"Bác Điền", "thầy Điền" là tên thân thương mà bệnh nhân gọi TS Lê Khánh Điền - Phó Chủ tịch Hội Ngôn ngữ trị liệu châu Á - Thái Bình Dương 2022-2023, Trưởng Khoa Phục hồi chức năng - Bệnh viện An Bình (TP HCM).
Cứu sống người bệnh thôi thì chưa đủ
Tại buổi triển lãm tranh kỷ niệm 10 năm thành lập lớp Hội họa - Giao tiếp cho người sau tai biến, chấn thương não, chậm phát triển…, rất đông bệnh nhân và gia đình đã trở lại Bệnh viện An Bình, không phải để khám chữa bệnh mà tỏ lòng tri ân "người thầy dạy nói" Lê Khánh Điền.
TS Điền công tác trong lĩnh vực vật lý trị liệu - phục hồi chức năng đến nay đã hơn chục năm. Sau thời gian tiếp xúc người bệnh, ông nhận thấy rất nhiều người gặp vấn đề về rối loạn ngôn ngữ song thời điểm đó, Việt Nam gần như chưa có người theo học ngành này.
"Ngành ngôn ngữ trị liệu điều trị hai vấn đề chuyên sâu là rối loạn giao tiếp và rối loạn nuốt. Tôi từng chứng kiến bệnh nhân bật khóc khi cố nuốt một muỗng cơm. Đó là nhu cầu sinh hoạt rất cơ bản của con người nhưng có khi lại vô cùng khó khăn với bệnh nhân rối loạn nuốt sau đột quỵ" - TS Điền nhớ lại.
Trước đây, các trường y ở Việt Nam chỉ đào tạo một lĩnh vực quan trọng thuộc phục hồi chức năng là vật lý trị liệu. Đến năm 2010, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch phối hợp với Tổ chức Trinh Foundation của Úc mở khóa đầu tiên về ngôn ngữ trị liệu, dạy trong 2 năm 2010-2012; khóa thứ hai vào năm 2012-2014. Hai khóa này là sự mở màn cho việc đào tạo một cách bài bản về ngôn ngữ trị liệu tại Việt Nam. Sau khi hoàn tất chương trình tại Việt Nam, TS Điền tiếp tục du học ngành này ở Úc hai lần, mang những kiến thức về áp dụng điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện An Bình.
Cuối năm 2013, lớp học Hội họa - Giao tiếp đầu tiên dành cho bệnh nhân sau tai biến có rối loạn ngôn ngữ, hạn chế giao tiếp và trẻ vị thành niên chậm phát triển được thành lập. Với ánh mắt đầy tự hào, TS Điền liên tục giới thiệu những bức tranh do bệnh nhân vẽ. Những bức tranh đầu tiên được treo tại bệnh viện đã chứng minh hoạt động của nhóm Hội họa - Giao tiếp đạt hiệu quả như là một phương thức bổ sung chương trình điều trị phục hồi cho các trường hợp rối loạn ngôn ngữ, rối loạn giao tiếp.
"Với quan điểm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế, cứu sống bệnh nhân thôi chưa đủ, trách nhiệm của người thầy thuốc là còn phải giúp bệnh nhân sống tốt nhất có thể. Đó không phải là sự đòi hỏi cao mà là nhu cầu cần thiết để người bệnh sống hòa nhập với chất lượng cao hơn" - ông Điền nhấn mạnh.
Không chỉ trẻ em, nhiều thanh thiếu niên sau tai biến cũng cần được trị liệu về giao tiếp. Nhiều trẻ trước đây rất nhút nhát, thiếu tự tin, gần như không nói chuyện với người xung quanh. Sau một thời gian điều trị và tập luyện, các em đã có thể tự tin giao tiếp, tiếp xúc với người xung quanh. Nhiều cha mẹ không nén được xúc động vì con mình dường như được sinh ra lần thứ hai.
