Phía VCCI vẫn chỉ đề nghị tăng 10%, trong khi Tổng LĐLĐ Việt Nam kiên quyết giữ mức đề xuất tăng là 16,8% - tức là tăng từ 350.000-550.000 đồng. Báo Người Lao Động tiếp tục chuyển tải ý kiến công nhân, cán bộ Công đoàn về vấn đề này
*Ông Đinh Tuấn Kiệt, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Vĩ Châu, quận 7, TP HCM
Quá thất vọng
Thất vọng là cảm giác của tôi và nhiều anh em công nhân (CN) khi biết lần đàm phán thứ hai của Hội đồng Tiền lương Quốc gia đi vào ngõ cụt. Tôi không biết VCCI dựa vào căn cứ nào để đề xuất phương án chỉ tăng 10% trong khi hiện nay đời sống CN, nhất là CN ngoại tỉnh rất khổ.? Thực tế, rất nhiều DN nhận ra quy định về tiền LTT hiện nay quá thấp nên đã chủ động hỗ trợ thêm các khoản phụ cấp cho CN với mong muốn họ ổn định cuộc sống trước mắt.
Đại diện VCCI và Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã có bao giờ đến khu nhà trọ để tận mắt chứng kiến hoàn cảnh sống thiếu thốn của CN hay không? Ít ra khi đề xuất phương án tăng LTT vùng, VCCI và Hiệp hội Dệt may Việt Nam phải có căn cứ cụ thể, bám sát đời sống hoàn cảnh của CN. Là cán bộ Công đoàn, tôi ủng hộ phương án tăng 16,8% do Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất, bởi phương án này đã tính đến "tình hình sức khỏe" của doanh nghiệp và hoàn cảnh sống của số đông người lao động.
* Chị Nguyễn Thị Thu Thủy, công nhân một DN có vốn đầu tư nước ngoài tại quận Thủ Đức, TP HCM
Phải nhận diện đầy đủ khó khăn của công nhân
Ba tuần lễ chở đợi của hàng chục triệu lao động cả nước đã được đền đáp bằng hai từ “thất vọng” với kết quả nhóm họp lần hai bàn về phương án tăng LTT vùng của Hội đồng Tiền lương Quốc gia ngày 25-8. Thật khó thuyết phục khi đại diện VCCI viện dẫn nhiều lý do như sức chịu đựng của doanh nghiệp (DN), lợi ích quốc gia để bảo lưu quan điểm chỉ tăng 10%.
Tôi được biết, hiện rất nhiều DN đã trả cho NLĐ mức lương từ 4,4 triệu đồng ở Hà Nội; còn ở TP HCM khoảng 4,9 triệu đồng đến 5 triệu đồng hoặc cao hơn. Như vậy, DN hoàn toàn có khả năng chấp thuận mức đề xuất 16,8% của Tổng LĐLĐ Việt Nam mà mức cao nhất (vùng 1) cũng chỉ mới đạt mức 3.650.000 đồng. Theo tôi. các thành viên của hội đồng Hội đồng Tiền lương Quốc gia phải có cái nhìn khách quan, toàn diện, đầy đủ hơn về đời sống CN để từ đó đưa ra mức đề xuất chấp nhận được, hướng đến mục tiêu ổn định đời sống NLĐ.
Anh Đinh Cao Nghĩa, công nhân Công ty Vĩ Lợi, TP HCM:
Chúng tôi khổ đủ rồi
Đọc bài trả lời phỏng vấn của ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam trên Báo Người Lao Động sáng nay mà cảm thấy xót xa. Thật khó tưởng tượng ngay tại KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội mà CN ăn ở rất khổ cực, thậm chí có người phải sửa lại chuồng heo để làm phòng ở tạm thời; có người phải gạt nước mắt gửi đứa con còn đỏ hỏn về quê cho ông bà vì không kham nổi tiền gửi con hơn 2 triệu đồng/tháng. Bản thân tôi đã gắn bó với TP HCM được 8 năm, đã lập gia đình nhưng hiện nay vẫn ở nhà thuê, cuộc sống thiếu trước hụt sau. Điều này cho thấy CN sống chật vật như thế nào. Nói thật, CN chúng tôi khổ đủ rồi và rất mong mỏi chính sách tiền lương căn cơ để ổn định cuộc sống.
Mong các nhà hoạch định chính sách, cụ thể là VCCI khi bàn bạc, thảo luận những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của hàng triệu CN phải chịu khó “vi hành” xuống các khu nhà trọ để hiểu anh em CN cơ cực như thế nào!
Bình luận (0)