹ sư Fintech, chuyên gia AI và học máy, lập trình viên, chuyên gia an ninh mạng, chuyên viên kho dữ liệu, chuyên gia xe tự hành và xe điện. Những công việc đòi hỏi kỹ năng phân tích, sáng tạo và công nghệ cao được đánh giá sẽ tiếp tục lên ngôi.
Tương tự, báo cáo từ nền tảng tìm việc Indeed cũng xác định 12 ngành nghề có nhiều tiềm năng tại Việt Nam, bao gồm: AI, chất bán dẫn, phần mềm, phân tích dữ liệu, an ninh mạng, năng lượng xanh, tài chính - Fintech, kiến trúc và thiết kế đô thị thông minh, digital marketing, logistics, tâm lý học và y tá - điều dưỡng.
Ở góc độ nhà tuyển dụng, bà Trương Thiên Kim, Phó Giám đốc Dịch vụ tư vấn tuyển dụng của Adecco Việt Nam, cho biết ứng viên hiểu biết về công nghệ, phát triển bền vững và các xu hướng toàn cầu sẽ có nhiều lợi thế hơn trong mắt nhà tuyển dụng. Theo bà Kim, bên cạnh các kỹ năng số, các nhà tuyển dụng đã, đang và sẽ tìm kiếm những ứng viên có tư duy phân tích, có khả năng thích nghi và linh hoạt, tò mò và ham học hỏi, có kỹ năng lãnh đạo - ảnh hưởng xã hội và có óc sáng tạo.
Vì vậy, người lao động cần chủ động học hỏi, nâng cao kỹ năng và linh hoạt trong việc chuyển đổi nghề nghiệp. "Cần xây dựng mạng lưới quan hệ với các chuyên gia trong ngành và tận dụng các cơ hội học tập, đào tạo để làm sao trở nên ngày càng xuất sắc trong lĩnh vực của mình" - bà Kim nói.
Bình luận (0)