Từ phòng làm việc nhìn ra khu tập luyện, TS Điền chăm chú quan sát từng người, thỉnh thoảng lại nở nụ cười trìu mến. Theo ông, thời gian đầu điều trị, bệnh nhân cần được can thiệp 1:1, tức 1 thầy thuốc kèm 1 bệnh nhân. Bệnh nhân ổn định và tiến bộ hơn sẽ được chuyển sang điều trị nhóm nhỏ, mục đích chính là giúp họ có cơ hội giao tiếp nhiều hơn và tự tin hơn. Khi chuyển sang điều trị nhóm lớn, bệnh nhân sẽ được tham gia các hoạt động đông người hơn, như vẽ tranh, gấp giấy, làm thiệp,…
Với giọng trầm ấm, TS Điền kể về những bệnh nhân mà ông đặc biệt ấn tượng. Sau đột quỵ, một người đàn ông bị mất ngôn ngữ, mất giọng nói và kiên trì điều trị một thời gian. Trong một bữa cơm gia đình, người con trai bật khóc khi nghe cha mình nói được thành lời...
Với người bị rối loạn ngôn ngữ, điều quan trọng nhất là sự nhẫn nại. Tâm lý người bệnh rất nhạy cảm, không thể giao tiếp với họ như cách bình thường mà phải đặt mình vào vị trí của họ. Mất 5-10 phút để nói một từ cũng không sao, gia đình và bác sĩ điều trị cần giúp bệnh nhân an tâm, tạo động lực cho họ cố gắng.
Ông Lê Cao Nguyên (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là một trong những học viên lâu năm nhất của lớp Hội họa - Giao tiếp. Gần 10 năm qua, ông luôn đều đặn đón xe khách từ Vũng Tàu đến TP HCM mỗi tuần. Dù nói không rõ, khó nghe nhưng với gia đình và đội ngũ bác sĩ hỗ trợ, đây là những nỗ lực phi thường của ông. Từ vẽ phong cảnh đến chủ đề gia đình, những bức tranh của ông luôn tràn ngập màu sắc tươi sáng, hạnh phúc.
"Chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh vẽ tranh giúp chữa rối loạn ngôn ngữ nhưng chắc chắn hội họa và các hoạt động mỹ thuật theo nhóm sẽ giúp tinh thần người bệnh thoải mái hơn. Tinh thần tốt kéo theo việc điều trị cũng hiệu quả. Sau mỗi tác phẩm, bệnh nhân cảm nhận mình vẫn còn nhiều đóng góp ý nghĩa cho đời" - "người thầy dạy nói" nhận xét.

TS Lê Khánh Điền hướng dẫn sinh viên mới vào nghề
Nuôi dưỡng nhiệt huyết, đam mê nghề nghiệp
Theo TS Lê Khánh Điền, Việt Nam hiện chỉ có 3 trường ĐH có chương trình đào tạo chính thức về ngôn ngữ trị liệu, gồm: Trường ĐH Y Dược TP HCM, Trường ĐH Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng và Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương. Dân số Việt Nam hiện xấp xỉ 100 triệu người, đồng nghĩa sẽ có rất nhiều trường hợp cần hỗ trợ về ngôn ngữ trị liệu, song số người đang học và làm việc trong lĩnh vực này còn rất ít.
Dạy học và chữa bệnh là hai hoạt động khác nhau nhưng điểm chung là lấy sinh viên và bệnh nhân làm trung tâm. Dạy học không đơn thuần chỉ cung cấp kiến thức, người thầy còn có trách nhiệm giúp sinh viên hiểu đúng về nghề.
TS Điền nhìn nhận: "Không phải cứ nói sinh viên phải có nhiệt huyết thì họ sẽ nhiệt huyết. Tôi đặt ra những thử thách để sinh viên nghiên cứu, giải quyết vấn đề. Những lần va chạm thực tế, tiếp xúc bệnh nhân chính là cơ hội để sinh viên "nuôi" nhiệt huyết".
Với ông Điền, nhiệt huyết là điều cần có nhưng chưa đủ để trở thành người thầy thuốc. Suốt hơn 30 năm gắn bó với bệnh nhân, ông luôn dạy học trò không được tự hài lòng mà phải luôn cố gắng học hỏi. Phải xem bệnh nhân và người nhà bệnh nhân như người thân của mình, đồng thời cần nuôi dưỡng đam mê nghề nghiệp. Bệnh viện An Bình không chỉ là mái nhà chung của những người bị rối loạn ngôn ngữ mà còn là nơi trau dồi kinh nghiệm của rất nhiều sinh viên các trường tại TP HCM như ĐH Sài Gòn, ĐH Kiến trúc, ĐH Y Dược và ĐH Quốc tế Hồng Bàng.
Bày tỏ tự hào về người thầy từng dạy mình, cô Nguyễn Huỳnh Ngọc Mai Trâm, giảng viên Bộ môn Phục hồi chức năng, Khoa Điều dưỡng Kỹ thuật y học - Trường ĐH Y Dược TP HCM, nhớ lại: "Ngày kỷ niệm 50 năm thành lập Bộ môn Phục hồi chức năng tại trường, dù không được thông báo trước nhưng thầy Điền vẫn đứng giữa hội trường hát bài "Khát vọng". Dù thầy hát không hay, giọng run thấy rõ nhưng mọi người đều cảm nhận được khát vọng của thầy. Một nguồn năng lượng rất lạ được lan tỏa. Nhiều người, trong đó có tôi, đều cảm thấy yêu nghề và muốn phấn đầu nhiều hơn".
Giữa hai "ngọn lửa"
Với câu hỏi: "Đến nay, điều gì khiến thầy tự hào nhất?", TS Lê Khánh Điền trả lời ngay mà không cần suy nghĩ: "Đó là gia đình!".
TS Điền khẳng định gia đình chính là chỗ dựa tinh thần vững chắc của ông. "Tôi luôn dạy học trò giữ hai "ngọn lửa": Lửa gia đình và lửa nghề. Đừng vì guồng xoáy công việc mà quên mất gia đình cũng cần chăm sóc, vun vén yêu thương. Nền tảng gia đình tốt là cách để mình giữ vững tinh thần làm việc" - TS Điền chiêm nghiệm.
Cầm trên tay tấm thiệp chúc Tết mà bệnh nhân tự tay làm tặng, TS Điền luôn ước một ngày có thêm thời gian để xây dựng nhiều dự án ý nghĩa cho người bệnh. Ông nhớ lại khoảng thời gian du học tại Úc, chứng kiến những người bị rối loạn giao tiếp, hạn chế vận động vẫn có thể tự di chuyển, đi học, đi làm. Người bệnh di chuyển bằng xe lăn có thể dễ dàng đón xe buýt; rồi những môn thể thao, khu vui chơi giải trí cho bệnh nhân... Điều đó khiến TS Điền suy nghĩ mãi, thôi thúc ông trở về nước tiếp tục sứ mệnh lan tỏa điều tốt đẹp và tích cực.
TS Điền nhận định nhu cầu phục hồi chức năng ngày càng tăng trên toàn cầu. Từ năm 2017, WHO và các quốc gia thành viên, đối tác phát triển và các tổ chức hoạt động xã hội đã cùng nhau khởi động sáng kiến Phục hồi chức năng 2030. Đến nay, WHO đã hỗ trợ trên 35 quốc gia tăng cường hệ thống y tế nhằm cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng tốt hơn.
TS Điền trăn trở: "Điều tôi mong muốn là rất nhiều, điều tôi chưa làm được cũng rất nhiều. Tôi không dám nói trước những dự định tương lai, chỉ mong mình có thật nhiều sức khỏe để cống hiến cho ngành y tế. "Tre già măng mọc", hy vọng lĩnh vực này sẽ có thêm nhiều "người thầy dạy nói" giúp đỡ bệnh nhân".
Giấy chứng nhận danh giá nhất của người thầy thuốc chính là lòng yêu thương và sự tin tưởng của bệnh nhân".(TS Lê Khánh Điền)
Sức mạnh cực kỳ quan trọng
Theo BSCK2 Hồ Hải Trường Giang, Giám đốc Bệnh viện An Bình, niềm tin và tinh thần lạc quan là sức mạnh cực kỳ quan trọng giúp bệnh nhân hồi phục mà không thuốc nào có thể thay thế được.
"TS Lê Khánh Điền là người rất tâm huyết trong công việc. Với người bệnh, ông luôn cố gắng đem lại năng lượng tích cực, tinh thần lạc quan nhất" - lãnh đạo Bệnh viện An Bình nhấn mạnh.
Bình luận (0)